Ngày 1.1.2016, Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi có hiệu lực thi hành, nhưng trong thực tế, một bộ phận người lao động phản ứng do chưa hiểu hết về Luật BHXH. Qua trao đổi, ông Phạm Ngọc Hà - Phó Giám đốc BHXH tỉnh khẳng định, Luật BHXH sửa đổi đảm bảo vì mục tiêu an sinh xã hội bền vững.
Theo Luật BHXH (sửa đổi) thì công nhân khi về già sẽ có lương hưu.Ảnh: D.LỆ |
PV: Ông hãy cụ thể những nội dung thay đổi cho người lao động (LĐ) biết rõ hơn về Luật BHXH sửa đổi?
Ông Phạm Ngọc Hà. |
Ông Phạm Ngọc Hà: Luật BHXH (sửa đổi) lần này mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc gồm: người LĐ có hợp đồng LĐ 1 - 3 tháng, người LĐ là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam có giấy phép LĐ được cơ quan thẩm quyền của Việt Nam cấp được tham gia BHXH bắt buộc theo quy định của Chính phủ và người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn. Luật hóa một số nhóm đối tượng đã được thực hiện theo các quy định hiện hành: học viên quân đội, công an, cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí; người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương. Về quyền lợi thì LĐ nam đang đóng BHXH khi vợ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản là 5 ngày làm việc với trường hợp sinh thường, 7 ngày làm việc với trường hợp sinh phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi; Trường hợp sinh đôi thì được nghỉ 10 ngày làm việc, từ sinh 3 trở lên cứ thêm mỗi con thì nghỉ thêm 3 ngày làm việc; Trong trường hợp sinh đôi trở lên mà phải phẫu thuật thì được nghỉ 14 ngày làm việc. Luật bổ sung quy định chế độ thai sản của LĐ nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình sửa đổi. Về chế độ hưu trí, LĐ nữ là người hoạt động chuyên trách hoặc không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn tham gia BHXH khi nghỉ việc mà có đủ từ 15 năm đến dưới 20 năm đóng BHXH và đủ 55 tuổi thì được hưởng lương hưu (tuy nhiên, nếu lương hưu thấp hơn mức lương cơ sở thì không được bù bằng mức lương cơ sở). Từ ngày 1.1.2016 trở đi, nam đủ 50 tuổi, nữ đủ 45 tuổi, có thời gian đóng BHXH từ đủ 20 năm trở lên, bị suy giảm khả năng LĐ từ 81% trở lên được hưởng lương hưu với mức thấp hơn do nghỉ hưu trước tuổi quy định. Cách tính hưởng ngày càng có lợi hơn cho người LĐ, từ năm 2016 đến 2020 lương hưu được tính bình quân mức lương của 15 năm công tác, từ 2020 đến 2025 tính bình quân 20 năm, và từ 2025 sẽ tính bình quân toàn bộ mức lương của quá trình tham gia BHXH. Về quản lý nhà nước, cơ quan BHXH được bổ sung chức năng thanh tra đóng BHXH, y tế, thất nghiệp và xử lý hành vi vi phạm theo đúng quy định nhằm hạn chế tình trạng chây lỳ, trốn đóng BHXH. Và UBND các tỉnh, thành phố phải chịu trách nhiệm về việc tăng đối tượng tham gia BHXH, đưa vào chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương.
PV: Luật BHXH (sửa đổi) theo ông nói thì có nhiều quyền lợi được mở rộng, vậy tại sao lại có một bộ phận người LĐ đã bày tỏ phản ứng?
Ông Phạm Ngọc Hà: Vừa qua, một bộ phận nhỏ người LĐ ở miền Nam phản ứng với điều 60 của Luật BHXH (sửa đổi) do họ chưa hiểu rõ về quy định này, cho rằng quyền lợi bị ảnh hưởng. Nhưng trong thực tế, điều 60 nhằm hướng đến đảm bảo tính an sinh bền vững hơn, khi người LĐ về hưu sẽ có lương hưu. Điều 60 quy định rõ 4 nhóm đối tượng được hưởng chế độ 1 lần, gồm người đủ tuổi hưu nhưng chưa đủ 20 năm đóng BHXH, cán bộ chuyên trách hoặc không chuyên trách cấp xã đủ tuổi hưu nhưng chưa đủ 15 năm đóng BHXH, người định cư ra nước ngoài, người bị bệnh hiểm nghèo như ung thư, phong, lao, HIV/AIDS… Vì vậy, khi người LĐ có tham gia BHXH ở đơn vị A, khi nghỉ sang đơn vị B tiếp tục làm việc thì được cộng nối, khi nghỉ về địa phương có thể tham gia tự nguyện để đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí. Khi về già, con người thường hay đau ốm bệnh tật, có chế độ hưu trí là có thẻ bảo hiểm y tế, được chăm sóc sức khỏe trong điều kiện giá viện phí ngày càng tăng, có lương hưu để trang trải cuộc sống. Đây chính là chính sách an sinh xã hội, mang tính nhân văn sâu sắc mà Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm.
PV: Trong thời gian đến khi Luật BHXH sửa đổi có hiệu lực, vai trò của BHXH tỉnh như thế nào để luật đến sát với người LĐ?
Ông Phạm Ngọc Hà: Tuyên truyền về Luật BHXH (sửa đổi) là nội dung ưu tiên trong chương trình hoạt động của BHXH tỉnh, với nhiều hình thức đa dạng, phong phú hơn. Chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý nhà nước tuyên truyền trong những đợt thanh tra, kiểm tra, đối thoại tại các đơn vị sử dụng LĐ. Năm nay chúng tôi đã xây dựng một loạt các đợt đối thoại trực tiếp với nhân dân, người LĐ trong suốt năm 2015. BHXH sẽ phối hợp với các cơ quan truyền thông từ tỉnh đến huyện, xã để tuyên truyền về những nội dung đổi mới của luật. Đồng thời theo tinh thần Nghị quyết 21 của Bộ Chính trị, các cấp, ngành, địa phương đều phải có trách nhiệm trong việc tuyên truyền nhằm tiến tới lộ trình bảo hiểm toàn dân vào năm 2020.
PV: Xin chân thành cảm ơn ông!
DIỄM LỆ (thực hiện)