Họ là những người hưu trí, có niềm đam mê chữ Nho, chữ Nôm nên đã cùng nhau học hỏi, tìm kiếm những nơi có văn tự, gia phả, bia đá cổ để nghiên cứu giá trị văn hóa của di vật.
Các thành viên CLB đang dịch bia đá cổ ở xã Duy Phước, huyện Duy Xuyên. Ảnh: P.VINH |
Ban đầu, Câu lạc bộ (CLB) Hán Nôm Quế Sơn - Duy Xuyên chỉ là nơi gặp gỡ, giao lưu giữa những người hưu trí đam mê chữ Nho, sau niềm đam mê đó đã được thực tế hóa bằng những việc làm ý nghĩa.
Khơi dậy giá trị di vật
Được tiếp xúc với chữ Nho từ nhỏ, nhưng mãi đến khi đi dạy, có điều kiện học đại học theo hệ tại chức ngành Ngữ văn ở Huế, ông Trần Văn Hảo (62 tuổi, thôn Xuyên Tây 1, thị trấn Nam Phước, Duy Xuyên) mới có cơ hội tìm hiểu sâu về loại chữ viết này. Càng học, ông càng mê mẩn những đường nét tung hoành, khuôn chữ vuông vức mà hàm nghĩa thì rộng mở. Đến khi về hưu, ông Hảo lại nghiên cứu chuyên sâu hơn và cùng với một số người chung niềm đam mê chữ Nho trong vùng thành lập CLB. Thành viên thường xuyên của CLB hiện có 4 người, họ đều là những người hưu trí. Thỉnh thoảng, các thành viên cùng ngồi lại bàn tròn bên tách trà để dịch và bình những văn bản vừa sưu tầm được.
Nhờ “bàn tròn” đó mà nhiều di vật có giá trị văn hóa được khẳng định lại. Năm 2015, người làng Mỹ Xuyên Tây khi đào trong khuôn viên đình làng thì phát hiện một bia đá cổ. Sau đó, CLB liền tìm đến và tổ chức dịch văn tự trên bia. Bia đá xưa, trải qua nhiều thời kỳ nên một số chữ bị vỡ nét, giữa bia còn có dấu đạn của thời chiến tranh nên rất khó khăn cho công tác dịch thuật. CLB phải nhờ nhiều chuyên gia, nhà khoa học giúp đỡ và cuối cùng, tất cả văn tự trên bia đá được dịch lại sát nghĩa. Bia đá có nội dung ca ngợi công đức của các bậc tiền hiền khai khẩn, lập làng Mỹ Xuyên Tây và nhắc việc trong làng có 2 người quả phụ đóng góp 100 quan tiền để xây nhà Hội hương.
“Điều đáng quý nhất sau khi chúng tôi tổ chức phiên âm và phục chế tấm bia này đã tìm ra được thời gian dựng bia vào năm Tự Đức thứ 2, tức năm 1869 thông qua câu “Tự Đức nhị, thập nhị niên”. Điều này làm sáng tỏ những cứ liệu lâu nay về thời gian thành lập đình làng Mỹ Xuyên Tây, ai cũng bảo làng thành lập lâu rồi, nhưng không có gì chứng minh. Hiện người làng Mỹ Xuyên Tây đã làm hồ sơ xin được công nhận đình làng là di tích cấp tỉnh và đang chờ xét duyệt” - ông Hảo nói.
Ngoài ra, cuối năm 2016, CLB tiến hành dịch bia đá của một mộ vôi hơn 200 năm tuổi trong khu vực thôn Xuyên Tây (Nam Phước). Đây là mộ của một phú ông, người giàu có nhất vùng thời xưa, bài minh bia nói về công đức của ông, cho biết ông có 3 người con đỗ tú tài, đây là một vinh dự cho làng lúc bấy giờ.
Tiếp lửa đam mê
Ông giáo về hưu Lê Văn Phúc (xã Quế Xuân 1, huyện Quế Sơn) cũng là thành viên CLB. Sự tò mò về các văn bản chữ Nho, gia phả và bia đá, câu liễn xưa… thôi thúc ông tìm hiểu ngôn ngữ này và cảm thấy yêu thích nó. Nghỉ hưu, ông Phúc tìm ra Trung tâm Hán Nôm Đà Nẵng (thuộc Hội Khuyến học Đà Nẵng) để giao lưu, học hỏi thêm kiến thức. Sau đó, ông bàn bạc với các thành viên khác của CLB về việc mở lớp dạy chữ Nho cho những người cùng đam mê mà không có điều kiện đi học ở xa. Bởi trong khu vực, nhiều người hưu trí cũng rất thích chữ Nho nhưng không có căn bản nên rất khó tìm hiểu sâu. Ngày 19.3.2017, lớp học chữ Nho của CLB khai giảng khóa đầu tiên với 25 học viên là những người hưu trí, cán bộ đương chức, những người lớn tuổi đam mê chữ Nho. Các thành viên của CLB phụ trách công tác giảng dạy dựa theo giáo trình là cuốn Hán văn Giáo khoa thư của tác giả Võ Như Nguyên và Nguyễn Hồng Giao. Lớp chủ yếu dạy Hán Nôm cổ để phục vụ cho việc phiên âm, phiên dịch các văn bia, gia phả, sắc bằng…
Lớp học chữ Nho của CLB được tổ chức theo phương thức vừa học vừa thực hành với những văn bản, gia phả, bia đá mà các học viên muốn phiên âm, phiên dịch. Như học viên Trần Đình Viên (xã Quế Phú, huyện Quế Sơn), vì thắc mắc sắc bằng ghi nhận công danh của một người trong tộc nhưng không ai biết nội dung, ông đã mang đến lớp học để mọi người cùng nhau phiên dịch. Mới hay, sắc bằng ghi nhận cụ Trần Hữu Chiếm, đời thứ 11 của tộc, là Ngũ trưởng đội 8 của vệ binh Dinh trấn Quảng Nam, đã có công trong cuộc kháng chiến chống quân Pháp xâm lược vào năm 1858. Sắc bằng ghi công vào niên hiệu Tự Đức thứ 12, tức khoảng năm 1859. “Lâu nay cứ thấy sắc bằng như vậy nhưng không ai hiểu nội dung, đến nay đã tỏ tường rồi, người trong tộc chúng tôi rất tự hào vì thế hệ ông bà đã có người góp công và được vua ghi nhận. Đây là nguồn động viên lớn lao để lớp con cháu đời sau thêm tự hào. Và qua đây, cũng thấy ý nghĩa thiết thực trong việc mở lớp dạy chữ Nho của CLB” - ông Viên nói.
Ông Hảo cho biết, sắp tới, CLB sẽ còn nhiều phần việc để làm, như dịch các bia đá, sắc phong mà các đơn vị, địa phương nhờ giúp đỡ. “Ông bà ngày xưa kiệm lời, dựng bia đá, viết sắc bằng, văn tự cũng rất ít chữ nhưng hàm nghĩa thì rộng vô biên. Người dịch như chúng tôi cũng chỉ là đưa ra nhiều lớp nghĩa và so sánh với hoàn cảnh đương thời để tạm dịch chứ không dám nhận là biết hết được ý của người xưa. Trong mỗi văn tự, đều có ý nghĩa cũng như bài học kinh nghiệm riêng mà chúng tôi nghĩ người đời sau nên trân quý và tìm hiểu cặn kẽ. Bởi văn hóa của dân tộc, vùng đất ta đang sống đã từng có một thời rất huy hoàng, đáng để tự hào” - ông Hảo nói.
PHAN VINH