Vốn và niềm tin doanh nghiệp

TRỊNH DŨNG 07/02/2017 08:38

Niềm tin chính là điều thực sự cần để chính quyền, cơ quan quản lý, ngân hàng và doanh nghiệp xác lập nhằm khai thông nguồn vốn hay mở rộng cửa hỗ trợ sản xuất, kinh doanh phát triển. Sự tương tác từ hai phía hiện vẫn là câu chuyện đang được bàn luận và tìm cách tháo gỡ.

Ngân hàng không đứng ngoài cuộc

Ông Nguyễn Văn Diện - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam cho hay, ngành ngân hàng đã nâng cao chất lượng cải cách hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận dịch vụ công của Ngân hàng Nhà nước và triển khai nhiều gói tín dụng ưu đãi, phù hợp với từng đối tượng doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Năm 2016, có đến 44 gói tín dụng ưu đãi cho doanh nghiệp với lãi suất thấp (phổ biến từ 4,3% đến 7%/năm), điều kiện vay vốn phù hợp với từng loại hình doanh nghiệp hay cơ cấu lại nợ, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp tiếp cận vốn vay ngân hàng. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam đã trở thành cầu nối giữa các tổ chức tín dụng với chính quyền địa phương, doanh nghiệp trong việc cung cấp các dịch vụ ngân hàng.

Sẽ tiếp tục nâng chất các cuộc gặp gỡ giữa chính quyền, doanh nghiệp và tiếp tục mở rộng kênh đối thoại, hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn từ ngân hàng. Ảnh: T.DŨNG
Sẽ tiếp tục nâng chất các cuộc gặp gỡ giữa chính quyền, doanh nghiệp và tiếp tục mở rộng kênh đối thoại, hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn từ ngân hàng. Ảnh: T.DŨNG

Thông qua các cuộc kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, tiếp doanh nghiệp định kỳ do UBND tỉnh chủ trì hay tiếp dân hàng tháng tại chi nhánh, Ngân hàng Nhà nước Quảng Nam đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại xử lý kiến nghị và trả lời doanh nghiệp hoặc làm việc trực tiếp với doanh nghiệp để xử lý. Câu chuyện rõ nhất là kiến nghị của Công ty CP Giao thương Quảng Xưa về việc hỗ trợ vay vốn để thực hiện dự án viên nén gỗ năng lượng đã từng “kêu cứu” đến trung ương đã được giải quyết. Một cuộc gặp gỡ trực tiếp đã được mở giữa doanh nghiệp, lãnh đạo văn phòng UBND tỉnh, Sở Kế hoạch - đầu tư và một số ngân hàng thương mại có quan hệ tín dụng. Các ngân hàng thương mại đã trình bày ý kiến, kết quả thẩm định dự án, tư vấn tài chính cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện dự án và tiếp cận vốn vay ngân hàng.

Câu chuyện kết nối ngân hàng - doanh nghiệp không còn là những động thái biểu diễn mà ngày càng đi vào thực chất. Kết thúc năm 2016, có 400 doanh nghiệp tham gia chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp (397 doanh nghiệp vay mới và 3 doanh nghiệp được cơ cấu lại nợ) với dư nợ 2.634 tỷ đồng, tăng 16,19% so với đầu năm. Số dư nợ của chương trình triển khai vài năm qua đã vào khoảng 6.482 tỷ đồng. Dư nợ cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ tăng dần tỷ trọng trong tổng dư nợ cho vay và đạt tốc độ tăng cao trong năm 2016. Hiện dư nợ doanh nghiệp vừa và nhỏ đạt 7.191 tỷ đồng, chiếm 16,51%/tổng dư nợ (tăng 23,24%). Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Ngoại thương Nguyễn Quang Việt - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Quảng Nam nói, giới ngân hàng đã có bước tiến dài về giảm lãi suất cho vay, các doanh nghiệp tốt hầu như không gặp khó khăn nào về tiếp cận vốn.

Tạo dựng niềm tin

Giới ngân hàng cho hay sẽ tiếp tục triển khai chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, đẩy mạnh chương trình hỗ trợ doanh nghiệp theo các nghị quyết Chính phủ. Chính quyền sẽ kiện toàn, mở rộng kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp tạo dựng được niềm tin thì ngân hàng sẵn sàng cho vay (kể cả tín chấp). Thực tế đã có không ít doanh nghiệp được nhận vốn giá rẻ từ phía ngân hàng thấp hơn mặt bằng lãi suất hiện hành bởi uy tín kinh doanh... Tất cả thông tin này đã được thương giới đón nhận và tự soi mình để có thể lấy lại niềm tin từ chính quyền và ngân hàng. Họ hiểu, đó cũng chính là nguồn vốn nội tại doanh nghiệp. Song, ngược lại, thương giới cũng hy vọng sẽ nhận được sự tương tác cụ thể, rõ ràng từ những chính sách, cơ chế thay đổi.

“Một cửa liên thông”, tiếp doanh nghiệp định kỳ, Cổng thông tin hỗ trợ doanh nghiệp tiếp tục sứ mệnh “lịch sử” mang lại thiện cảm cho thương giới, gia tăng chất lượng cải thiện môi trường đầu tư. Một câu chuyện khác được nhắc tới nhiều nhất trong các cuộc gặp gỡ, trò chuyện của thương giới chính là 3 cuộc cà phê doanh nhân đã được mở. Những người tổ chức cho rằng những cuộc cà phê này không có kết luận, không phải để giải quyết cụ thể từng chuyện doanh nghiệp mà chính quyền, cơ quan quản lý và giới ngân hàng ghi nhận để có hướng ban hành các chính sách thích hợp hay bơm vốn, mở đường cho doanh nghiệp phát triển. Doanh nghiệp không nghĩ vậy. Những điều không được nói tại các cuộc tiếp định kỳ hàng tháng hay không gửi đến chính quyền, cơ quan quản lý theo Cổng thông tin điện tử hỗ trợ doanh nghiệp… vì nhiều lẽ, lại được nêu lên ở các cuộc cà phê này không chỉ là “mua vui” mà chính là “nỗi lòng thầm kín” của doanh nghiệp. “Nỗi ưu tư” này cũng rất cần được giải quyết như chính những ý kiến nêu ở các kênh chính thống khác.

Thực tế, Trung tâm Hành chính công và xúc tiến đầu tư tỉnh thừa nhận còn không ít kiến nghị, khó khăn chính đáng của doanh nghiệp vẫn chưa được cơ sở hay các cơ quan quản lý quan tâm giải quyết triệt để. Nói một cách dễ hiểu rằng, doanh nghiệp mong muốn nhất là chất lượng những câu trả lời, sự kết hợp giữa các cơ quan công quyền trong việc giải quyết các ý kiến đúng luật của doanh nghiệp hơn là những kết luận chung chung. Nếu không có sự đánh giá về hậu những cuộc đối thoại, không chỉ trên kênh chính thống mà ngay cả những cuộc trà dư tửu hậu như thế này cũng cần giải quyết cụ thể. Cho đến giờ cũng chưa có báo cáo cụ thể nào những ý kiến về bình đẳng đầu tư, quy hoạch, giảm bớt phiền hà về thủ tục đầu tư, hành chính, thiếu quy hoạch vùng nguyên liệu, hỗ trợ tiếp cận đất đai, cung cấp lao động… ghi nhận từ các cuộc cà phê này đã được giải quyết tới đâu trên thực tế. Nếu chỉ để lắng nghe, nghiên cứu hay để cho biết “tâm tư, nguyện vọng” của doanh nghiệp mà không có cách giải quyết, đáp ứng đúng mức yêu cầu của doanh nghiệp… thì nguy cơ dẫn đến thiếu niềm tin vào hiệu lực chính quyền, cơ quan quản lý. Một môi trường đầu tư lập lờ sẽ không khuyến khích được thành phần kinh tế chủ chốt này cho sự phát triển Quảng Nam. Nếu không tạo dựng được niềm tin, không thay đổi quan niệm hợp tác giữa hai phía thì những sáng kiến vẫn chỉ mang tính hình thức lấy điểm nhất thời và sẽ chẳng mang lại kết quả cải thiện bao nhiêu.

TRỊNH DŨNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Vốn và niềm tin doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO