Vì tương lai trẻ em

CBL 20/12/2019 10:14

Nếu không có gì trở ngại, bắt đầu từ tháng 1.2020, trẻ em của 6 huyện miền núi Quảng Nam sẽ được sử dụng sữa miễn phí 5 lần/ tuần theo chương trình Sữa học đường của địa phương. Kinh phí thực hiện chương trình từ 2020 - 2025 lên đến hơn 110 tỷ đồng do ngân sách hỗ trợ 100%.

Tại Quảng Nam, theo thống kê mới nhất từ Sở Y tế, tỷ lệ suy dinh dưỡng đối với 6 huyện miền núi cao của Quảng Nam là 27,5% thấp còi, khoảng 80% học sinh tiểu học tại các địa phương này có chỉ số tăng trưởng thấp hơn độ tuổi, nhất là đối với trẻ thuộc địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tại nhiều quốc gia trên thế giới như Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc, Anh, Mỹ… chương trình Sữa học đường được triển khai từ rất sớm, giúp phát triển thể lực, tầm vóc của nhiều thế hệ và tạo thói quen sử dụng sữa hàng ngày cho trẻ em. Trong khi đó, tại Việt Nam, chỉ khoảng 30% dân số biết và có thói quen tiêu dùng sữa, các sản phẩm từ sữa. Trong số 30% dân số sử dụng sữa thì trẻ em - thế hệ tương lai của đất nước, nguồn lực chính của xã hội - cũng chỉ chiếm xấp xỉ 30%.

Riêng với Quảng Nam, theo chuyên gia dinh dưỡng của Sở Y tế, chương trình Sữa học đường không phải phục hồi cho trẻ suy dinh dưỡng, mà là cung cấp các chất dinh dưỡng dành cho trẻ từ 2 tuổi trở lên và cải thiện chiều cao. Điều này không chỉ cần kinh phí mà cả tấm lòng của người đưa chương trình này đến với các em học sinh vùng núi. Hiện Quảng Nam vẫn chưa lựa chọn nhà cung cấp sữa học đường cho các em, đây cũng là vấn đề rất cần sự tỉnh táo.

Trước đây, Bộ Y tế đã ban hành Quy định tạm thời đối với sản phẩm sữa tươi phục vụ chương trình Sữa học đường, trong đó yêu cầu: dù là loại sữa gì thì sữa tươi nguyên liệu chiếm tối thiểu 90% tính theo khối lượng sản phẩm cuối cùng, đáp ứng nhu cầu sắt, canxi, vitamin D của trẻ mẫu giáo và tiểu học thêm 30%. Tiếp tục mới đây, ngày 5.12, sau nhiều năm chưa đưa ra được quy định về số lượng vi chất bổ sung vào sữa học đường, Bộ Y tế đã ký văn bản yêu cầu bổ sung 21 vi chất trong sữa học đường. Đã có nhiều luồng ý kiến về câu chuyện này, trong đó, theo các chuyên gia y tế, muốn bổ sung hay tăng cường vi chất vào thực phẩm, phải có điều tra cộng đồng theo các khuyến cáo của WHO, FAO xem có nhóm nguy cơ nào trong một cộng đồng, một khu vực địa lý do thiếu vi chất, mức độ phổ biến của nó ra sao thì mới tính đến bổ sung những vi chất nào. Rõ ràng, việc bổ sung hàng loạt vi chất vào một sản phẩm tự nhiên không thể tùy tiện, nhất là khi sữa tươi đã được nghiên cứu chứa rất nhiều các hợp chất dinh dưỡng có lợi...

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Vì tương lai trẻ em
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO