Rất nhiều cảm xúc chân thành òa vỡ trên gương mặt những người đã từng nhiều lần nhận thưởng. Với họ - những nghệ sĩ không chuyên, tuyên truyền viên lưu động, dù chỉ một sự quan tâm rất nhỏ, cũng là niềm hạnh phúc để họ gắn bó với nghề...
Phùng Thị Ngọc Huệ trong lúc chờ vai diễn. |
Hội thi Đội tuyên truyền lưu động lần VIII - 2013 vừa khép lại, với hơn 30 huy chương vàng và bạc dành cho những cá nhân - diễn viên không chuyên của 16 đội tuyên truyền lưu động, như một cách tôn vinh những cống hiến với công tác tuyên truyền. Một tiếng vỗ tay, một lời động viên chân tình cũng làm những diễn viên không chuyên xúc động vì nghề tuyên truyền của họ đã có người thấu hiểu. Trong khán trường hôm ấy, có rất nhiều người ở tuổi trung niên đến xem các đội tuyên truyền thi thố tài năng với nhau. Họ đến để nghe Kim Anh, Ngọc Huệ, Thu Sương, Lý Như Sanh… tấu khúc dân ca khu 5 ngọt lịm. Không như những khán giả trẻ tuổi ở các sân khấu nhạc trẻ, khán giả tuổi này chịu đến xem ca kịch sân khấu - một phần trong Hội thi Đội tuyên truyền lưu động, chỉ lặng lẽ gật đầu, rồi vỗ tay cho những tiểu phẩm hay, những giọng ca xuất sắc. Diễn viên trên sân khấu cũng thấy những cống hiến của mình được tôn trọng, khi khán đài phía dưới lặng im nghe họ hát.
Phùng Thị Ngọc Huệ là một diễn viên gắn bó lâu năm với “nghề tuyên truyền” và cũng có “chút tiếng tăm” trong Đội tuyên truyền lưu động của TP. Hội An. Nếu nói về tuổi nghề, có lẽ Lý Như Sanh, Ngọc Huệ, Kim Anh… là những diễn viên thuộc tốp “gạo cội” tại Quảng Nam. Hơn 20 năm gắn bó với nghề ca hát, Ngọc Huệ tin rằng, “có lẽ bây giờ nên nói nghiệp hát thì đúng hơn”. Và bởi đã dấn thân, mê say, nên Ngọc Huệ cũng như các anh chị em lớn tuổi khác trong các đội tuyên truyền lưu động ở các địa phương, vẫn không thể rời cái nghiệp đã trót đa mang. Họ như những “kép già đã chọn cuộc chơi”. Ngọc Huệ tâm sự, mỗi người đã có một sự an bài riêng trong cuộc đời và nhiệm vụ của mình là làm tốt sự an bài đó. “Trời phú cho mình giọng hát thì mình phải cống hiến tiếng hát lời ca cho người đời, đến khi không còn có thể hát nữa mới thôi” - chị nói. Và Ngọc Huệ không nề hà bất cứ vai diễn nào ở bất cứ nơi chốn nào.
Tăng Thị Kim Anh và Lý Như Sanh biểu diễn trong một chương trình tuyên truyền lưu động về biển đảo quê hương. ảnh: L.QUÂN |
Ở Hội An, nơi người người tìm đến vì cảnh sắc, không gian, những diễn viên như chị cũng phần nào làm nên cái hồn cốt của phố Hội. Biểu diễn nghệ thuật cổ truyền cũng là một cách để các diễn viên trong đội tuyên truyền lưu động vừa tăng thêm thu nhập, vừa không lụt nghề và cả quảng bá được bản sắc văn hóa Quảng Nam đến với đông đảo du khách trong và ngoài nước. Khi chúng tôi hỏi, liệu người dân vùng ven Hội An có được thường xuyên nghe và xem các chị biểu diễn, Ngọc Huệ cười hiền, rằng “chúng tôi chủ yếu phục vụ bà con vùng ven”. Bởi như chị lý giải, người ở trong phố, đã quá quen với những hoạt động biểu diễn, những chương trình giải trí, còn người dân vùng ven như Thanh Hà, Cẩm Nam, Cẩm Thanh, Cù Lao Chàm… lại rất thiếu những hoạt động về văn hóa văn nghệ. Và mỗi khi đội tuyên truyền lưu động có chương trình về những vùng này, bà con nơi đây hào hứng đón xem và coi các chị như những người con thân thương đáng tự hào của quê hương.
Khác với Hội An, những tuyên truyền viên của Đội tuyên truyền lưu động Núi Thành lại dạt dào cảm xúc với dân vùng biển, với những người công nhân quanh năm khó nhọc. “Làm sao để ngư dân hiểu cặn kẽ nhất chính sách pháp luật liên quan đến lợi ích của mình là công việc của những người như chúng tôi” - diễn viên Lý Như Sanh tâm sự. Nhắc đến văn nghệ dân gian Núi Thành, người dân vùng này sẽ nghĩ ngay đến Lý Như Sanh. Khuôn mặt và giọng ca của người đàn ông này luôn có sức hút mạnh mẽ. Từng điệu hò qua giọng ca của anh, vừa hóm hỉnh vừa tràn đầy tình cảm. Lý Như Sanh có biệt tài trong việc “biến tấu” ca từ để lồng nội dung tuyên truyền về những chủ trương chính sách. Không xơ cứng, không gượng ép, chính sách pháp luật đi vào câu ca ngọt như êm và cũng dễ thấm vào suy nghĩ người nghe. Cũng như Lý Như Sanh, Tăng Thị Kim Anh là một cái tên quen thuộc với “dân văn nghệ phong trào” xứ Quảng nói chung, người dân Núi Thành nói riêng. Giọng ca sắc sảo, lối diễn chuyên nghiệp, rất nhiều lần, những đoàn ca kịch ngoại tỉnh mời chị đi biểu diễn và cả những lời mời đầu quân. Tuy nhiên, “vốn dĩ lớn lên từ các phong trào cơ sở của Núi Thành, mình không thể bỏ quê hương mà đi” - Kim Anh chia sẻ. Tiếng hát của chị khi đến với các vùng ven biển Núi Thành, với những ngư dân chỉ quen ăn sóng nói gió, hay với những người công nhân tuổi trẻ, đều ngọt ngào như qua những khúc dân ca.
Mỗi vai diễn chính của một chương trình tuyên truyền lưu động chỉ được bồi dưỡng từ 15 - 30 nghìn đồng và mức bồi dưỡng luyện tập tối đa cho một chương trình là 50 nghìn đồng. Với các vai diễn phụ chỉ được bồi dưỡng từ 10 - 20 nghìn đồng. Tính ra, thu nhập của những “kép già” cũng chả được bao nhiêu, còn những “kép trẻ”, nếu “hạch toán chi li” thì... Dẫu vậy, họ vẫn gắn bó với “nghề tuyên truyền” lưu động thông qua hình thức sân khấu hóa để đưa chủ trương chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống. Với họ, dù “kép già” hay là “kép trẻ” thì đó là niềm đam mê...
LÊ QUÂN