Ngôi nhà dưới chân núi Ngang

PHƯƠNG GIANG - HỒ QUÂN 02/09/2021 05:17

Hai cuộc kháng chiến đi qua, chồng bà và 4 người thân khác không thể trở về. Như bao gia đình cách mạng kiên trung khác, bà giữ cho mình những nỗi đau, nhưng vẫn luôn tự hào, vì máu xương của người thân mình đã đổ xuống, cho độc lập, tự do của quê hương.

Cán bộ y tế khám bệnh cho bà Nhiên dịp kỷ niệm ngày Thương binh - Liệt sĩ 27.7 vừa qua. Ảnh: Q.C
Cán bộ y tế khám bệnh cho bà Nhiên dịp kỷ niệm ngày Thương binh - Liệt sĩ 27.7 vừa qua. Ảnh: Q.C

Điểm đến an toàn của cách mạng

Bà là Lưu Thị Nhiên (thôn Cao Ngạn, xã Bình Lãnh, Thăng Bình), người phụ nữ kiên trung đã ở trong căn nhà nhỏ dưới chân núi Ngang, cơ sở cách mạng của địa phương suốt những năm kháng chiến.

Sau lưng là núi, phía trước nhìn ra cũng là núi, ngôi nhà nằm ở hun hút xứ Cao Ngạn này vẫn luôn là điểm đến an toàn cho nhiều cán bộ của ta trong kháng chiến. Những đường hầm dưới căn nhà do những thành viên trong gia đình đào là vị trí an toàn để nuôi giấu cán bộ trong những đợt quân địch “càn”, cũng là nơi tiếp tế lương thực cho các lực lượng kháng chiến địa phương.

Ngôi nhà của bà Lưu Thị Nhiên tại thôn Cao Ngạn được công nhận Di tích Lịch sử cách mạng cấp tỉnh năm 2005. Mới đây, Huyện đoàn Thăng Bình phối hợp với Hội Chữ thập đỏ, Hội Khuyến học Thăng Bình tổ chức khởi công, xây mới căn nhà cho bà Nhiên, với kinh phí khoảng 70 triệu đồng.

Năm người con của Bà mẹ Việt Nam anh hùng Ung Thị Du đều tham gia kháng chiến chống Mỹ, trong đó có chồng bà Lưu Thị Nhiên. Năm người ở tiền tuyến và 2 người ở hậu phương, mỗi nơi một phần việc, tất cả vì cách mạng, dốc sức mình cho cuộc kháng chiến.

Làm dâu của mẹ Ung Thị Du, bà Nhiên cũng ít nhiều chịu ảnh hưởng tinh thần ngoan cường của gia đình chồng. Đã ở tuổi 90, nhưng trí nhớ của bà vẫn lấp lánh những câu chuyện về cách mạng, về những ngày gian khổ mà bi hùng của cuộc kháng chiến.

Ngôi làng nhỏ bé của bà khi đó, chỉ vỏn vẹn 90 hộ dân, nhưng địch đóng đến 2 đồn tại núi Ngang và núi Gai để kiểm soát, và chúng biết cả làng đều là cơ sở của cách mạng nên càng ráo riết khủng bố, mật phục. Căn nhà của bà Nhiên cũng trở thành chỗ “lui tới” thường xuyên của địch, với đủ thủ đoạn dọa dẫm, đánh đập, lùng sục.

Hết lần này đến lần khác, chúng vẫn không khuất phục được mẹ Ung Thị Du và con dâu là bà Nhiên. Cơ sở vẫn đứng vững, bao thế hệ cán bộ cách mạng địa phương được chở che, bảo bọc an toàn. Nhiều lần, bà vượt qua được sự kiểm soát gắt gao của địch, tìm mọi cách tiếp tế lương thực cho cán bộ, bộ đội.

“Thời Mỹ - ngụy, công tác nuôi giấu bộ đội, tiếp tế lương thực cực kỳ khó khăn, nguy hiểm. Địch tuần tra, lục soát xung quanh nhà này 3 ngày một lượt. Hầm cũng bị chúng phát hiện, phá hủy. Bao phen chúng lôi mẹ và tôi ra đánh đập, tra khảo, nhưng gia đình tôi cả đời theo cách mạng, quyết không một phút nào sờn lòng, sợ hãi. Nhờ đó mà địch có làm cách nào cũng không lấy được thông tin từ gia đình tôi” - bà Nhiên kể.

“Địch cứ đốt, mình cứ dựng”

Ông Nguyễn Văn Dũng - con trai bà Nhiên cho biết, từ 1967 - 1972, ba ông cùng 4 người chú lần lượt hy sinh khi thực hiện nhiệm vụ. Chú Bảy hy sinh vào năm 1967. Đến năm 1969, ba ông Dũng hy sinh trong một trận vây bắt của địch khi cơ sở bất ngờ bị lộ.

Chú Ba của ông Dũng hy sinh khi tham gia cuộc đấu tranh Hà Lam - Chợ Được, không lâu sau thì chú Năm hy sinh khi thực hiện nhiệm vụ theo dõi tình hình địch. Đến năm 1972, chú Sáu của ông hy sinh khi tham gia trận đánh Mỹ tại địa phương. Những người thân lần lượt không về, nhưng bà Nhiên và mẹ Ung Thị Du đã kiên cường bám trụ, giữ vững khí tiết kiên trung cho đến ngày quê hương hoàn toàn giải phóng.

Tiên phong tham gia hỗ trợ cách mạng, nhưng bà Nhiên luôn đứng sau những niềm vui thắng trận. Bà lặng lẽ nén đau thương thành sức mạnh để tiếp tục công việc tiếp tế lương thực cho cán bộ. Và cho dù phải sống trong cảnh “màn trời, chiếu đất” khi nhà quanh năm suốt tháng bị địch đốt phá nhưng cũng chỉ khiến lòng căm thù giặc của bà Nhiên thêm sục sôi.

“Giặc cứ thấy nhà dựng lên là đốt. Nhà gỗ cũng đốt, dựng lại mái lá tạm bợ cũng đốt. Địch cứ đốt, mình cứ dựng, mãi từ năm 1972 đến khi giải phóng huyện Thăng Bình mới thoát khỏi cảnh bị địch đốt nhà. Trong những năm tháng ấy, khó có thể kể hết những hy sinh.

Nhưng hy sinh lớn nhất, vẫn là xương máu của chồng tôi, của các chú, các bác gia đình chồng, của mẹ chồng. Họ đã vĩnh viễn không về, chỉ có chúng tôi là được nhìn thấy niềm vui ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, dân tộc hoàn toàn tự do, nhìn thấy quê hương Cao Ngạn này đổi thay từng ngày” - bà Nhiên xúc động nói.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ngôi nhà dưới chân núi Ngang
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO