Vóc dáng phố

THÀNH CÔNG - ALĂNG NGƯỚC 01/02/2020 15:21

(Xuân Canh Tý) - Một hành lang phát triển kết nối với vùng động lực phía đông, đang mở ra cơ hội cho việc hình thành các đô thị ở vùng tây của tỉnh. Đây cũng là những điểm kết nối xuyên suốt, được xem là tiền đề quan trọng “phác thảo” hình hài đầu tiên để xây dựng chuỗi đô thị ở miền núi trong tương lai.

Trục đường Hồ Chí Minh không chỉ giúp để Khâm Đức phát triển, mà còn kết nối liên vùng, mở cơ hội hình thành chuỗi đô thị miền núi. Ảnh: NGƯỚC CÔNG
Trục đường Hồ Chí Minh không chỉ giúp để Khâm Đức phát triển, mà còn kết nối liên vùng, mở cơ hội hình thành chuỗi đô thị miền núi. Ảnh: NGƯỚC CÔNG

ĐIỂM TỰA VÙNG TÂY

Với “xương sống” là trục đường Hồ Chí Minh, cửa ngõ mở lên vùng Tây Nguyên và các địa bàn lân cận như Huế, Đà Nẵng, những thị trấn nằm trên trục đường này đang thay đổi tích cực về hạ tầng lẫn dịch vụ phụ trợ. Tuy nhiên, để xác lập được vị thế mang tầm đô thị, còn đòi hỏi nhiều nỗ lực…

Không chỉ là điểm dừng chân

Đã thôi cảnh u buồn với vài chiếc xe hiu hắt dừng chân nghỉ qua đêm trên chặng đường ngược miền Tây Nguyên, Khâm Đức (Phước Sơn) đã có những bước “lột xác” đáng kể. Nếu chỉ tính riêng về lưu trú - ngành dịch vụ đáng kể nhất của Khâm Đức trước đây, thì nay, nơi này đã sở hữu hệ thống khách sạn đạt chuẩn 3 sao, đủ sức phục vụ hơn 400 du khách mỗi đêm. Cùng với đó, hệ thống dịch vụ phụ trợ đã thành hình, bước đầu tạo được nguồn thu.

Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn - ông Nguyễn Quảng cho biết, địa phương đã lập quy hoạch chung về xây dựng thị trấn Khâm Đức đến năm 2030, trong đó định hướng theo phân khu, mở rộng thị tứ về phía đông thuộc các xã Phước Xuân, Phước Hòa. Đồng bộ với quy hoạch phát triển vùng, địa phương cũng đã tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng, để từng bước đáp ứng quy mô dân số cần có của một đô thị. “Lợi thế của địa phương là diện tích hiện tại còn tương đối rộng, bớt nỗi lo về quỹ đất. Chúng tôi đang tập trung phát triển trung tâm thương mại dịch vụ, đầu tư cải tạo chợ Khâm Đức và đã có quy hoạch riêng phát triển khu công nghiệp. Nhờ kết nối được với hai vùng kinh tế trọng điểm là Tây Nguyên và TP.Đà Nẵng, lượng khách đến Khâm Đức ngày một tăng. Với những tiềm năng như thắng cảnh hồ Mùa Thu, thác 7 tầng, sân bay Khâm Đức cũ…, chúng tôi kỳ vọng du lịch sẽ tạo cú hích đưa địa phương phát triển” - ông Quảng cho biết.

Để thoát khỏi cảnh chỉ là điểm dừng chân, Phước Sơn cũng tính toán tới việc xác lập được sản phẩm du lịch đặc trưng. Lễ hội Tết mùa lần đầu tiên tổ chức vào đầu năm 2019 được xem là minh chứng cụ thể nhất cho nỗ lực này, khi thu hút sự quan tâm đáng kể của đông đảo du khách lẫn doanh nghiệp và các đơn vị lữ hành.

Liên kết vùng

Chừng mươi năm trước, không nhiều người lạc quan về việc doanh nghiệp bỏ hàng trăm tỷ đồng đầu tư vào du lịch miền núi. Khu du lịch sinh thái Cổng trời Đông Giang với vốn đầu tư hơn 400 tỷ đồng sắp sửa hoàn thành giai đoạn 1, xóa mờ nhiều nghi ngại về câu chuyện thu hút đầu tư. Miền núi, đang từng ngày rất khác. Cũng từ đây, chính quyền có thêm sự đồng hành của nhiều doanh nghiệp ở những lĩnh vực tiềm năng như du lịch, công nghiệp dược liệu, trồng rừng gỗ lớn…

Quá trình đô thị hóa miền núi giúp đồng bào có cơ hội tiếp cận với các dịch vụ thương mại, phục vụ nhu cầu cuộc sống.Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Quá trình đô thị hóa miền núi giúp đồng bào có cơ hội tiếp cận với các dịch vụ thương mại, phục vụ nhu cầu cuộc sống.Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Ông Đỗ Tài - Bí thư Huyện ủy Đông Giang nói, dự án này đang gỡ được nhiều “nút thắt” về kinh tế - xã hội ở địa phương. “Khi đi vào hoạt động, không chỉ kích cầu được dịch vụ du lịch, mà còn giúp kết nối kinh tế vùng. Hạ tầng giao thông đang dần hoàn thiện, mở ra cơ hội lớn để các sản phẩm du lịch của từng địa phương liên kết với nhau, tạo thành một chuỗi giá trị mới. Đây cũng là tiền đề để những thị trấn như P’rao, Thạnh Mỹ, Khâm Đức… xích lại gần nhau hơn trên con đường hình thành chuỗi đô thị vùng tây. Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với định hướng quy hoạch mỗi huyện” - ông Tài chia sẻ.

Không nằm ngoài hành trình chung, Thạnh Mỹ (Nam Giang) ghi dấu ấn với việc trung tâm hành chính được chuyển về từ Bến Giằng, đồng bộ với hệ thống hạ tầng hiện tại thị trấn. Có thể nhận thấy rất rõ những đổi khác. Chợ Thạnh Mỹ hứa hẹn sẽ sôi động hơn nhiều. Ngoài ra, những cụm công nghiệp vệ tinh đang được địa phương gấp rút lập thủ tục xin xây dựng, “dọn đường” để đón nhà đầu tư. Khớp nối với điều kiện hiện tại, một nền tảng tương đối vững đã và đang được đặt cho mục tiêu đi lên đô thị.

GỌI GIẤC MƠ VỀ

Thấp thoáng những niềm tin trong từng câu chuyện. Người ta nói nhiều hơn với nhau về mong ước mới, về dự định tương lai của miền trung du, khi những sôi động đang lan tỏa dần về phía tây, ngay khi cái tên mới Tân Bình (Hiệp Đức) còn đang rất lạ...

Từ những hoạch định cụ thể, Tân Bình được kỳ vọng sẽ trở thành đô thị tiềm năng, đón đợi giấc mơ kinh tế trọng điểm ở phía tây của tỉnh. Ảnh: NGƯỚC CÔNG
Từ những hoạch định cụ thể, Tân Bình được kỳ vọng sẽ trở thành đô thị tiềm năng, đón đợi giấc mơ kinh tế trọng điểm ở phía tây của tỉnh. Ảnh: NGƯỚC CÔNG

Năng lượng mới cho phát triển

Có mặt từ những ngày đầu thành lập huyện, ông Nguyễn Văn Chiến - thế hệ cán bộ ngày ấy kể lại hình hài của Tân An bằng muôn trùng gian khó. Miền đất núi chơ vơ giữa bộn bề thiếu thốn, nhìn quanh không có lấy một mái ngói. Đã có những tháng ngày băng bộ qua con đường lầy, những cách trở cứ thế dài thêm. Đến khi chia tách tỉnh, vẫn chưa thấy rõ những đổi thay. Đó cũng là lý do mà những người xa quê khi trở lại đều ngỡ ngàng với hiện tại. Đường sá thênh thang, nhà cửa cũng “lột xác” với dáng hình của phố. Dẫu chỉ là một thị trấn trên trục đường 14E, song tâm thế rõ ràng đã không còn bé nhỏ như ngày trước. Nhất là khi chủ trương mở rộng thị trấn, sáp nhập với xã Quế Bình đã được HĐND tỉnh thông qua vào tháng 10.2019. “Với việc sáp nhập, hình thành thị trấn Tân Bình, sẽ cởi bỏ được tấm áo quá chật chội của một đô thị loại 5 ở miền núi hiện tại. Vừa rồi, huyện cũng đã lấy ý kiến của người dân về việc mở một số tuyến đường nội thị quan trọng, đồng thời xây dựng hệ thống giao thông, cầu khép kín, xóa bỏ thế độc đạo, giúp bộ mặt của Tân Bình thay đổi” - ông Chiến không giấu được niềm hồ hởi.

Niềm vui, thực ra đã khởi đi từ khi địa phương tổ chức thu thập ý kiến người dân về đề án sắp xếp đơn vị hành chính trên địa bàn huyện Hiệp Đức. Ông Phạm Thanh Ba - Chủ tịch UBND xã Quế Bình cho hay, ban đầu, dù có những băn khoăn khi địa phương là một xã anh hùng, còn nhiều di tích lịch sử, nhưng chủ trương sáp nhập cũng được bà con đồng thuận. Người dân chờ đợi nhiều hơn về việc sẽ được mở rộng đường sá, hoàn thiện hệ thống giao thông, kích cầu cho những phát triển trong tương lai. Bài toán kinh tế sẽ phải chuyển dịch theo những đổi thay của vùng đất, đầy hứa hẹn cho một nhịp sống mới sôi động hơn. “Dù có thể chưa hình dung được hết những hoạch định phía trước, song trong tâm tưởng, bà con đều chung một niềm kỳ vọng. Khi quê nhà “lên phố”, ít nhiều bộ mặt cũng sẽ đổi khác, dịch vụ, thương mại rõ ràng sẽ mạnh hơn. Nông sản có giá trị hơn, chưa kể người dân cũng có thêm lựa chọn trong bài toán sinh kế của mình” - ông Ba nói.

Dáng hình đô thị

Còn xa để chạm vào “danh xưng” thị xã, song có thể thấy quyết tâm của chính quyền địa phương trong việc nâng tầm đô thị cho “vùng đất mới” Tân Bình. Mục tiêu cụ thể đang được đặt ra là đưa thị trấn phát triển thành trung tâm kinh tế - chính trị, xứng tầm với tiềm năng phát triển của địa phương. Một quy hoạch chung đã được trình lên tỉnh. Trong đó, bám vào mối liên kết vùng dựa trên trục đường huyết mạch 14E - đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư nâng cấp mở rộng, hứa hẹn sẽ là nơi kết nối vùng kinh tế rừng và kinh tế biển. Nhân cơ hội này, Hiệp Đức cũng định hướng trở thành vùng nguyên liệu lớn để phục vụ cho phát triển kinh tế rừng, nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp phục vụ chế biến… Trên cơ sở đó, quy hoạch điều chỉnh mở rộng đô thị Tân Bình theo định hướng phát triển chung đã được tính toán, bao gồm khu đô thị, khu thương mại dịch vụ và vùng phụ cận.

Không xa Tân Bình, Sông Trà - vùng đất từng là nơi đứng chân của Khu ủy Khu 5 xưa, cũng đã chuyển dịch với nhiều dự định. Với vị trí là ngã 6, nơi có thể kết nối với Tiên Phước, Bắc Trà My, Phước Sơn, Thăng Bình, Quế Sơn và Nông Sơn, lại gần đường Đông Trường Sơn, Hiệp Đức đang sở hữu điều kiện lý tưởng để phát triển kinh tế trong mối quan hệ liên vùng. Phía đông của huyện, Việt An cũng hứa hẹn có thể hình thành một thị tứ nhộn nhịp. Chủ tịch UBND huyện - ông Nguyễn Như Công cho biết, địa phương đã kiến nghị tỉnh bổ sung một số điểm, cụm công nghiệp, quy mô lên đến 200ha. Hiện tại có 3 nhà đầu tư xin chủ trương đầu tư và cấp phép quy hoạch, với quy mô 600 - 1.300 tỷ đồng, hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp chế biến gỗ. Đây sẽ là tiền đề quan trọng hình thành Khu công nghiệp Sông Trà. Với đặc thù hiện tại, quy hoạch đang chuyển dịch về vùng tây thay cho hướng đông như một số địa phương khác. Bằng sức hút kinh tế rừng, với lợi thế cửa ngõ của 6 huyện, Hiệp Đức đang xúc tiến đầu tư một số vùng chuyên canh lớn, song song với việc sắp xếp quy hoạch và bố trí một số khu vực làm nhà ở cho công nhân, người lao động, một số chuyên gia phục vụ nhà máy. Ba khu đô thị đã đề cập trong định hướng quy hoạch sẽ tạo động lực phát triển rất lớn cho địa phương.

Không lặng yên chờ đợi, chính quyền đã và đang chủ động bước những bước đi đầu tiên. Bên cạnh giải phóng mặt bằng, thu hút đầu tư, địa phương đang tập trung cho xây dựng hạ tầng, đặc biệt là điện. “Chúng tôi đang còn rất nhiều tiềm năng ở các lĩnh vực khác như nông nghiệp, du lịch. Trong bối cảnh du lịch khám phá, trải nghiệm dần có sức hút lớn hơn, một số địa điểm thắng cảnh của Hiệp Đức đang rất giàu tiềm năng như Hòn Kẽm Đá Dừng, Khe Cái, Suối Lung, cùng lòng hồ thủy điện sẽ được đầu tư khai thác. Chúng tôi cũng đang kêu gọi doanh nghiệp nghiên cứu hình thành các tour, tuyến mới theo con đường di sản trên đường thủy, từ Hội An lên Hòn Kẽm Đá Dừng, qua Mỹ Sơn lên Đại Bình, từ đó khai thác các sản phẩm du lịch địa phương, khôi phục làng nghề. Từ một khoảng trống mà các huyện miền núi chưa tận dụng là nuôi trồng thủy sản, chúng tôi sẽ kết hợp yếu tố này với du lịch, xây dựng các khu nghỉ dưỡng ở lòng hồ thủy điện. Một đề cương nữa đã được phác thảo trong định hướng để các chuyên gia, nhà kinh tế phản biện, tham vấn ý kiến, hiện thực hóa cơ hội cho chính mình” - ông Công nhấn mạnh.

Một giấc mơ đang được gọi về, từ những niềm tin!

Ông Lê Tú - Tổng Giám đốc Công ty CP Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn Quảng Nam: Bản sắc văn hóa tạo thương hiệu cho đô thị miền núi

Các đô thị miền núi nằm ở phía tây các hành lang Bắc - Trung - Nam của Quảng Nam, chủ yếu nằm trên trục đường Hồ Chí Minh vẫn chưa phát triển như định hướng, liên kết giữa các đô thị còn rời rạc, việc hình thành các điểm dân cư gắn với các cụm công nghiệp và dịch vụ để hình thành những thị trấn, trung tâm cụm xã còn chưa rõ nét. Cạnh đó, việc hình thành các cơ sở kinh tế ở miền núi còn nhỏ lẻ, động lực phát triển đô thị chủ yếu là hành chính, nhóm các đô thị nâng loại đều bị khống chế bởi tiêu chí về quy mô dân số tối thiểu nên không thực hiện được.

Bản sắc văn hóa sẽ tạo nên thương hiệu cho đô thị miền núi.Ảnh: L.T.KHANG
Bản sắc văn hóa sẽ tạo nên thương hiệu cho đô thị miền núi.Ảnh: L.T.KHANG

Có một số nguyên nhân khách quan khác như: xuất phát điểm và nguồn lực đầu tư cho phát triển đô thị còn thấp, tăng trưởng của các cơ sở kinh tế tạo thị tại khu vực miền núi phía tây không đạt như kế hoạch, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển. Nguyên nhân chủ quan là các loại hồ sơ về quản lý quy hoạch và phát triển đô thị còn thiếu và chất lượng chưa cao; tích hợp giữa các ngành còn chồng chéo, khó khăn trong công tác triển khai thực hiện; chưa có cơ chế hỗ trợ để đầu tư hạ tầng làm tiền đề cho phát triển đô thị. Đối với các đô thị miền núi, cơ chế hỗ trợ chưa cao so với các chính sách dành cho miền núi, vùng dân tộc thiểu số nếu chưa được công nhận đô thị; công tác quản lý nhà nước ở các địa phương chưa chú trọng và tập trung nguồn lực để phát triển đô thị, tạo sức phát triển lan tỏa gắn kết đô thị và nông thôn…

Trên địa bàn miền núi Quảng Nam đã, đang và sẽ triển khai nhiều dự án phát triển du lịch đều khắp các huyện, có khả năng tạo động lực để phát triển đô thị. Trong đó, phát huy bản sắc văn hóa là một định hướng quan trọng nhằm tạo nên những đô thị ”có thương hiệu”, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế thương mại, du lịch bên cạnh chức năng hành chính đơn thuần của các đô thị miền núi hiện nay. Song song với đó, nhiều tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, đường Đông Trường Sơn... đã được đầu tư, nâng cấp và trở thành những trục xương sống kết nối trong phát triển đô thị. Đây sẽ là cơ sở để điều chỉnh định hướng phát triển đô thị phù hợp với thực trạng và khả năng phát triển trong thời gian đến.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Vóc dáng phố
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO