Bài học đầu tiên!

HỒ DUY LỆ 12/05/2022 06:16

1. Hiệp định Paris chấm dứt chiến tranh Việt Nam từ đầu năm 1973, Mỹ rút quân, Tổng thống Sài Gòn Nguyễn Văn Thiệu cay cú cố xin viện trợ của Mỹ thực hiện chiến dịch ‘‘tràn ngập lãnh thổ’’, bom đạn ác liệt.

Tháng 8.1973, cơ quan Văn nghệ Khu 5 chuyển từ Nước Oa ra Trà Nô. Khoảng thời gian này, Ban Biên tập Báo Giải phóng Quảng Đà nhận được giấy mời của Văn nghệ Khu 5 đề nghị chọn một người tham gia dự Trại sáng tác văn học.

Bấy giờ, cả cơ quan Báo Giải phóng Quảng Đà chỉ có 5 người: anh Nguyễn Đình An phụ trách báo, anh Hồ Hải Học - Thư ký Tòa soạn, anh Hoàng Kim Tùng - Bí thư Chi bộ, trực cơ quan. Hai phóng viên là tôi và anh Vũ Thành Lê.

Không biết chọn ai, vì các anh phải lo bài vở cho tờ báo, vừa lo lãnh đạo cơ quan trong việc ăn, ở, đi lại, chống càn… và không ai muốn đi xa, các anh cử tôi đi.

Nhà văn Hồ Duy Lệ (ở giữa) bên Bia di tích tưởng nhớ nhà báo, nhà văn Chu Cẩm Phong và đồng đội. Ảnh: T.S
Nhà văn Hồ Duy Lệ (ở giữa) bên Bia di tích tưởng nhớ nhà báo, nhà văn Chu Cẩm Phong và đồng đội. Ảnh: T.S

Đang làm một phóng viên tập sự, viết một bài báo ngắn vẫn còn vất vả, được đi học một tháng để tập sáng tác văn học thì không mừng mà lo, liệu viết được gì mà đi. Không dám từ chối, bụng nghĩ, thì cứ đi ắt sẽ tới!

Từ hang đá cơ quan báo trên núi Hòn Tàu, tôi mang theo gạo và muối cho 5 ngày đường, ra Trạm, theo giao liên lội suối, băng rừng. Ngày đi, đêm nghỉ, đến ngày thứ 4, mặt trời vào núi lúc nào mà rừng sâu âm u, đang nghĩ thêm một đêm nằm đường thì đến một bến đò, có con thuyền nhỏ đậu bên bờ.

Cô giao liên tên là Hoài Thu bàn giao tôi cho một thanh niên người dân tộc Co, có tên người Kinh là Hồ Phi Sơn. Anh Sơn nắm tay tôi dắt lên chiếc thuyền đang tròng trành vì nước sông Trường chảy mạnh. Dặn tôi ngồi yên, anh chèo thuyền sang bến đò bờ bên kia, đưa tôi về Trại sáng tác của Văn nghệ Khu 5 cách bến đò chừng 700 mét.

2. Bây giờ đã là tháng 5.1974. Trại sáng tác văn học của Văn nghệ Khu 5 gồm mấy lán trại lợp lá cọ bên bờ con suối Ồ Ồ. Suối chảy ra sông Trường - nối dòng của sông Tranh ở thượng nguồn Thu Bồn. Đúng là một cái trại, cột, kèo, xuyên, trính làm bằng cây rừng, mái lợp lá cọ, không phên, trống hoách.

Trong trại có một hội trường, bàn ghế làm bằng cây rừng, dư sức ngồi vài chục người. Trại viên chỉ có 9 người, tuyển từ các Báo của các tỉnh thuộc Khu 5 và từ Quân khu 5. Chủ trì Trại là nhà văn Nguyễn Chí Trung và nhà văn Phan Tứ.

Nghe nói có nhà thơ Thu Bồn và nhà văn Nguyên Ngọc, nhưng hai anh không đến. Anh Phan Tứ dự khai mạc rồi mang cái xách đi vòng vòng một lúc rồi đi đâu không thấy.

Tham gia Trại và phụ đạo có các anh: Nguyễn Khắc Phục, Cao Duy Thảo, Hoàng Minh Nhân, Bùi Minh Quốc, Thanh Quế, Trần Vũ Mai, Nguyễn Bá Thâm, Nguyễn Bảo, Trung Trung Đỉnh, Nguyễn Tri Huân…

Trước khi rời Hà Nội vào chiến trường, các anh này đều được dự một lớp sáng tác văn học tại Quảng Bá, Hà Nội, do các nhà văn nổi tiếng bấy giờ giảng... Tôi nhớ, Trại có hai nữ là Bùi Thị Chiến, người Quy Nhơn, Bình Định viết ký và Phạm Như Hoa người Tam Kỳ, Quảng Nam làm thơ, nhớ vì hai chị có tác phẩm được nhắc tên khi tổng kết Trại.

Phụ trách Trại và trại viên đều treo võng nằm nghỉ, ngủ ngay trong trại, đều ăn ở bếp ăn tập thể của Trại, ngày ba bữa, sáng ăn cháo, có trà từ miền Bắc, không có cà phê, trưa và tối thì ăn cơm, có chị nuôi lo chu đáo.

Tham gia Trại sáng tác được ưu tiên ăn cơm độn sắn với canh rau rừng, có mắm cái pha ít nước thêm muối và mì chính. Bữa tổng kết Trại sáng tác, cơm liên hoan không độn, có thịt heo và cá sông Tranh - món ăn hiếm có và ngon đặc biệt lúc đó.

3. Nhà văn Nguyễn Chí Trung phát biểu khai mạc. Anh nói không dài lắm, không lý sự mang tính sách vở, lý luận mà là tâm sự, tâm tình. Thật tình, tôi không còn nhớ những gì nhà văn Nguyễn Chí Trung nói hôm khai mạc Trại sáng tác. Chỉ nhớ lời gợi ý của anh: Các anh chị viết những gì anh chị thấy đó là kỷ niệm sâu sắc nhất, đáng nhớ nhất. Hãy viết cái đó trước!

Tôi đã chọn và viết một trong những kỷ niệm tôi cho rằng sâu sắt nhất. Một kỷ niệm với những nhân vật thật.

Tuy nhiên, tôi gọi là truyện ngắn, bởi vì tôi đổi tên nhân vật trong câu chuyện, và biến một nhân vật có thật đang làm việc trong một cơ quan của chính quyền đối phương lúc bấy giờ thành nhân vật tích cực, tham gia xuống đường cùng sinh viên học sinh trong một cuộc biểu tình chống Mỹ xâm lược và nhân vật đó bị địch bắt bỏ tù…

‘‘Hai phía cửa sắt’’ - Cái truyện ngắn đầu tay của tôi được nhà văn Nguyễn Chí Trung chọn đọc trong buổi tổng kết Trại và được anh chị em cho là khá.

Chắc là anh động viên những người mới tập sáng tác. Theo tôi, có lẽ bản thân câu chuyện thật đã khá thú vị và lạ. Thứ hai, là câu chuyện xảy ra trong thành phố Đà Nẵng bị chiếm đóng, có liên quan đến nhà tù giặc.

Chuyện này đối với các anh trên chiến khu, hầu hết từ miền Bắc vào, ở rừng Trà My lúc bấy giờ là lạ và muốn được biết, được nghe về nơi mà các anh đang chiến đấu mong sớm có ngày được có mặt.

Sau tổng kết Trại, liên hoan chia tay, về đến cơ quan một thời gian ngắn, tôi thấy truyện ngắn ‘‘Hai phía cửa sắt’’ được in trong “Văn nghệ Giải phóng Trung Trung bộ”. Tôi rất mừng. Mừng vì lần đầu viết truyện được đăng. Và mừng, hy vọng mình có thể viết được.

Khi bắt tay vào viết và mỗi lần viết, cho đến nay tôi vẫn còn nhớ gợi ý đó của anh Nguyễn Chí Trung, xem đó là bài học viết văn đầu tiên!

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bài học đầu tiên!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO