Khoảng 69,9 tỷ đồng nợ tạm ứng từ năm 2010 trở về trước không có khả năng thu hồi. Vốn ngân sách nhà nước có nguy cơ bị mất trắng lẽ nào không ai chịu trách nhiệm?
Ngày 23.10.2014, Kho bạc Nhà nước Quảng Nam công bố số nợ đọng tạm ứng vốn đầu tư thuộc kế hoạch 2010 trở về trước tính đến ngày 30.9.2014 khoảng 140 tỷ đồng, bao gồm cả ngân sách tỉnh, huyện, xã và trái phiếu chính phủ (TPCP). Ngoài số dư tạm ứng của các hợp đồng còn hiệu lực và giá trị thanh toán chưa đạt 80% giá trị hợp đồng khoảng 70,1 tỷ đồng của dự án “Phòng chống lụt bão đường cứu hộ, cứu nạn huyện Thăng Bình” thuộc vốn TPCP được gia hạn thanh toán đến tháng 3.2015 thì khoảng 69,9 tỷ đồng nợ phải hoàn ứng trước ngày 31.12.2012 không thể có khả năng thu hồi. Danh sách 44 dự án nợ đọng ấy, nhiều nhất là 31 dự án thuộc vốn ngân sách tỉnh, 4 dự án TPCP, 6 dự án thuộc ngân sách huyện, thị xã và 3 dự án ngân sách xã, phường. Chủ đầu tư chiếm nhiều dự án nợ đọng nhiều nhất thuộc các đơn vị Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai (25 dự án). Như vậy, tiến độ hoàn ứng nợ đọng của các chủ đầu tư kể từ số dư tạm ứng mang sang niên độ 2014 đến hết tháng 9.2014 không có thay đổi gì nhiều.
Theo Kho bạc Nhà nước Quảng Nam, ngoài một số dự án “treo”, số dư tạm ứng chưa thu hồi như Dự án nạo vét thoát lũ khẩn cấp sông Trường Giang, đường ô tô đến trung tâm xã Trà Tập (Nam Trà My)… thì số nợ đọng không thể thu hồi này thuộc về các dự án, gói thầu đã ngừng triển khai thi công, một số đơn vị tư vấn, nhà thầu đã giải thể không tìm ra địa chỉ. Chủ đầu tư đã chuyển hồ sơ nhà thầu bất hợp tác sang cơ quan pháp luật, nhưng đều đã bị bác bỏ vì không thể xác định được tài sản và không biết kêu ai tới hầu tòa. Các cơ quan quản lý hiện tại chỉ còn cách giám sát chặt số dư tạm ứng của các hợp đồng còn hiệu lực, buộc các chủ đầu tư, nhà thầu nhanh chóng thi công, nghiệm thu công trình, hoàn ứng đúng thời hạn, hạn chế thấp nhất việc phát sinh số dư tạm ứng tồn đọng khi hợp đồng đã hết hiệu lực trong thời gian đến. Còn số dư tạm ứng lưu cữu thì đành “bó tay”, không biết làm gì với các “con nợ” chây ì ấy. Điều ấy có nghĩa là khoản nợ tạm ứng ngân sách nhà nước gần 70 tỷ đồng có nguy cơ bị mất trắng!
Công văn UBND tỉnh ra đời ngày 21.10.2014 một lần nữa lại yêu cầu các chủ đầu tư tập trung xử lý các tồn tại về hồ sơ, thủ tục để hoàn ứng và sẽ xem xét trách nhiệm của từng cá nhân, tập thể liên quan. Động thái này có thể hiểu là sự kiên quyết của chính quyền, bởi tiền nhà nước đâu phải là “vỏ hến” khi những ai làm thất thoát mà không bị quy trách nhiệm? Công luận hy vọng chính quyền tỉnh thực hiện đúng như lời tuyên bố, không thể chỉ là “giơ cao, đánh khẽ” như đã từng xảy ra. Tuy nhiên, công luận quan tâm là phải làm gì để giải quyết vấn đề nợ đọng một cách căn cơ thay vì chỉ dọa “trảm” hay “phê bình”. Văn bản phải đi đôi với hành động, giải quyết vụ việc cụ thể trở thành định hướng để giải quyết các vụ việc tương tự. Mục tiêu quan trọng là chấn chỉnh bộ máy (bởi chủ đầu tư, ban quản lý dự án, không ai ngoài các sở, ban, ngành chính quyền địa phương) sao cho chạy đều, không cần đến sự can thiệp của chính quyền vào quy trình vận hành bình thường của nó. Một quy trình cụ thể để khắc phục cho bằng được nguyên nhân ấy, để không còn tái diễn tình trạng này mới gọi là cái cần và đủ để giải quyết trọn vẹn vấn đề.
TÂM CA