Đời sống con người như cuốn vào những vòng quay tít mù của nhu cầu, khát khao, mơ ước. Và, lạ lùng thay, lịch sử có những vòng quay lặp lại.
Tối thiểu như cái chuyện ăn uống. Người ta đã sáng tạo, chế biến ra biết bao thức quà để thỏa mãn cái dạ dày. Từ bữa cơm chủ yếu là gạo mắm, khoai củ, tiến tới bánh mì, sâm banh, sữa bò, thịt quay...; từ thuần Việt tới Tàu, Tây như muốn nâng dần “đẳng cấp” về sự hiện đại, văn minh. Nhưng “đi xa về hóa chậm”, rượu Tây gây “nóng trong người” nên lại thèm chai rượu gạo ủ men theo lối truyền thống và nút cùi bắp hồi xưa. Ăn thịt nhờn quá, lại thèm bữa cơm rau mộc mạc. Các thứ ngày xưa thường ớn như khoai lang Trà Đõa, rau dớn, rau sam... giờ trở lại với ngôi vị “đặc sản”. Thầy thuốc khuyên ăn nhiều rau quả, thậm chí chỉ dùng gạo lức muối mè mà phòng được nhiều bệnh. Hóa ra, những kẻ mang căn bệnh thời đại béo phì chỉ cần dùng lại như thực đơn của ông bà ta khi xưa, kham khổ vậy mà lại thọ.
Đến cái chuyện chơi. Đi chơi hội từ xưa đã có. Và nhiều lễ hội gắn liền với tín ngưỡng thờ cúng. Vậy nhưng có quãng thời gian người ta theo thuyết vô thần, chủ trương đập phá miếu đền, cho rằng đó là tàn tích phong kiến lạc hậu, mê tín, dị đoan. Oái ăm thay, đập xong thì lại tới hồi phục dựng, quy mô to hơn cái cũ và lễ hội còn rầm rộ hơn (cả trò đồng bóng cũng tái hiện, đến nỗi chả biết đâu là niềm tin đích thực). Nghệ thuật cũng hâm nóng với bả trạo, sắc bùa, bài chòi, ca trù, ví giặm... Trong giới âm nhạc còn chứng kiến sự trở lại của “nhạc vàng qua thời lửa đỏ”, sự sống dậy của bolero với những bản tình ca từ 60 năm trước...
Phương tiện sinh hoạt liên tục cách tân, mỗi ngày mỗi mới. Nhưng gần đây có trào lưu quay về với những phương tiện đi lại thời cũ kỹ. Vài năm trước báo chí ồn ã lên vì ông Nguyễn Sự - Bí thư Thành ủy Hội An, chủ trương quy định cán bộ đi làm bằng xe đạp. Gần tròn hai năm từ ngày thực hiện (25.3.2014) đến nay, chủ trương ấy hiệu quả ra sao chưa thấy báo chí điểm lại, nhưng chắc vẫn khẳng định đó là ý tưởng không tồi. Vì rằng, ngay giờ đây, bên Tây cũng có nơi khuyến cáo người dân đi lại bằng phương tiện thô sơ, không xả khói ô nhiễm. Thậm chí ở thành phố Milan (Ý) người ta hỗ trợ tiền cho người đi làm bằng xe đạp. Báo chí cũng loan tin, ở Anh phục hồi tàu hỏa chạy bằng hơi nước; một số nước khác thì có những cải tiến nhà ở, phương tiện đi lại bằng chất liệu xanh. Ôi, lạ thay, ta đã cố gắng lên ở nhà lầu đúc bê tông, đi xe hơi, giờ lại muốn quay về cảnh xưa tranh tre nứa lá, đi xe đạp hay sao? Mà muốn được thế, không hề dễ.
Một vòng quay rõ nhất trong câu chuyện làm ăn là việc canh tác đất đai. Một thời, để xây dựng kinh tế hợp tác xã, ta phát động làm nên những cánh đồng lớn, đưa máy cày Liên Xô vào đồng ruộng. Lúc ấy, cổ động thật lạc quan dữ dội, rằng “chúng ta đi từ thung lũng đau thương tới cánh đồng vui”. Nhưng sau đó làm ăn chẳng ra gì, nên khoán hộ và chia nhỏ mảnh ruộng ấy ra. Đến bây giờ, lại dồn điền đổi thửa, làm “cánh đồng mẫu lớn”. Hình thức đám ruộng không khác cách đây mấy chục năm, chỉ mong lần này giải quyết hiệu quả căn cốt từ phương thức sản xuất chứ vòng quay từ nhỏ đến to đâu là sự lặp lại bất ngờ.
Phủ định cái cũ, cái lạc hậu để phát triển lên tầm cao mới. Có nhiều thứ theo quy luật vận động như vậy nhưng cũng không ngoại trừ có điều quay lại theo hướng thụt lùi. Tỷ như những thói xấu, mê tín, đồng bóng cứ chực chờ tái hiện vòng quay trong cõi nhân sinh (hay như vòng quay tham nhũng chưa bao giờ ngừng tái diễn).
“Trong khi ta về lại nhớ ta đi” với “đường chạy vòng quanh” khi cực dương sinh âm, cực âm sinh dương. Ngẫm ra sự đời thường “thái quá bất cập”, nên giữ thế quân bình giữa con người với tự nhiên, giữa tinh thần và vật chất, giữa hiện thực và khát vọng...
NGUYỄN ĐIỆN NAM