Bác và ba tôi

QUẾ HÀ 19/12/2021 07:28

Sớm giác ngộ và tham gia cách mạng, ba và bác tôi nhiều lần bị địch bắt bớ, tra tấn, tù đày. Như bao lớp thế hệ cha anh, ba và bác tôi cống hiến vì độc lập, hòa bình của quê hương. Sau ngày đất nước thống nhất, chúng tôi lớn lên, thấm từng lời ba dạy, cho đi cũng là điều hạnh phúc...

Ba tôi (trái) trong lần thăm Nhà thờ Bác Hồ ở Bắc Trà My.
Ba tôi (trái) trong lần thăm Nhà thờ Bác Hồ ở Bắc Trà My.

Anh em cùng làm cách mạng

Khi đã biết nghĩ suy, nhìn bạn bè trang lứa, ai cũng có ông, có bà, còn gia đình mình thì chẳng còn ai. Bởi người thì mất vì chiến tranh, kẻ bị lũ lụt cuốn trôi, người thì chết vì đói... Bác tôi - Phan Thanh Quyền, ông có tật là nói cà lăm dữ lắm. Khi bị bọn địch bắt giam ở nhà lao, bọn chúng đánh bác tôi hết luôn cái tật nói cà lăm, chúng đặt tên là Phan Lỳ, nhân dân trong vùng quen gọi ông là “Hai Lỳ”.

Còn ba tôi, một người có đến 5 cái tên, lúc nhỏ cha mẹ đặt tên tộc Phan Hòa, tham gia cách mạng lấy tên Phan Thanh Hoàng, để giữ bí mật phải mang các bí danh Trung Thành, Hoàng Mười… khi đi bộ đội đổi tên thành Phan Thanh Hiền.

Từ nhỏ, hai anh em chứng kiến cảnh cường hào của bọn địa chủ, rồi sự thống trị, đàn áp của Mỹ - ngụy, nung nấu ý chí căm thù giặc, được giác ngộ lý tưởng cách mạng. Tháng 8.1954, hai anh em tham gia hoạt động bí mật, xây dựng cơ sở nuôi giấu cán bộ, tiếp tế lương thực, thực phẩm, thuốc men cho đoàn cán bộ do đồng chí Hoàng Thành Lê và nhiều cán bộ nằm vùng.

Năm 1957, địch dùng những thủ đoạn nham hiểm, đánh phá phong trào, nhiều cơ sở bị vỡ, cả bác và ba tôi đều bị bắt. Tuy tuổi còn nhỏ, bị địch dùng đủ cực hình tra tấn ở nhiều nhà lao, nhưng hai anh em nhất quyết không khai, cuối cùng địch phải thả. Dù bị địch theo dõi, nhưng hai người vẫn không e sợ, tìm cách móc nối với tổ chức để hoạt động.

Thời gian này, địch tiếp tục đánh phá phong trào cách mạng của nhân dân xã Sơn Bình một cách khốc liệt, tàn bạo hơn. Một số người không giữ vững khí tiết đã phản bội, khai báo và chỉ điểm cán bộ nằm vùng.

Ông Hoàng Thành Lê chạy thoát, nhưng ông Phạm Gạo lọt vào tay giặc và hy sinh. Ba tôi bị địch bắt trở lại, bị giam ở xã Sơn Bình rồi chúng đưa qua nhà lao quận Hiệp Đức và tiếp tục đưa xuống nhà giam quận lỵ Quế Sơn.

Vì không chịu khai báo các cơ sở mật, các đồng chí lãnh đạo nằm vùng, nên bọn chúng đánh ông cho chết. Tưởng ba tôi đã chết, bọn chúng trả về gia đình để chôn cất. Thân thể ông mềm nhũn như ngọn khoai bị hơ nóng, nhờ bài thuốc nam, ba tôi sống lại. Vừa hồi phục sức khỏe, bọn địch hay tin, cho người tìm cách bắt lại nhưng ông đã lên căn cứ, đi bộ đội. Ông là một trong những thanh niên đầu tiên của xã Sơn Bình tòng quân.

Di chứng của chiến tranh

Trong hồi ký của mình, ông Hoàng Thành Lê, cán bộ phụ trách vùng Trung và Tây của huyện Quế Sơn, nguyên Phó Bí thư Huyện ủy Quế Sơn, Tỉnh ủy viên tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng đã ghi lại thời kỳ hoạt động từ năm 1954 đến năm 1960.

Trong đó có đoạn: “Hai đồng chí Phan Thanh Quyền, Phan Thanh Hoàng làm liên lạc đưa thư từ, tài liệu đến các vùng trong huyện Hiệp Đức. Nuôi giấu, tiếp tế cho tôi và các đồng chí Phạm Kiều, Phạm Gạo đã mua sắm gạo, muối, mắm, thuốc chữa bệnh và một số đồ dùng cần thiết để tiếp tế cho đoàn công tác chúng tôi mang lên căn cứ; xây dựng quần chúng nắm tình hình địch ở địa phương...

Hai anh em đã dũng cảm, không ngại hy sinh gian khổ, bất cứ nhiệm vụ được giao đều hăng hái tích cực, nhiệt tình, mưu trí không để lộ; khi bị địch bắt đã tra tấn hết sức dã man, nhưng cương quyết không khai báo và giữ vững cơ sở để bảo vệ cán bộ nằm vững tại địa phương. Bị địch bắt cầm tù nhiều lần nhưng các đồng chí ấy vẫn giữ vững khí tiết của người cách mạng”.

Ba tôi đi thoát ly, bác tôi lại bị địch bắt vào tù lần nữa, vì cái tội không dạy dỗ em mình, để theo cách mạng. Lần này chúng tra tấn dã man hơn bằng cách dùng đinh đóng vào đầu. Sau này mỗi lần lên cơn đau, ông thường ôm đầu vật vã, lúc ấy chúng tôi còn nhỏ, thấy thế chỉ biết đứng nhìn.

Lớn lên, cảm nhận được nỗi đau của bác, mấy chị em chúng tôi chỉ biết ôm chặt bác vào người, cho vơi bớt đi những vết va đập khi ông lên cơn động kinh… Đã biết bao năm sau ngày giải phóng nhưng những thương tích ở đầu vẫn còn, tóc vẫn không mọc lên được từ những vết đòn thù.

 Do bị thương nhiều lần cộng với những năm tháng trong nhà lao của địch, gần 10 năm ở vùng căn cứ Trà My, Phước Sơn, ba tôi được tổ chức đưa ra miền Bắc điều trị. Ba gặp má cùng ở Trại điều dưỡng thương binh nặng; hai người cùng cảnh ngộ, cùng quê hương, cùng phận mồ côi rồi nên duyên chồng vợ.

Đất nước giải phóng, ba má tôi trở về quê hương. Lúc này bác tôi chỉ sống một mình, người con trai đi bộ đội đã hy sinh năm 17 tuổi, hài cốt vẫn không tìm được. Ba má tôi đã đưa bác về sống cùng để tiện chăm sóc.

Căn nhà của gia đình tôi hồi đó giống như một bệnh xá nhỏ, đầy đủ thuốc men để cấp cứu kịp thời. Bác, ba tôi còn bị di chứng của những trận đòn thù, bác tôi cộng với nỗi đau mất con, những năm cuối đời ông sống nửa thực, nửa hư. Đêm đêm, ông ngồi nói chuyện một mình, huơ tay làm ám hiệu, rồi nói chuyện với đứa con trai đã mất; khi lên cơn đau, ông chỉ biết ôm đầu, rồi la “đừng đánh, đừng đánh”.

Những năm cuối đời, ông thường bỏ nhà đi, ông đi như người mộng du, đi như những năm tháng thời trai trẻ, đôi chân đưa ông đi đến những căn hầm còn sót lại, ông bảo, ông thích sống ở đó… Rồi sau một cơn đau tim, đôi mắt ông vẫn mở, miệng cứ mấp máy gọi “Hai ơi!”.

Hàn gắn vết thương

Ba tôi được nghỉ hưu, nhưng không nghỉ việc, tiếp tục tham gia công tác tại địa phương. Bởi, đã 6 năm sau ngày giải phóng, nguồn cán bộ xã còn thiếu rất nhiều. Là bộ đội nghỉ hưu, nhưng đảm nhiệm đứng đầu chính quyền còn non trẻ, kiêm Trưởng Công an xã, công việc quá mới mẻ và phức tạp đối với ông.

Có một điều, những tên ác ôn ngày xưa đã từng tra tấn bác và ba tôi, bây giờ là đối tượng được ba tôi quản lý. Họ sống trong lo âu, sợ ba tôi cậy quyền thế để trả thù. Nhưng với trách nhiệm của người đảng viên, cái tâm của người cách mạng, ông đã giải tỏa mặc cảm của những người đã từng gây nợ máu cho nhân dân, làm sáng tỏ chính sách khoan hồng, nhân đạo trong một đất nước thống nhất, cùng xây dựng quê hương. Ai cũng bảo, ông có một trái tim nhân hậu.

Nỗi đau của hậu chiến, không chỉ hành hạ hai ông bà, mà dai dẳng đến thế hệ con, cháu. Đau đớn hơn, khi sinh ra những đứa con nhiễm chất độc da cam. Rồi, một lần nữa bất hạnh lại ập đến, má tôi do ảnh hưởng chất độc chết người ấy, vết thương cũ tái phát, bà không còn nhìn thấy ánh sáng, các con lại ở xa, mình ông cáng đáng.

Trái tim nhân hậu và sự đồng cảm đã giúp ba má tôi vượt qua nỗi đau, đồng cảm với người bất hạnh. Ông luôn dạy con lấy nhân nghĩa làm đầu, giúp cho đời, dù việc nhỏ nhất. Tôi là con gái đầu lòng của ba mẹ, chứng kiến nỗi đau thời hậu chiến, của gia đình nên tôi đặc biệt quan tâm về đề tài người lính, người dân sau chiến tranh, trẻ em vùng cao và những mảnh đời bất hạnh, cùng chị em trong gia đình tham gia công việc thiện nguyện.

Người em trai duy nhất của tôi là Phan Mai Huy nhiễm chất độc da cam từ ba mẹ, bị liệt nửa người bên trái. Bằng nghị lực của chính mình, em tôi đã vượt qua mặc cảm, tìm đến với nghề bốc thuốc, coi nỗi đau của bệnh nhân như nỗi đau của chính mình, nhất là trẻ em da cam, khuyết tật...

Chưa một ngày được nghỉ ngơi trọn vẹn, hết lòng yêu thương con, cháu, luôn làm tròn đạo nghĩa với người vợ mù lòa, bất hạnh, ông yêu thương bà gấp vạn lần, động viên người bạn đời, sống vui, sống khỏe. Trong dòng di chúc cuối cùng để lại cho vợ con, ông căn dặn “Phải sống đẹp, sống có ích cho xã hội và phải đóng đảng phí cho đảng viên Phan Thanh Hiền đến hết năm 2021”.

Cho dù những bất hạnh của chiến tranh hành hạ, đeo đẳng suốt cuộc đời, nhưng ông bà vẫn một lòng trung kiên với Đảng, trung trinh với đất nước, cả cuộc đời ông luôn tin yêu và theo Đảng đến hơi thở cuối cùng.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bác và ba tôi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO