Ngày kỹ năng lao động Việt Nam (4/10) hằng năm đã trở thành sự kiện đặc biệt đối với giáo dục nghề nghiệp, là sự ghi nhận, tôn vinh đối với lao động có kỹ năng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Thầy giáo Bùi Phước Khánh (Trường Cao đẳng Điện lực miền Trung) đã được Bộ LĐ-TB&XH vinh danh trong dịp này.
Theo Bộ LĐ-TB&XH, sau hai năm kể từ thời điểm công bố Ngày kỹ năng lao động Việt Nam hàng năm, đã có nhiều chuyển biến trong nhận thức xã hội về tầm quan trọng và giá trị của kỹ năng lao động (LĐ). Nhận thức của người dân nói chung, người LĐ và người sử dụng LĐ nói riêng đối với phát triển kỹ năng từng bước được cải thiện, kỹ năng nghề được coi là động lực để phát triển nghề nghiệp, nâng cao thu nhập và duy trì việc làm bền vững cho người LĐ.
Cộng đồng doanh nghiệp đã dần thay đổi trong tư duy và hành động, tuyển dụng và sử dụng LĐ dựa vào trình độ kỹ năng và năng lực hành nghề, chủ động tham gia phát triển kỹ năng một cách có trách nhiệm; doanh nghiệp đang tham gia sâu hơn vào quá trình xây dựng chính sách và đào tạo kỹ năng cho người LĐ.
Bộ LĐ-TB&XH đã tôn vinh các nhà giáo và tuyên dương học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp xuất sắc, tiêu biểu nhằm động viên, khích lệ và khơi dậy phong trào thi đua dạy tốt, học tốt trong toàn hệ thống giáo dục nghề nghiệp. Qua đó, góp phần cung ứng ngày càng nhiều LĐ có chất lượng, hiệu quả và kỹ năng nghề cao.
Thầy giáo Bùi Phước Khánh là một trong 54 nhà giáo giáo dục nghề nghiệp tiêu biểu, được giới thiệu từ 63 tỉnh, thành phố, đại diện cho hơn 83 nghìn nhà giáo đang giảng dạy trong hơn 1.900 cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong cả nước được vinh danh.
Để có được kết quả như ngày hôm nay, thầy Bùi Phước Khánh đã không ngừng trau dồi kiến thức, tìm tòi cách thức giảng dạy, truyền cảm hứng nghề nghiệp tới các thế hệ sinh viên. Trong phương châm giảng dạy ở lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, truyền nghề là chìa khóa để người học tiếp thu kỹ năng LĐ tốt nhất.
Thầy Khánh chia sẻ: “Là người thầy, tôi cũng phải tự học, tự rèn luyện những thao tác thực hành để trau dồi kỹ năng thực tế. Từ đó, giúp tôi có thể hướng dẫn thực hành cho học sinh, sinh viên một cách hiệu quả và chuyên nghiệp, tránh được các sai sót.
Một khi học sinh, sinh viên quan sát giáo viên thao tác nhuần nhuyễn với tác phong chuẩn mực, các em sẽ có ấn tượng tốt và có thể áp dụng những kỹ năng đó trong công việc thực tế sau khi tốt nghiệp”.
Cũng theo thầy Khánh, để tạo được nguồn nhân lực cho ngành điện, ngoài đội ngũ giảng viên, sự quan tâm của Ban Giám hiệu Trường Cao đẳng Điện lực miền Trung thì sự chỉ đạo sâu sát của Tổng Công ty Điện lực miền Trung đóng vai trò quan trọng. Trong đó, sự đầu tư về trang thiết bị, cơ sở vật chất giảng dạy hiện đại, giúp cho cả thầy và trò nhà trường có điều kiện tiếp cận nhanh chóng với sự phát triển của ngành điện, nâng cao kỹ năng nghề.