Cuối tuần qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức hội nghị chuyên đề về công tác cán bộ và lấy ý kiến góp ý của cán bộ chủ chốt tỉnh đối với dự thảo lần hai văn kiện Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII (nhiệm kỳ 2020 - 2025). Các đồng chí Phan Việt Cường - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Lê Văn Dũng - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Lê Trí Thanh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.
Định hình hướng đi
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng cho biết, trong quá trình xây dựng dự thảo, các đồng chí trong Tiểu ban Văn kiện và các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tích cực tham gia nhiều ý kiến, đặc biệt, nhận được góp ý của nhiều đồng chí nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy các nhiệm kỳ trước. Dự thảo Báo cáo chính trị được đưa ra lấy ý kiến lần này xác định mục tiêu tổng quát: Xây dựng Đảng bộ tỉnh Quảng Nam trong sạch, vững mạnh; sắp xếp, củng cố tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; phát huy dân chủ và khối đại đoàn kết toàn dân tộc, truyền thống cách mạng, bản sắc văn hóa con người Quảng Nam; tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, huy động mọi nguồn lực để phát triển kinh tế nhanh, toàn diện, bền vững; bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân; tăng cường quốc phòng, an ninh; đẩy mạnh hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế; phấn đấu đưa Quảng Nam trở thành tỉnh phát triển của cả nước.
Để thực hiện đạt mục tiêu trên, theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng, Tiểu ban Văn kiện dự kiến đưa ra 3 nhiệm vụ đột phá chiến lược trong nhiệm kỳ 2020 - 2025 là: Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng và phát triển đô thị; chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư gắn với phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; cải thiện môi trường đầu tư gắn với bảo vệ môi trường và khởi nghiệp sáng tạo.
Về cơ cấu nền kinh tế, theo dự thảo Báo cáo chính trị: Tiếp tục thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tăng tỷ trọng ngành dịch vụ - du lịch. Phát triển dịch vụ - du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Mở rộng không gian phát triển du lịch về phía nam và phía tây của tỉnh...
Trong định hướng phát triển vùng, dự thảo nêu rõ: Vùng đồng bằng ven biển là vùng động lực phát triển của tỉnh, tập trung xây dựng vùng ven biển của tỉnh trở thành trung tâm dịch vụ, du lịch - công nghiệp sạch - chuỗi đô thị - nông nghiệp công nghệ cao. Đối với vùng trung du, miền núi, tập trung tạo đột phá trong thực hiện các nhóm dự án về phát triển kinh tế - xã hội miền núi gắn với định hướng thực hiện một số dự án lớn tại vùng Tây tỉnh Quảng Nam.
Đối với định hướng phát triển Khu kinh tế mở Chu Lai: Tiếp tục xây dựng Khu kinh tế mở Chu Lai theo mô hình khu kinh tế tổng hợp, bao gồm các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu phi thuế quan... Đưa Khu kinh tế mở Chu Lai trở thành đầu tàu thúc đẩy sự phát triển Quảng Nam và động lực kết nối phát triển Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung...
Chú trọng yếu tố “bền vững”
Gắn với tầm nhìn lâu dài
Gợi ý góp ý vào dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII (nhiệm kỳ 2020 - 2025), Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường nói, những thành tựu phát triển của tỉnh hôm nay là minh chứng sinh động cho sự quyết tâm, đồng lòng của Đảng bộ tỉnh và các tầng lớp nhân dân. Việc đặt ra chỉ tiêu đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh không còn nhà tạm bợ; hay một số chỉ tiêu xã hội khác trong nhiệm kỳ đến thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng bộ tỉnh trong công tác an ninh xã hội, chăm lo đời sống nhân dân; cũng để trên cơ sở đó huy động các nguồn lực xã hội hóa, cùng với nguồn lực của tỉnh để thực hiện. Phân tích về các thời cơ đối với định hướng phát triển kinh tế trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, theo đồng chí Phan Việt Cường, tiềm năng và lợi thế phát triển các địa phương đều có, nhưng quan trọng là cách làm, phương thức làm và phải tính toán hợp lý...
Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường nhấn mạnh, dự thảo Báo cáo chính trị trình đại hội lần này phải thể hiện sâu sắc quyết tâm chính trị của Đảng bộ tỉnh đối với sự phát triển của quê hương Quảng Nam trong 5 năm đến, vừa có những định hướng, tầm nhìn lâu dài ở những năm tiếp theo. Vì vậy, dự thảo tiếp tục lấy ý kiến góp ý rộng rãi của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân và tiếp thu tối đa để xây dựng hoàn thiện với tinh thần thể hiện rõ khát vọng và trí tuệ của Quảng Nam trong giai đoạn mới.
Thảo luận, góp ý vào dự thảo Báo cáo chính trị, nhiều ý kiến cho rằng, mục tiêu tổng quát của dự thảo chỉ nên đề cập việc huy động mọi nguồn lực để phát triển kinh tế bền vững, bỏ đi thành tố “nhanh”, cũng có ý kiến cho rằng nên bỏ cả “toàn diện” và phân tích về các yếu tố bất lợi làm kinh tế tăng trưởng chậm; phát triển kinh tế bền vững là vấn đề được quan tâm nhất hiện nay.
Theo ông Nguyễn Quang Thử - Giám đốc Sở Công Thương, dự thảo Báo cáo chính trị nên có chủ đề phát triển toàn diện và bền vững, bởi dự báo xu hướng phát triển trong nước và quốc tế sẽ chậm lại. Về định hướng, cùng với phát triển cảng biển, logistics, dự thảo cần bổ sung và làm toát lên nội dung phát triển chế biến hải sản theo hướng công nghiệp, xem đây là nhiệm vụ ngay trong đầu nhiệm kỳ này. Tranh thủ cơ hội từ việc Thaco triển khai xây dựng dự án khu công nghiệp nông lâm - nghiệp tại Khu kinh tế mở Chu Lai, theo đó, đối với khu vực trung du, miền núi cần bổ sung định hướng phát triển kinh tế địa phương hướng đến trở thành vùng nguyên liệu nông lâm nghiệp chủ lực cho chế biến ở vùng đông nam, tạo điều kiện phát triển sản xuất hàng hóa, nâng cao thu nhập cho người dân.
Còn ông Đỗ Tài - Bí thư Huyện ủy Đông Giang cho rằng, trong bối cảnh của tỉnh hiện nay, với 9 huyện miền núi còn nhiều khó khăn thì chưa đề cập vấn đề phát triển nhanh, mà chú trọng đến phát triển bền vững. Về chỉ tiêu thu nhập bình quân đầu người hàng năm nên định lượng riêng đối với khu vực miền núi cao cho phù hợp với thu nhập. Đời sống bà con miền núi còn khó khăn, theo tính toán của địa phương Đông Giang, tính đến năm 2025 thu nhập của bà con đạt khoảng 2.000 USD đã là sự cố gắng rất lớn.
“Phát triển miền núi, nên chăng tách khu vực trung du và miền núi cao. Thực tiễn còn rất nhiều vấn đề cần phải giải quyết, chúng ta phân vùng để lãnh đạo thực hiện hiệu quả. Đến nay, Nghị quyết 05 của Tỉnh ủy về phát triển miền núi mới chỉ tập trung làm tốt việc bố trí, sắp xếp dân cư; phát triển kinh tế rừng, giữ rừng, phát triển trồng rừng gỗ lớn, trồng dược liệu dưới tán rừng, trồng cây ăn trái... đó là nhiệm vụ mà miền núi phải tập trung thực hiện gắn với định hướng miền núi trở thành vùng nguyên liệu chế biến nông lâm sản cho Thaco. Giao thông kết nối cho miền núi phải được liên kết một cách căn cơ hơn” - ông Tài nói.