Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Nam và Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng vừa xuất bản công trình “Lịch sử Đảng bộ Quảng Nam - Đà Nẵng (1975 - 1996)”, đây là sự tiếp nối công trình lịch sử Đảng bộ tỉnh giai đoạn (1930 - 1975) được Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia xuất bản năm 2006. Công trình cũng là sản phẩm có ý nghĩa chào mừng Đại hội lần thứ XXI của Đảng bộ tỉnh Quảng Nam, Đại hội Đảng bộ TP.Đà Nẵng và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII.
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Nam phối hợp với Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng tổ chức hội thảo thông qua đề cương chi tiết công trình “Lịch sử Đảng bộ Quảng Nam - Đà Nẵng (1975 - 1996)”. |
Quảng Nam - Đà Nẵng là một trong những tỉnh, thành phố sớm đón nhận Chủ nghĩa Mác - Lênin. Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời chưa đầy hai tháng, ngày 28.3.1930, Đảng bộ tỉnh được thành lập. Sự ra đời của Đảng bộ tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng đánh dấu một mốc son quan trọng trong lịch sử đấu tranh cách mạng của nhân dân, đưa phong trào cách mạng địa phương bước sang thời kỳ mới - thời kỳ đấu tranh dân tộc dân chủ dưới ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Trải qua gần nửa thế kỷ đấu tranh cách mạng chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược (1930 - 1975), mặc dù gặp muôn vàn khó khăn, gian khổ, hy sinh và mất mát, nhưng dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng bộ, quân và dân tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng luôn thể hiện tinh thần cách mạng sáng tạo, kiên cường, bất khuất, chiến đấu chống quân xâm lược và bọn phản động tay sai vì độc lập, tự do cho Tổ quốc, lập nên những chiến công hào hùng, góp phần tô thắm thêm những trang sử vẻ vang của dân tộc. Trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Quảng Nam - Đà Nẵng là một trong những địa phương khởi nghĩa giành chính quyền ở tỉnh lỵ sớm nhất trong cả nước (đêm 17 rạng ngày 18.8.1945). Trong kháng chiến chống Mỹ, quân và dân mảnh đất xứ Quảng đã làm nên chiến thắng Núi Thành - trận đầu đánh Mỹ và thắng Mỹ (đêm 25 rạng ngày 26.5.1965). Đặc biệt, dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng, cuộc Tổng tấn công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 của quân và dân cả nước nói chung, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng nói riêng, đã giành được thắng lợi vẻ vang. Ngày 24.3.1975, thị xã Tam Kỳ được giải phóng, ngày 29.3.1975, với khí thế thần tốc, thừa thắng xông lên, quân và dân ta đã đập tan căn cứ liên hợp quân sự lớn nhất của miền Trung của Mỹ - ngụy, giải phóng hoàn toàn TP.Đà Nẵng, góp phần vào Đại thắng Mùa Xuân năm 1975, với đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Nhằm đáp ứng nguyện vọng và tình cảm của cán bộ, đảng viên và nhân dân Quảng Nam - Đà Nẵng, năm 2006, Tỉnh ủy Quảng Nam phối hợp với Thành ủy Đà Nẵng biên soạn và xuất bản công trình “Lịch sử Đảng bộ Quảng Nam - Đà Nẵng (1930 - 1975)”.
Kế thừa thành quả nghiên cứu từ công trình trên và những công trình lịch sử Đảng bộ địa phương, lịch sử các ngành…, với tinh thần “cùng một cội nguồn” về mặt địa lý, văn hóa, lịch sử của mảnh đất Quảng Nam - Đà Nẵng anh hùng, đồng thời ghi lại những trang sử vẻ vang trong 21 năm khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa (1975 - 1996), Tỉnh ủy Quảng Nam phối hợp với Thành ủy Đà Nẵng tiếp tục triển khai nghiên cứu, biên soạn công trình “Lịch sử Đảng bộ Quảng Nam - Đà Nẵng (1975 - 1996)”.
Qua hơn 20 năm sau ngày quê hương hoàn toàn giải phóng (1975 - 1996) là chặng đường mà Đảng bộ và nhân dân Quảng Nam - Đà Nẵng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách do hậu quả của chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh thường xuyên xảy ra. Bên cạnh đó, tình hình trong nước và thế giới có nhiều diễn biến phức tạp tác động đến tình hình trong tỉnh… Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Đảng bộ, nhân dân Quảng Nam - Đà Nẵng đã phát huy truyền thống cách mạng của quê hương, nắm vững và vận dụng sáng tạo đường lối lãnh đạo của Đảng, từng bước vượt qua mọi khó khăn, thử thách, khắc phục hậu quả chiến tranh, nỗ lực phấn đấu và giành được những thành tựu quan trọng trong việc thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Công trình gồm 4 chương. Trong đó, Chương I: Ổn định tình hình, khắc phục hậu quả chiến tranh, bước đầu cải tạo và xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa (1975 - 1979); Chương II: Xây dựng và bảo vệ quê hương trong điều kiện đất nước có chiến tranh, vận dụng đường lối của Đảng để tìm bước đi thích hợp (1979- 1985); Chương III: Bước đầu thực hiện đường lối đổi mới của Đảng (1986 - 1990); Chương IV: Từng bước khắc phục khó khăn, ổn định chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, chuẩn bị điều kiện chia tách tỉnh (1991 - 1996). Qua từng chương, công trình đã khái quát một cách phong phú, sinh động, toàn diện chặng đường 21 năm khắc phục hậu quả chiến tranh, ổn định đời sống nhân dân và tiến hành công cuộc đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, vừa tổng kết, rút ra những bài học kinh nghiệm quý báu nhằm phục vụ, nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo cho thời gian đến. Đồng thời góp phần khơi dậy niềm tự hào, động viên cán bộ, đảng viên, các lực lượng vũ trang và nhân dân Quảng Nam - Đà Nẵng tiếp tục phấn đấu, vươn lên vượt qua mọi khó khăn, thử thách hoàn thành mục tiêu phát triển và xây dựng quê hương ở mỗi địa phương.
Như vậy, với việc xuất bản công trình “Lịch sử Đảng bộ Quảng Nam - Đà Nẵng (1975 - 1996)”, tập sách đã tiếp nối trang sử vẻ vang của Đảng bộ tỉnh từ năm 1930 đến năm 1996. Đây là nguồn tư liệu quý phục vụ công tác nghiên cứu, học tập và giáo dục truyền thống cách mạng của quê hương “Trung dũng kiên cường” cho cán bộ, đảng viên và nhân dân mảnh đất xứ Quảng nói chung. Đồng thời thể hiện tinh thần đoàn kết giữa Đảng bộ và nhân dân Quảng Nam với Đảng bộ và nhân dân Đà Nẵng trên tinh thần “cùng một cội nguồn” về mặt địa lý, văn hóa, lịch sử.
LÊ NĂNG ĐÔNG