(QNO) - Nguyên nhân của tình trạng giảm tiểu cầu khi mắc sốt xuất huyết là do tủy xương (nơi sản xuất tiểu cầu) bị ức chế.
Các kháng thể được tạo ra trong giai đoạn người bệnh bị sốt xuất huyết đã phá hủy một lượng lớn tiểu cầu. Việc truyền tiểu cầu có chỉ định giúp bệnh nhân vượt qua thời điểm nguy hiểm…
Nguy cơ xuất huyết
Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận hơn 190.000 ca mắc sốt xuất huyết, 72 ca tử vong. Riêng tại Hà Nội, theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, đến nay, thành phố ghi nhận 1.342 ca mắc sốt xuất huyết, tăng gấp 3 lần so với số mắc cùng kỳ năm ngoái.
Những ngày qua, các bệnh viện cũng tiếp nhận nhiều bệnh nhân sốt xuất huyết nặng. Cụ thể, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đang điều trị gần 30 ca sốt xuất huyết, tăng hơn so với đầu tháng 8. Trong đó, gần 10 ca trong tình trạng nặng.
Theo các chuyên gia, bệnh sốt xuất huyết có biểu hiện lâm sàng đa dạng, diễn biến nhanh chóng từ nhẹ đến nặng. Bệnh thường khởi phát đột ngột và diễn biến qua ba giai đoạn: Sốt, nguy hiểm và hồi phục. Từ ngày thứ 4, người bệnh nên theo dõi sát. Bởi, đây là lúc có thể xuất hiện những dấu hiệu nguy hiểm. Đặc biệt, số lượng tiểu cầu thường giảm đáng kể. Từ đó, có thể gây xuất huyết ở các mức độ khác nhau từ nhẹ đến nặng.
Lý giải về nguyên nhân người bệnh sốt xuất huyết thường giảm tiểu cầu, PGS. TS. Nguyễn Hà Thanh - Phó Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương cho biết, tiểu cầu là các tế bào máu rất nhỏ. Tiểu cầu được sinh ra từ tủy xương, có chức năng tham gia quá trình đông cầm máu. Tiểu cầu được coi là giảm khi số lượng còn dưới 150G/l bằng xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu (hay xét nghiệm công thức máu).
Nguyên nhân của tình trạng giảm tiểu cầu khi mắc sốt xuất huyết là do tủy xương (nơi sản xuất tiểu cầu) bị ức chế. Các kháng thể được tạo ra trong giai đoạn người bệnh bị sốt xuất huyết đã phá hủy một lượng lớn tiểu cầu. Ngoài ra, tăng kết dính tiểu cầu với các tế bào nội mạch, tiểu cầu bị các tế bào thực bào phá hủy cũng là nguyên nhân.
“Một trong những hậu quả của sốt xuất huyết là giảm tiểu cầu. Việc đó dẫn đến tình trạng bệnh nhân có thể bị xuất huyết. Đây không phải là hậu quả hay gặp, nhưng đôi khi xảy ra với mức độ tương đối nặng ở bệnh nhân sốt xuất huyết.
Trong trường hợp như vậy, bệnh nhân sẽ được chỉ định truyền tiểu cầu. Việc truyền tiểu cầu có chỉ định giúp bệnh nhân vượt qua thời điểm nguy hiểm và trở về cuộc sống bình thường”, PGS.TS Nguyễn Hà Thanh chia sẻ.
Nguy cơ lây qua máu
Lý giải về đường lây của sốt xuất huyết, TS.DS Tạ Thanh Sơn - Viện Công nghệ dược sinh học, Đại học Marburg (Đức) cho biết, khác virus cúm, virus sốt xuất huyết không được tìm thấy trong nước bọt của bệnh nhân. Do đó, sốt xuất huyết không thể lây truyền qua hắt hơi, ho hoặc hôn. Tuy nhiên, có những trường hợp cá biệt. Trong đó, các nhà nghiên cứu cho rằng, một số người đã bị nhiễm bệnh qua quan hệ tình dục không được bảo vệ.
“Vì vậy, Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh châu Âu (ECDC) chỉ ra rằng, bệnh nhân sốt xuất huyết hoặc nghi mắc không nên quan hệ tình dục trong thời gian bị bệnh. Các nhà nghiên cứu đến nay đã có thể phát hiện RNA của virus sốt xuất huyết trong tinh dịch, dịch tiết âm đạo và nước tiểu.
Tuy nhiên, vẫn chưa rõ mức độ lây nhiễm có thể xảy ra qua việc này qua đường tình dục và các nghiên cứu sâu hơn là cần thiết để có một khuyến nghị chính xác hơn”, TS Sơn chia sẻ.
Ngoài ra, TS Sơn dẫn chứng, một số báo cáo cho thấy, phụ nữ mang thai đã truyền virus sang thai nhi qua đường máu. Các bác sĩ gọi đây là đường lây truyền theo chiều dọc. Việc lây truyền virus qua sữa mẹ cho đến nay chỉ được giả định trong một trường hợp. Ngoài ra, có thể nhiễm virus sốt xuất huyết qua máu bị nhiễm bệnh (truyền máu, vết thương do kim tiêm).
TS Sơn dẫn chứng, tháng 10/2018, Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) đã phê duyệt vắc-xin phòng bệnh sốt xuất huyết cho thị trường châu Âu. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng, những người chưa bị sốt xuất huyết và đã được tiêm phòng có nguy cơ mắc bệnh với các triệu chứng nặng hơn người chưa tiêm vắc-xin. Do đó, vắc-xin giới hạn cho những người từ 9 đến 45 tuổi và từng bị sốt xuất huyết trước đó.
“Điều quan trọng nhất là tự bảo vệ mình khỏi bị muỗi đốt. Các biện pháp bảo vệ sau đây được khuyến nghị cho mục đích này: Mặc quần dài; bôi thuốc đuổi muỗi lên da và quần áo; căng màn chống muỗi với kích thước mắt lưới tối đa là 1,2 mm trên giường; gắn lưới chắn ruồi, muỗi vào cửa sổ và cửa ra vào (tẩm thuốc diệt côn trùng)”, TS Tạ Thanh Sơn khuyến cáo.