Vì sao nợ thuế dai dẳng?

TRỊNH DŨNG 25/11/2015 09:31

Cơ quan chức năng đã nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp thu hồi nợ thuế, kể cả công bố tên doanh nghiệp nợ thuế lên các phương tiện thông tin đại chúng nhưng vì sao nợ thuế vẫn tăng? Câu hỏi này đã được các cơ quan giám sát, công luận và cả doanh nghiệp thực thi đúng pháp luật đặt ra và chờ câu trả lời!

Nợ thuế gia tăng

Kết thúc năm 2014, tổng nợ thuế được xác nhận khoảng 788,5 tỷ đồng. Cụ thể, nợ khó thu do người nộp thuế đã tự chấm dứt hoạt động kinh doanh, bỏ trốn, phá sản, lâm vào tình trạng kinh doanh thua lỗ, mất khả năng thanh toán, giải thể hay phá sản khoảng 123 tỷ đồng, nợ chờ xử lý 32,7 tỷ đồng và chiếm nhiều nhất là nợ thông thường, không đủ điều kiện phân loại vào 2 nhóm nợ trên là 632,5 tỷ đồng. Cục Thuế Quảng Nam cho biết ngay từ đầu năm 2015, cơ quan này đã tăng cường công tác xác minh thông tin qua ngân hàng, các chủ đầu tư, đơn vị có liên quan đang nắm giữ tài sản, công nợ, tiến hành phân tích đặc thù của từng doanh nghiệp để áp dụng các biện pháp thu nợ phù hợp… Tuy nhiên, dù đã thực hiện đồng bộ các biện pháp thu nợ theo đúng quy định như trích tài khoản ngân hàng 294 lượt, thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng 28 lượt, thu hồi 16 giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh… thì dự kiến số nợ thuế thu hồi ngay trong năm 2015 chỉ khoảng 284 tỷ đồng. Trái với con số nợ thuế thu được quá ít như đã công bố thì nợ thuế lại tiếp tục có xu hướng gia tăng. Số nợ mới phát sinh trong năm 2015 sẽ khoảng 389,8 tỷ đồng. Dự kiến đến hết ngày 31.12.2015, tổng nợ thuế sẽ khoảng 895 tỷ đồng, tăng 106,5 tỷ đồng so với cuối năm 2014 với tỷ lệ nợ thuế trên tổng thu ngân sách năm 2015 là 11,1%.

Doanh nghiệp làm ăn thua lỗ đã khiến nợ đọng thuế ngày càng kéo dài (ảnh chỉ có tính minh họa). Ảnh: T.D
Doanh nghiệp làm ăn thua lỗ đã khiến nợ đọng thuế ngày càng kéo dài (ảnh chỉ có tính minh họa). Ảnh: T.D

Nợ thuế không có dấu hiệu giảm đã khiến công luận và các thành viên của Ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh phân vân tại sao cơ quan quản lý đã nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp thu hồi nợ thuế nhưng nợ thuế vẫn tăng? Cơ quan thuế đã làm đúng và hết thẩm quyền theo luật định chưa? Vấn đề đặt ra là tại sao khi hết hạn nộp thuế theo luật định, người nộp thuế không nộp mà cơ quan thuế không cưỡng chế? Luật quản lý thuế với các quy định khá đầy đủ về trách nhiệm của các bên thu, nộp thuế, không dễ gì để các doanh nghiệp có thể chây ì. Chắc chắn, người nộp thuế sẽ không thể làm như vậy được nếu như các cơ quan thuế vụ, quản lý nhà nước… làm đúng thẩm quyền theo luật định. Ví dụ như 2 công ty vàng nợ thuế đến 120 tỷ đồng vào cuối năm 2012 không được xử lý, để kéo dài và nợ thuế đã gia tăng đến gần 400 tỷ đồng như hiện nay mà không có cách gì thu hồi được.

Cái khó của cơ quan thuế

Rất nhiều câu hỏi từ công luận, chủ doanh nghiệp tuân thủ nghiêm túc pháp luật thuế đặt ra. Họ muốn có câu trả lời thỏa đáng từ cơ quan quản lý bởi những người tuân thủ lẽ nào lại “thiệt thòi” hơn những đối tượng chây ì, cạnh tranh không sòng phẳng trên thương trường nhờ vào số tiền thuế chậm nộp. Suy cho cùng nợ thuế hay chậm nộp cũng là cách chiếm dụng ngân sách nhà nước. Có vẻ, các định chế pháp luật nhà nước, cơ quan công quyền đã “bất lực” với việc nợ thuế dai dẳng của các doanh nghiệp không hợp tác thực thi pháp luật, nhất là nợ của 2 công ty vàng và cơ chế ưu đãi vượt trội. Cơ quan thuế nói đã từng kêu gọi các cấp thẩm quyền xử lý dứt điểm các khoản ưu đãi vượt trội về thuế, thuê đất của tỉnh và xử lý việc không chấp hành nộp thuế của doanh nghiệp... nhưng thiếu một cơ chế an toàn và biện pháp hữu hiệu nên công tác này khó khăn. Các cấp thẩm quyền không đứng ra giải quyết thì ngành thuế cũng sẽ chẳng làm gì được với số nợ đọng kéo dài ấy.

Ông Lê Mai Khắc Hưng – Phó cục trưởng Cục Thuế cho rằng nợ thuế của 2 công ty khai thác vàng và nợ thuế theo cơ chế ưu đãi vượt trội khoảng 505 tỷ đồng là một “cục nợ” chưa thể đụng vô được. Nếu loại trừ khoản nợ thuế này với số nợ 126 tỷ đồng khó thu của doanh nghiệp giải thể thì số nợ thuế hiện tại chỉ vào khoảng hơn 260 tỷ đồng. Ngành thuế được phép cho nợ gối đầu (khoảng 5%) vì không thể buộc doanh nghiệp nộp hết 100% được. Ngân hàng đang xử lý để kéo nợ xấu về 3% thì số nợ hơn 260 tỷ đồng này cũng chỉ dưới 3%/tổng thu ngân sách. Đây là con số nợ chấp nhận được. Ông Hưng cho biết cơ quan thuế có đủ quy trình xử lý nợ, có đủ biện pháp nhưng khi áp dụng thì “hỏng”. Ngay như nợ của 2 công ty vàng đã làm hết, từ phong tỏa tài khoản ngân hàng, đình chỉ hóa đơn, kê biên tài sản đến biện pháp cuối cùng là thu hồi giấy phép nhưng điều này không thể làm được vì giấy phép kinh doanh gộp chung với giấy chứng nhận đầu tư, mà giấy chứng nhận đầu tư thì không thể thu hồi được! Đó là chưa kể đến các doanh nghiệp đường cùng bị giải thể, phá sản. Trong số nợ 126 tỷ đồng khó đòi có cả nhà máy đường cũng đã biến mất từ lâu, nhưng số nợ này không ai được xóa, nên cứ treo! Ngay như công ty vàng đã xin phép Ngân hàng Nhà nước được xuất khẩu số vàng tồn kho, nhưng quan điểm của cơ quan thuế là doanh nghiệp chỉ có thể xuất khẩu được vàng khi chấp hành xong nợ thuế.

Như vậy, ngoài việc thiếu biện pháp xử lý kiên quyết và đôi khi bị cản trở từ các mệnh lệnh hành chính dẫn đến số nợ thuế kéo dài còn phải kể đến chuyện hợp tác giữa các cơ quan tài chính, thi hành công vụ, quản lý nhà nước trên thực tế chưa phát huy tác dụng. Ai sẽ là người tháo gỡ khó khăn này vẫn là câu hỏi để ngỏ.

TRỊNH DŨNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Vì sao nợ thuế dai dẳng?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO