Với Cù lao Chàm

MINH QUÂN 28/01/2017 13:51

(Xuân Đinh Dậu) - James Borton, cựu nhà báo Mỹ của tờ The Washington Times, từng rất nhiều lần đến Việt Nam. Tự cho mình có duyên nợ với những làng chài ven biển nên ông thường dành nhiều thời gian trải nghiệm cùng sự ghi chép tỉ mỉ. Ông cũng trở lại với Cù lao Chàm, ấp ủ cho những dự định về bảo tồn biển của mình.

Mỗi lần bước chân lên đảo, James Borton đều đi loanh quanh rất lâu. Dường như nét hoang sơ của cảnh vật, những cái bắt tay thật chặt, những nụ cười hồn hậu của bà con nơi đây… mọi thứ như đều lạ, đều khiến ông mê mẩn. Sững sờ đến nỗi, tôi nhớ ông đã luống cuống đi tìm chiếc mũ trong khi mình đang cầm trên tay. James Borton bưng ly nước lá lao bốc khói nghi ngút đưa lên hít hà. “Đây là loại nước gì mà có mùi vị lạ vậy?”. Cô Tư chỉ tay về phía núi: “Lá rừng đó”. Ông nheo mắt tỏ vẻ ngạc nhiên. Cô Tư đưa cho ông vài lá rừng non, bảo ông cho vào miệng nhai thử. “Lá non được luộc hay nấu canh để ăn, lá già phơi khô nấu nước uống”. James Borton buột miệng: “Quá tuyệt!”

Nhà báo James Borton.
Nhà báo James Borton.

Trở lại Cù lao Chàm lần này, mọi đổi thay ở xứ đảo khiến ông ngỡ ngàng. “Tôi đến đây lần đầu tiên vào năm 2006, lúc đó Cù lao Chàm chưa có ca nô cao tốc, tôi ra đảo bằng tàu gỗ. Lúc đó cũng chưa có nhà cao tầng, chưa có điện, chưa có dịch vụ lưu trú, chưa bán hàng lưu niệm… khách du lịch cũng chỉ vài người thôi. Khách ra thăm chơi, ăn uống rồi về, đâu có thể ở lại được”. James Borton vừa nói vừa ghi chép. “Bây giờ mọi thứ đổi thay quá, ngoài sức tưởng tượng của tôi. Điện đã sáng, du khách đến đây nhiều quá, nhà trọ cũng nhiều. Đặc biệt, ở đây chẳng có ai sử dụng túi ni lông và môi trường thì khá sạch sẽ”.

James Borton thích những làng quê, làng chài xứ Quảng và ấn tượng về ngư dân. Hễ có dịp là ông nói một lèo về những ngư dân ông từng tiếp xúc. Ông kể với niềm hân hoan khó tả: “Tôi đến làng dừa nước Cẩm Thanh, tôi nhìn những ngư dân từ khơi xa về đang cân những bành cá hố to. Họ thấy tôi chăm chú muốn tìm hiểu nên đưa thuyền nhỏ chở tôi ra tàu xem cá. Họ luộc cá và đãi tôi bằng sản phẩm của họ. Họ mời tôi uống rượu như người thân”. Và chính sự thuần hậu, chân chất của người Quảng đã giúp chất liệu cho nhà báo James Borton có loạt bài về phố bên sông đăng trên tờ The Washington Times. Ông kể tiếp: “Năm 1999, tôi đến Chu Lai, lúc ấy chỉ bãi cát trắng phau, vài nhà máy giữa sa mạc cát mênh mông. Đi đến đâu tôi cũng được mọi người chào, từ người lớn đến trẻ em, lòng tôi thấy ấm hơn. Bây giờ trở lại, nơi hoang vu ngày nào đã biến thành khu kinh tế sầm uất”.

James Borton đi nhiều nơi trên thế giới và nhiều nơi ở Việt Nam, nhưng ông bảo Hội An là nơi ông thích nhất. Ông nhìn thấy ở đó những nốt lặng trầm cần thiết cho cuộc sống của mình. Điều James Borton nhìn thấy ở vùng đất này, có lẽ nhiều người bạn nước ngoài đến Hội An cũng thấy. Nên họ chọn ở lại chăng?

MINH QUÂN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Với Cù lao Chàm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO