Nhiều nhà khoa học nhận định, bên cạnh việc là chiếc nôi tạo nên một phương ngữ đặc biệt có sức ảnh hưởng lớn đến hơn nửa nước, ngôn ngữ giọng nói người Quảng Nam chắc hẳn vẫn còn lưu giữ nhiều dấu vết của cuộc giao hòa văn hóa lớn lao. Thế nhưng, dường như chúng ta chưa thực sự hiểu biết đầy đủ về nó.
Xem truyền hình nhiều lần thấy người Quảng Nam nhọc nhằn khó khăn khi trả lời các câu hỏi của phóng viên chúng tôi vẫn cứ không nghĩ có vấn đề gì đó về diễn đạt của họ; cho đến một lần xem một phóng sự văn hóa về Hội An, cô phóng viên người Hà Nội vừa xinh đẹp vừa nói năng lưu loát hỏi một người dân sống gần giếng nước Bá Lễ về lý do chất nước hay lý do nào khác mà người Hội An ai cũng dùng nước của giếng này. Người đàn ông chỉ nói được ba cụm từ: “cao lầu; cà phê; nấu nước uống”. Và hết! Một thông tin tối thiểu vừa đủ để người kia hiểu. Rất giống như một người nước ngoài nói tiếng không phải tiếng mẹ đẻ của mình! Hình như người Quảng Nam có vấn đề về vốn từ? Sự diễn đạt khó khăn đó là do thiếu sự tiếp xúc hay do thiếu vốn từ luôn xảy ra ở khắp mọi nơi trên thế giới với bất cứ ai vì lý do nào đó đã không nói tiếng mẹ đẻ, không dùng tiếng mẹ đẻ của mình trong giao tiếp?
Hai bà già quê, một ở đồng bằng Bắc Bộ một ở khu 4 cũ (từ Nghệ An đến Thừa Thiên Huế), tức phương ngữ 2, ngồi nói chuyện với nhau tuy đôi chỗ không nghe được nhưng hoàn toàn không có chuyện không hiểu nhau. Thế nhưng thay vào đó một bà già Quảng Nam thì chắc chắn phải cần con dâu hoặc con rể “phiên dịch”. Bà già Quảng Nam nói thì số từ vựng không lạ nhưng ngữ âm thì vô cùng lạ tai với các bà Bắc Bộ. Bà già Bắc Bộ hay khu 4 nói thì bà già Quảng Nam ngơ ngác trước vốn từ bà chưa từng nghe bao giờ.
Khổng miếu (TP.Tam Kỳ) - nơi thường xuyên diễn ra các lễ hội dân gian xứ Quảng. Ảnh: HIỂN TRÍ |
Ở đây, ngoài công cụ phương ngữ, chúng tôi đề xuất phương án thử tiếp cận vấn đề ở góc độ từ vựng, không phải là ngữ âm, mà ở góc độ vốn từ của người Quảng Nam. Về vấn đề phương ngữ, trực cảm ban đầu của một người có gốc gác cha mẹ ông bà nhiều đời là người Quảng Nam chúng tôi biết hơn ai hết sự diễn đạt khó khăn của người Quảng trong giao tiếp, nhất là trong thời hiện đại này, khi mà các mối giao tiếp mở rộng ra với người vùng miền khác. Đây có thể là do thiếu vốn từ, nhất là các tính từ, trạng từ dùng để biểu đạt các sắc thái tình cảm; và cũng còn do thiếu các mẫu câu vốn luôn là những lợi thế của mọi ngôn ngữ nếu muốn diễn đạt nhanh, không phải bận tâm suy nghĩ cấu trúc câu.
Để nhận ra số lượng, vốn từ của người Quảng Nam chúng tôi chọn phương pháp trước hết tự mình, bằng kinh nghiệm của một người con Quảng Nam, có cha mẹ là người Quảng Nam, lớn lên từ miền quê Quảng Nam đến trưởng thành mới tiếp nhận phương ngữ khác; tự lên một danh sách từ vựng mà chúng tôi tin rằng người Quảng Nam ít dùng, không dùng, hoặc không biết tới; sau đó đọc nó cho hai người phụ nữ Quảng Nam (bà Trương Thị May, SN 1964, ở thôn 2 xã Đại Thạnh huyện Đại Lộc và bà Võ Thị Ba, SN 1955, ở thôn Văn Quật, xã Duy Thành, huyện Duy Xuyên) chưa hề ra khỏi tỉnh nghe với câu hỏi, từ nào mẹ, chị không hiểu nên không dùng hoặc có hiểu nhưng không dùng, những từ hiểu, thỉnh thoảng có dùng nhưng ngại dùng.
Ban đầu chúng tôi xếp bình đẳng các từ, có dùng hoặc không dùng trong vốn từ Quảng Nam nhưng càng tiếp cận chúng tôi thấy vấn đề không đơn giản. Điều này các nhà nghiên cứu ngôn ngữ chắc chắn sẽ có những xếp loại khác chính xác hơn.
Người Quảng Nam thường dùng từ Nôm, thuần Việt, từ bình dân hơn các từ có gốc Hán - Việt, từ sách vở, bác học. Ví dụ như trong từ “chỉ” thì các từ thuần Việt hoặc bình dân như sợi chỉ, ám chỉ, ba chỉ, chỉ đường, chỉ có... thường được dùng; còn các từ gốc Hán như: chỉ giáo, chỉ trích, chỉ số, chỉ định, tôn chỉ, phiếm chỉ... rất ít được dùng. Số từ gốc Hán: diễn đạt, đắc chí, đắc tội, hệ quả, chủ quan, khách quan, dĩ vãng, sĩ diện, bao dung,... các từ đôi, hai âm tiết, có chữ giao, chữ hiệp, chữ khả, chữ khái, chữ khoan, hầu như vắng mặt.
Đây mới chỉ là cái nhìn ban đầu, nếu điểm thật kỹ ra chúng tôi e có đến 1/3 từ gốc Hán - Việt, hoặc hơn nữa, đã không được người Quảng Nam sử dụng.
Có nghĩa là người bình dân Quảng Nam không thích nói chữ, tức không thích dùng từ gốc Hán, từ trong sách vở mà thích dùng các từ bình dân, thuần nôm, đơn giản, thô mộc.
Một số từ thuần Bắc Bộ như: chứ, nhỉ, nhé, thế, đấy, bảo, chả, vâng, chữa, chửa được, chết chửa, chết giẫm, chứ ạ, ạ (cuối câu như đấy ạ, bố ạ, vất vả lắm ạ, em nghĩ thế ạ... những âm ạ này gần như vô nghĩa nhưng tạo nên ngữ điệu lưu loát mà người Quảng Nam hoàn toàn không sử dụng), rách việc, phải gió, dơ lắm, gái dở đi rình của chua, mãi thôi, gọi thưa, xơi nước, vả, đẹp lòng, dạy chuyện, bắt vạ, một thể, láo (thay thế là hỗn), lấy vậy, nghe ra, nhuận sắc, đáo để, ăn vạ, đấy thôi, đánh chén, dở người, trót, bắt vạ, va vào, ngã vạ, thế thôi ạ, ăn cả, cút, bằng hết, nháo nhác, giăng gió, hãm, dở hơi, quá đáng, kín nhẽ, xinh phết, mát mặt, thế ru, dở hơi, bẩn (thay thế là nhớp nhưng không thể thay thế bẩn bằng nhớp trong bẩn thỉu, bẩn tính, keo bẩn, nhơ bẩn)... bỗ bã, lã chã, điêu; tinh tướng; hão; háo; vẽ chuyện; ra phết; đanh đá; sĩ; đáo để; đoản; nỡm ạ; khí ít, khí nhiều; hãi; hãm; kẻo nữa; khiếp, cam lòng...
Những từ nêu trên xuất hiện với tần số sử dụng khá lớn trong sinh hoạt, giao tiếp hàng ngày của người Bắc Bộ, thế nhưng người Quảng Nam không hề biết đến. Rõ ràng khi không dùng các vốn từ này, có thể là những hư từ, bổ từ, nhiều từ chỉ có âm chứ không có nghĩa thực, thì sẽ mất nhiều các sắc thái biểu cảm. Dĩ nhiên, mỗi miền sẽ có số vốn từ dạng này riêng, người Sài Gòn, Nam Bộ cũng bổ sung vào kho từ vựng của mình một số từ mang đậm âm sắc Nam Bộ (xạo, nghen, nhiêu, bi nhiêu, hết biết, hết xảy, vầy nè, vầy nha, lóng rày, sương sương, lai rai, say quắt, say quắt cần câu, say mềm môi, say mọp gáo, say chìm xuồng, say chìm xuồng biết tuốt, say tới bến, say tới chỉ, say hết biết, say nhổng phao câu, say đớ lưỡi, say tá lả, ngồi chò hỏ, ngồi chành bành, ngồi chèm bẹp, ngồi chù ụ,...) nhằm biểu cảm, góp phần tạo mẫu câu riêng của phương ngữ mình, không nhất thiết phải giống Bắc Bộ. Thế nhưng với riêng Quảng Nam số từ dạng này như thiếu hẳn, hoặc giả có thì mang đậm dấu ấn thổ ngữ, người vùng khác hoàn toàn không hiểu như: trổ trời, lơi bơi, ba nhe, ba rơi ba lia, bí rị, chun (chui), biểu, phỉnh, gồ (oai), gò gái, ở dổng (ở truồng), nói lung, xí nữa, dị òm...
HỒ TRUNG TÚ