Từ ngày 23 - 26.1, Hội nghị thường niên lần thứ 48 của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) diễn ra tại khu nghỉ dưỡng Davos, Thụy Sĩ.
Giáo sư Klaus Schwab, người sáng lập, đồng thời là Chủ tịch điều hành WEF. Ảnh: AFP |
Hội nghị năm nay quy tụ số lượng kỷ lục các nguyên thủ quốc gia, người đứng đầu chính phủ, lãnh đạo các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp, tổ chức xã hội dân sự, các học giả, nghệ sĩ và giới truyền thông… để bàn về tương lai của hành tinh. Sự kiện diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đồng loạt khởi sắc vào năm 2017 với mức tăng trưởng 3,6% và kỳ vọng đạt mức gần 4% trong năm nay. Tuy nhiên, một trong những vấn đề mà WEF phải đối mặt là khẳng định lại lợi ích của toàn cầu hóa. Đây thực sự là yếu tố có ảnh hưởng cực kỳ quan trọng đối với mục tiêu xóa đói giảm nghèo trên thế giới nhưng vẫn còn tồn tại khi vẫn còn nhiều người bị bỏ lại phía sau. Tại Diễn đàn Cấp cao APEC năm 2017 tại Đà Nẵng, Tổng thống Philippines, ông Duterte vạch ra những bất lợi và thua thiệt mà toàn cầu hóa đem lại cho các nước nghèo và những nền kinh tế chậm phát triển. Tuy nhiên, toàn cầu hóa là xu thế không thể đảo ngược và làm sao để thay đổi những người bị bỏ sau rất được WEF quan tâm.
Thuật ngữ “cuộc cách mạng 4.0” hay “công nghiệp 4.0” đã trở nên phổ biến và sẽ được nhắc lại rất nhiều trong hội nghị năm nay. Bên cạnh cơ hội lớn, việc sử dụng trí tuệ nhân tạo, người máy và hệ thống tự động sẽ khiến hàng triệu việc làm bị mất và sự suy giảm của gắn kết xã hội càng cao. Trước thềm hội nghị, cuốn sách của giáo sư Klaus Schwab, người sáng lập, đồng thời là Chủ tịch điều hành WEF, được phát hành, mang tựa đề Shaping the Fourth Industrial Revolution (Định hình cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ lần tư). Theo giáo sư Klaus Schwab, ngày càng có nhiều người nhận thức được sức mạnh của công nghệ mới nổi trong việc thay đổi nền kinh tế, xã hội và cả con người. Những cuộc tranh luận trên phương tiện truyền thông hiện nay thường tập trung vào vấn đề đạo đức, các giá trị và tác động xã hội của công nghệ mới…
Biến đổi khí hậu là một trong những vấn đề nóng được thảo luận sau khi Tổng thống Donald Trump quyết định rút Washington khỏi hiệp định Paris về biến đổi khí hậu vào giữa năm ngoái vốn nhận nhiều chỉ trích. Cuộc khảo sát về nhận thức rủi ro toàn cầu của WEF vừa được công bố cho biết, quyết định của nhà lãnh đạo Mỹ - quốc gia phát thải khí nhà kính hàng đầu thế giới, sẽ làm cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và bảo vệ sinh thái càng thêm khó khăn. Ngoài ra, cuộc khủng hoảng nhân đạo, người tị nạn sẽ có trong chương trình nghị sự của hội nghị.
Hơn 1/3 đại biểu tham dự hội nghị thường niên lần 48 đến từ các nước đang phát triển và nước mới nổi. Giúp đỡ các quốc gia đang phát triển sẽ được nêu trong bài phát biểu của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, người có vinh dự đọc diễn văn khai mạc hội nghị năm nay. Đặc biệt, hơn 21% số người tham gia sự kiện là nữ giới, một con số kỷ lục cũng cho thấy WEF chú trọng đến vấn đề bất đình đẳng giới. Đặc biệt, hai thách thức phải kể đến là cơ hội của nữ giới trong phát triển kinh tế và chính trị; thúc đẩy bình đẳng giới vì sự phát triển và thịnh vượng chung.
Tất cả nội dung bàn thảo của WEF năm 2018 hướng tới chủ đề “Tạo dựng tương lai chung trong thế giới rạn nứt”.
QUỐC HƯNG