Sở LĐ-TB&XH vừa phối hợp với tổ chức APHEDA - Cơ quan phát triển Ai-len tổ chức hội nghị đánh giá cuối kỳ dự án “Việc làm bền vững và tăng cường vị thế cho người khuyết tật (NKT) trong cộng đồng”, được triển khai thí điểm trên địa bàn tỉnh trong 3 năm (9.2012 - 10.2015). Theo ông Hứa Quốc Dũng - Chủ tịch Hội NKT tỉnh, thông qua dự án, nhiều mô hình việc làm cho NKT ra đời mang lại hiệu quả thiết thực. Đó cũng là động lực, điểm tựa để NKT nỗ lực vươn lên làm được những việc có ích cho bản thân, gia đình, không là gánh nặng cho xã hội. Chúng tôi đã tìm đến một số địa chỉ cụ thể để làm rõ thêm hiệu quả thiết thực mà dự án đem lại.
Thay đổi cách nhìn
Việc làm cho NKT không những mang lại cho họ niềm vui mà còn tạo điều kiện cơ bản thay đổi cuộc sống vốn không mấy dễ dàng. Ông Nguyễn Văn Quang - Chủ tịch Hội NKT thị xã Điện Bàn đã nói như vậy khi đưa chúng tôi đến thăm cơ sở vàng mã mang tên Thiện Nhân dành cho NKT ở phường Vĩnh Điện. Ra đời được 3 năm, cơ sở Thiện Nhân đã trở thành mái nhà chung của nhiều số phận bất hạnh. Họ đã tìm đến đây trong niềm vui công việc, sẻ chia với nhau những tâm tư suy nghĩ, rồi cả những tình cảm yêu đương mà chỉ những người cùng cảnh mới cảm thông, thấu hiểu. Nhiều NKT đã tìm thấy “một nửa” của mình chính tại nơi làm việc.
Anh Nguyễn Thế Cảnh (Vĩnh Điện, Điện Bàn) làm chả tại gia đình. Ảnh: V.TRƯỜNG |
Qua tìm hiểu chúng tôi còn biết cơ sở Thiện Nhân có đến ba cặp đôi được xe duyên nên vợ nên chồng, gồm chị Khéo - anh Vấn, chị Phạm Thị Yến Linh - anh Nguyễn Văn Nga, chị Lê Thị Ánh - anh Đỗ Mười. Hạnh phúc hơn với họ là những NKT đến với nhau nhưng tất cả đều có con cái lành lặn, khỏe mạnh. Công việc hàng ngày cũng không mấy nặng nhọc, mức thu nhập bình quân mỗi người 1,5 triệu đồng/tháng. Ông Nguyễn Văn Quang nói: “Có thể khẳng định, cách nhìn nhận của xã hội đối với NKT đã có sự thay đổi từ chỗ tiếp cận theo nghĩa từ thiện, nhân đạo xã hội sang việc bảo đảm quyền của NKT. Việc làm cho NKT là cách tốt nhất giúp họ hòa nhập cộng đồng, phát huy khả năng vươn lên trong cuộc sống. Qua đó họ cũng đã tìm thấy niềm vui, niềm hạnh phúc cho mình”. Cũng theo ông Quang, nguồn kinh phí hỗ trợ ban đầu từ dự án cũng chỉ vài chục triệu đồng, nhưng đây được xem như chất xúc tác, điều kiện ban đầu để cơ sở đủ điều kiện “khai sinh” và duy trì phát triển cho đến hôm nay.
Cơ sở sản xuất đặc biệt
Cơ sở may áo mưa tiện lợi của NKT huyện Duy Xuyên đặt tại thôn Long Xuyên, thị trấn Nam Phước. Gọi là cơ sở sản xuất để nâng tầm chứ thực chất đây là một nhà dân có con khuyết tật đã tạo điều kiện cho Hội NKT huyện mượn nhà ở của mình làm nơi dạy nghề cho NKT. Nhiều NKT tham gia lớp học cho biết rất vui khi tự tay làm ra những sản phẩm mà trước đây không bao giờ dám nghĩ mình có thể làm được. Cạnh đó, học viên ở đây còn được tham gia các sinh hoạt của hội, được trang bị những kỹ năng hòa nhập cuộc sống, gỡ bỏ mặc cảm, tự ti về khuyết tật của mình. Anh Nguyễn Văn Cường - quê xã Duy Phước, thành viên cơ sở tâm sự: “Cha mẹ đều đã qua đời, bản thân không nghề nghiệp, thiếu điểm tựa nên cuộc sống rất khó khăn. Nay được tham gia cơ sở, mình rất vui khi vừa có cơ hội việc làm vừa được sống trong sự đồng cảm”.
Bà Nguyễn Thị Bé - Phó Chủ tịch Hội NKT huyện Duy Xuyên cho biết, do nguồn kinh phí đầu tư còn hạn chế, bước đầu cơ sở mới sắm được 4 máy dập áo mưa. Bởi vậy các học viên NKT phải thay đổi nhau để học nghề và làm việc. Tuy khó khăn về đi lại do nhiều học viên bị khuyết tật vận động, câm điếc bẩm sinh nhưng khi được bày dạy theo cách “cầm tay chỉ việc” tỉ mỉ, các học viên tiếp thu khá tốt. Ai cũng biết, NKT luôn cố gắng thể hiện khát vọng và năng lực làm việc để đóng góp một cách hiệu quả cho gia đình và xã hội. Thế nhưng, rất nhiều người trong số đó gặp rào cản và không thể thực hiện được điều này, khiến họ rơi vào tình trạng thất nghiệp hoặc thiếu việc làm. Việc mở ra cơ sở dạy nghề gắn liền với việc làm như cơ sở may áo mưa của NKT ở thị trấn Nam Phước là mô hình có tính thực tiễn cao, phù hợp với NKT cần được duy trì và nhân rộng ở nhiều địa bàn.
Tấm gương điển hình
Cơ sở làm chả của anh Nguyễn Thế Cảnh ở phường Vĩnh Điện, thị xã Điện Bàn, đã trở thành địa chỉ quen thuộc, uy tín không chỉ của người dân quanh vùng mà còn là “đầu mối” cung cấp chả cho nhiều hàng quán trên địa bàn, các chợ Vĩnh Điện, Nam Phước và một số mối quen ở TP.Đà Nẵng. Là NKT vận động bẩm sinh nên việc đi lại của anh Cảnh rất khó khăn, nhưng bản thân anh tự luyện tập để có thể đi lại bằng xe ba bánh. Anh vừa là lao động chính vừa trực tiếp là người đi bỏ chả của gia đình cho những nơi đặt mua.
Hiện cơ sở làm chả tại gia của anh Cảnh giải quyết việc làm thường xuyên cho 4 - 6 lao động. “Công việc làm chả đặc thù phải thức khuya dậy sớm, nhưng đã từ lâu các lao động làm việc cho anh Cảnh do cảm phục tinh thần cần cù, chịu thương chịu khó của “ông chủ” khuyết tật nên ai cũng tự giác giúp anh với tinh thần hơn cả những người làm công ăn lương bình thường” - chị Hà Thị Quế, người có thời gian hơn 5 năm gắn bó với cơ sở làm chả anh Cảnh chia sẻ.
Từ một NKT, không có điều kiện học hành đã phải bán vé số, bơm ga khắp đầu làng cuối xóm, hơn 10 năm lại đây anh Cảnh tự học nghề và thành lập cơ sở làm chả tại gia và sản phẩm đã tạo được uy tín trên thị trường. Bình quân mỗi ngày cơ sở làm chả của anh tiêu thụ 25 - 30kg sản phẩm, trừ chi phí anh thu về 200 - 300 nghìn đồng tiền lãi; mức lương trả cho nhân công 1,5 triệu đồng/người/tháng. Ổn định việc làm, thu nhập, cuộc sống gia đình anh Cảnh có nhiều cải thiện. Anh đã làm được nhà ở khang trang, chăm lo cho hai con học hành chu đáo. Anh Cảnh là tấm gương cho những NKT, biết biến những điều không thể thành điều có thể, biến những điều tưởng chừng tuyệt vọng thành hy vọng để làm cho cuộc sống này tươi đẹp hơn.
VÕ TRƯỜNG