Cao điểm Vú Em & những cuộc giằng co khốc liệt - Kỳ 1: Ký ức thời máu lửa

PHẠM LÂM 26/04/2022 06:34

LTS: Ngày 20.7.1969 tại thôn 3 xã Tiên Lãnh, huyện Tiên Phước, Tỉnh ủy Quảng Nam họp công bố quyết định thành lập huyện Quế Tiên gồm 10 xã (3 xã huyện Tiên Phước, 2 xã huyện Thăng Bình và 5 xã huyện Quế Sơn). Huyện Quế Tiên ra đời là yêu cầu cấp thiết của cách mạng miền Nam sau Mậu Thân 1968, như tấm lá thép chắn giữ công cuộc bình định nhanh của địch và tiếp nối những “mạch máu” của ta đã bị cắt rời. Với vị trí chiến lược quan trọng đó, Quế Tiên trở thành chiến trường nóng bỏng, và cao điểm 228 - nơi người dân trong vùng thường gọi là Vú Em - từng diễn ra những cuộc giao tranh khốc liệt, ghi lại hình ảnh chiến đấu anh dũng của các chiến sĩ Huyện đội Quế Tiên một thời máu lửa.

Thiếu tá Nguyễn Văn Hoàng - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Hiệp Đức kể về những trận đánh quyết liệt giữa ta và địch trên cao điểm 228 với tác giả Phạm Lâm. Ảnh: VŨ QUANG HÙNG
Thiếu tá Nguyễn Văn Hoàng - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Hiệp Đức kể về những trận đánh quyết liệt giữa ta và địch trên cao điểm 228 với tác giả Phạm Lâm. Ảnh: VŨ QUANG HÙNG

Thiếu tá Nguyễn Văn Hoàng - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Hiệp Đức nhớ lại, cũng vào những ngày này của 49 năm về trước, tại cao điểm 228 đã từng diễn ra những trận đánh vô cùng khốc liệt, nơi ghi lại hình ảnh chiến đấu ngoan cường, anh dũng của các chiến sĩ Huyện đội Quế Tiên một thời máu lửa.

Cao điểm 228 nằm giữa địa phận xã Tiên Cẩm và xã Tiên Châu, huyện Tiên Phước, mà cán bộ, chiến sĩ huyện Quế Tiên ngày trước, cũng như người dân trong vùng thường gọi là Vú Em (Tiên Sơn, Tiên Cẩm, Tiên Hà huyện Tiên Phước ngày nay là Phước Sơn, Phước Cẩm, Phước Hà thuộc huyện Quế Tiên giai đoạn 1969-1975 - NV). Cách đó chừng 2 cây số còn có một quả đồi cao hơn, được gọi là Vú Chị.

Chớp thời cơ

Thiếu tá Nguyễn Văn Hoàng nhớ lại, Hiệp định Pari được ký kết vào ngày 27 tháng 1 năm 1973, Mỹ và các nước chư hầu phải rút quân về nước, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.

Nhưng chính quyền Sài Gòn đã phá hoại Hiệp định, thực hiện âm mưu “Tràn ngập lãnh thổ”, tiến hành các cuộc hành quân giành dân, lấn đất trên khắp dải đất miền Nam Việt Nam. Trước tình hình đó, buộc Đảng ta phải có những đối sách thích hợp và quyết liệt mới có thể đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn.

Ở huyện Quế Tiên, đồi Vú Em - cao điểm 228 nằm ở vị trí đặc biệt quan trọng, bên nào chiếm lĩnh được sẽ giành quyền khống chế cả một vùng rộng lớn từ Phước Sơn, Phước Cẩm, Phước Hà cho đến quận lỵ Tiên Phước. Từ nhận định đó mà Tỉnh đội Quảng Nam, cùng Ban Thường vụ Huyện ủy Quế Tiên quyết định giao cho Huyện đội Quế Tiên bằng mọi giá phải chốt giữ cao điểm này.

Vào khoảng đầu tháng 2 năm 1973, sau khi nhận mệnh lệnh, tại Văn phòng Ban Chỉ huy Huyện đội Quế Tiên đã diễn ra cuộc họp đặc biệt do Huyện đội trưởng Nguyễn Toán Đương chủ trì, có sự tham dự của Chính trị viên Lê Văn Trường.

Cuộc họp đã quyết định phân công Đại đội V11 trực tiếp chốt giữ cao điểm 228. Đại đội V11 gồm 3 trung đội, Đại đội trưởng Nguyễn Văn Đàn, Đại đội phó Trần Văn Thành, Chính trị viên trưởng Trần Trọng Thân, Chính trị viên phó Nguyễn Văn Hoàng.

Trung đội 1 gồm 3 tiểu đội, Trung đội trưởng Trần Văn Tài, Trung đội phó Phạm Phục. Trung đội 2 gồm 3 tiểu đội, Trung đội trưởng Lê Văn Hương, Trung đội phó Nguyễn Văn Thắng. Trung đội 3 gồm 3 tiểu đội, Trung đội trưởng Lê Văn Xuân, Trung đội phó Lê Văn Vàng.

Sau cuộc họp đó, Ban chỉ huy Đại đội V11 lập tức lên phương án cụ thể và quyết định phân công Trung đội 3 chốt giữ ở vị trí bọc hậu, còn Trung đội 1 và Trung đội 2 luân phiên nhau chốt giữ cao điểm 228. Mỗi trung đội chốt giữ trong một tuần lễ. Mỗi tốp chốt giữ có từ 8 đến 9 cán bộ, chiến sĩ.

Phần hậu cần như đồ ăn (chủ yếu là khoai, sắn, bắp nấu), nước uống hằng ngày và vũ khí đạn dược do Đại đội bố trí người cung cấp. Để đảm bảo an toàn và giữ vững trận địa chiến đấu, Ban Chỉ huy Đại đội cho đào khoảng 15 hầm công sự vòng tròn, có độ sâu khoảng chừng một mét, bề rộng hơn một người ngồi.

Chung quanh bờ hầm được khoét thành từng hóc nhỏ để chứa đạn dược, cùng vài bình đông nước uống. Dưới đáy hầm còn được trang bị một vỏ thùng đại liên thu được của lính Mỹ trong nhiều trận chiến đấu trước đó để cất trữ lương khô, gạo rang, và dùng làm bệ ngồi cho các chiến sĩ trong những lúc trú ẩn.

Hầm cách hầm từ 2 đến 3 mét theo vòng cung trên đỉnh đồi hướng về phía Nam và liên thông nhau bằng một dãy thông hào cũng có độ sâu chừng một mét. Giữa đỉnh đồi còn có căn hầm gụm gỗ kiên cố (còn gọi là hầm kèo), với chiều sâu khoảng độ 1,5 mét, rộng chừng 4,5 mét vuông để làm nơi hội họp bàn việc tác chiến.

Mỗi tốp chốt giữ được trang bị 1 khẩu cối 60 milimet và các loại khí tài khác như B40, B41, súng phóng lựu M72, trung liên RPD, cùng nhiều khẩu tiểu liên AK47, AR15 và cơ số lựu đạn các loại.

Sau khi phát hiện cao điểm 228 đã được các chiến sĩ ta chốt giữ, bộ máy ngụy quân, ngụy quyền ở quân lỵ Tiên Phước bắt đầu hoang mang lo sợ. Cho nên, từ tháng 2 đến tháng 9 năm 1973, bọn chúng đã liên tục nã pháo vào đây, rồi mở nhiều đợt tiến công đánh chiếm. Nhưng với tinh thần chiến đấu ngoan cường, anh dũng của các chiến sĩ ta, kẻ địch không thể nào thực hiện được âm mưu chiếm giữ cao điểm...

Trận chiến khốc liệt

Dừng lại trong giây lát, Thiếu tá Nguyễn Văn Hoàng chau mày kể tiếp. Trong nhiều trận đánh ấy, thì trận đánh vào ngày 5 tháng 10 năm 1973 là khốc liệt nhất, và Trung đội trưởng Lê Văn Hương đã anh dũng hy sinh trong niềm tiếc thương vô hạn của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân.

Ngày 5 tháng 10 năm 1973, khoảng 8 giờ sáng, bọn địch bắt đầu khai hỏa. Từng luồng, từng luồng đầu đạn các loại pháo từ cao điểm 211 của quận lỵ Tiên Phước, cách đó chừng 10 cây số, gầm rít như xé toạc không trung, ào ào lao tới, xối xả vào cao điểm 228, rồi những tiếng nổ liên hồi long trời lở đất, cây cối bật tung, khói bụi mịt mù, tưởng chừng con kiến cũng không thể nào thoát thân. Cuộc pháo kích khốc liệt này đã kéo dài trong suốt 6 tiếng đồng hồ, cho đến 4 giờ chiều mới chịu ngưng.

Khi những quả đạn pháo cuối cùng vừa chấm dứt, hàng trăm lính ngụy phục sẵn dưới chân đồi đồng loạt nổ súng, hô xung phong, ào ào tràn lên nhằm chiếm giữ trận địa. Các chiến sĩ Trung đội 2 bình tĩnh, sẵn sàng tay súng, chờ kẻ địch đến gần.

Khi tiến đến lưng chừng đồi, bọn chúng gặp phải những quả mìn của Đại đội V11 chờ sẵn, nhiều tiếng nổ vang lên, rồi từ trong từng hầm công sự, các chiến sĩ Trung đội 2 đã tung hết hỏa lực, nhằm thẳng quân thù mà bắn. Cứ thế, cuộc đối đầu diễn ra vô cùng khốc liệt, kẻ địch bị thiệt hại nặng nề. Cuối cùng, buộc chúng phải tháo chạy về lại quận lỵ Tiên Phước...

Tôi tò mò hỏi: “Tại sao pháo địch bắn xối xả kiểu đó, và bắn suốt trong 6 tiếng đồng hồ mà các chiến sĩ ta không hề hấn gì? Anh có thần thánh hóa về câu chuyện này không vậy?”.

Không một chút do dự, Thiếu tá Nguyễn Văn Hoàng lý giải: “Nói quả đồi, nhưng trên đỉnh của nó chỉ rộng khoảng chừng 200 mét vuông mà thôi. Cho nên, các xạ thủ pháo binh thời bấy giờ, ở cách xa, dù có tài giỏi bao nhiêu cũng không thể nào bắn trúng vào trận địa của ta được.

Họa may chỉ một vài quả lọt vào, nhưng chẳng có quả nào rơi trúng hầm công sự của anh em chúng tôi!”. Đến đây, Thiếu tá Nguyễn Văn Hoàng nở nụ cười tươi tắn như gửi gắm một điều kỳ diệu chỉ có được miêu tả trong sử sách mà thôi.

Tối hôm ấy, cả một vùng trở nên yên ắng, tĩnh mịch, chỉ nghe tiếng côn trùng reo rắc giữa đêm khuya. Trên cao điểm 228, các chiến sĩ Trung đội 2 trùm ny lon che mưa, ngồi dưới hầm công sự, dù đôi bàn chân nứt nẻ, tưa tớt, rỉ máu do lâu ngày dầm trong nước mưa và bùn đất, làm rát đau tê buốt nhưng không ai nản lòng, nhụt chí.

Khoảng 0 giờ 30 phút, Trung đội trưởng Lê Văn Hương vọt lên khỏi miệng hầm, rảo đi được mấy bước để kiểm tra trận địa, thì đột nhiên, một tay súng trong toán lính của Tiểu đoàn Biệt động Biên phòng 77 ngụy bí mật bò vào phục sẵn ở trận địa, phát hiện, hắn bung ra một quả lựu đạn nổ tung dưới chân anh, rồi những loạt đạn của nhiều tên lính bắn ra xối xả.

Tuy bị bất ngờ, nhưng với sự dày dạn, can trường trong chiến đấu, các chiến sĩ ta đã vận dụng hết hỏa lực sẵn có, đánh trả quyết liệt, những tiếng nổ của thủ pháo, lựu đạn, B40, B41, cùng các loại tiểu liên làm rung chuyển cả trận địa, toàn chốt điểm chìm trong khói lửa dày đặc.

Cuộc phản công diễn ra gần một tiếng đồng, nhiều chiến sĩ bị thương và các chiến sĩ khác của ta đã phải rút lui xuống chân đồi để bảo toàn lực lượng, chỉ còn chiến sĩ Trần Hòe nhất quyết bám trụ, liên tục vận động trong tuyến giao thông hào, và sử dụng tất cả các loại vũ khí, đánh trả quyết liệt, như một sự cam kết giữ vững lời hứa với Trung đội trưởng Lê Văn Hương trước đó. Cuối cùng, bọn địch cũng phải tháo chạy trong đêm.

--------------------------------------

Kỳ cuối: “Đồng đội về chỉ còn lại mình Hương...”

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cao điểm Vú Em & những cuộc giằng co khốc liệt - Kỳ 1: Ký ức thời máu lửa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO