“Người đọc phải kiệt sức để rút ngắn những gì mà người viết đã kiệt sức kéo dài ra”, lời triết gia Montesquieu (Pháp) nói hơn 4 thế kỷ qua vẫn còn nguyên giá trị.
Một câu chuyện cũ
Mười hai nhà báo Việt Nam tham dự lớp tập huấn kỹ năng báo chí hiện đại do các giảng viên Đại học Báo chí Lille (Pháp) thụ giảng, mở tại Đà Lạt tháng 7.2006. Chỉ có 2 ngày lý thuyết, 5 ngày còn lại học viên thực hiện công việc giống như một tòa soạn báo. Bắt đầu từ 8 giờ sáng mỗi ngày, sau 60 phút trao đổi đề tài, giảng viên phụ trách lớp Fabienne Gérault (vai trò như một Tổng biên tập) nói: 600 - 700 chữ cho một phóng sự. Không có những bài báo “cho không”. Hãy đưa độc giả tới gần chủ đề đã chọn, làm người đọc quan tâm đến đề tài ngay từ đầu. Bạn không phải là phóng viên của sự vô ích. Bốn giờ chiều, thời hạn cuối cùng nộp bài viết.
Khá nhiều nhà báo đối mặt với khó khăn: viết ngắn. Bởi họ đã quen với những bản thảo dài đến 1.500 chữ. Fabienne Gérault nói: “Tái tạo cuộc sống muôn màu mà người đọc cô độc không nhìn thấy. Nếu cần nêu quan điểm, hãy viết một xã luận”.
Cuối cùng những bài báo theo đúng yêu cầu đã hoàn tất. Khá nhiều bài viết được đăng tải trên các tờ báo trung ương và địa phương tại Việt Nam. Bạn đọc đón nhận với sự “ngạc nhiên”, “thích thú”. Riêng nhà báo không vui: nhuận bút chỉ bằng nửa bài viết khi họ xử lý theo như kiểu “truyền thống” ở các tòa soạn báo.
Không dễ viết ngắn!
Alain Masson (Trung tâm đào tạo về báo chí Pháp) nói, độc giả không biết sẽ đi đến đâu và sẽ nản trước một trang giấy dày đặc chữ với những ý tưởng rối rắm. Thông điệp cốt lõi phải được đưa ra để độc giả hiểu ngay bài báo muốn nói gì? Viết ngắn là chọn lọc thông tin cô đọng, cụ thể, chính xác, theo một góc cạnh càng chính xác và càng hẹp càng tốt, sử dụng tối đa các luật tương cận và so sánh. Nhà báo cần chuyển các thông tin ra càng nhanh càng tốt, cắt bỏ những từ thừa, không dùng từ ngữ mơ hồ, đa nghĩa, biết “hy sinh” những chi tiết phụ (dù có ý nghĩa ít hay nhiều) và loại bỏ những gì “ngoài góc cạnh” của bài báo.
Không độc giả nào có thể theo dõi hết sự kiện, chứa đựng hàng ngàn thông tin diễn ra mỗi ngày. Việc đầu tiên là họ sẽ lựa chọn. Sự kiện nào gần gũi, hấp dẫn, liên quan, cần thiết nhất sẽ được quan tâm. Có thể thức nhận một bài báo truyền đạt ý tưởng hoặc thông tin mới là mục đích. Viết ngắn không phải là “rút ngắn” thông tin, mà là “rút ngắn” con đường để người đọc hiểu nhanh những gì người viết đưa ra, tìm lộ trình hiệu quả nhất để truyền đạt tối đa thông tin trong một thời gian tối thiểu. Công việc của nhà báo là xác định thông tin cốt lõi, trở thành ý tưởng chính của bài báo, chuyển đến độc giả. Đó là chọn những chi tiết có ý nghĩa để tạo ra ấn tượng, sắp xếp lại thực tế, cung cấp hình ảnh, bắt lấy mùi vị, âm thanh… tái tạo cuộc sống cho người đọc bằng một giọng văn thích hợp và sử dụng ngôn ngữ hình tượng. Tiếp cận với kỹ năng báo chí hiện đại, nhà báo cần có tri thức đa ngành, kỹ năng viết, kinh nghiệm… (điều đó không dễ), nên nhiều nhà báo (vốn chỉ sống bằng nhuận bút) không dám “mạo hiểm” hay “hy sinh” cách viết cũ khi quan điểm của các tờ báo là không thể trả nhuận bút cao cho những bài báo ngắn (dù chất lượng thông tin hấp dẫn đến đâu). Vì thế, “viết ngắn có nghĩa” thực sự không dễ trong hiện tại.
NHẬT PHONG