Sau khi Báo Quảng Nam số ra ngày 21.8.2020 đăng bài: “Vụ gia cố thân đập chứa quặng đuôi thải ở mỏ vàng Đăk Sa (Phước Sơn): Cần đánh giá, thẩm định công trình”, cuối tuần qua, đoàn công tác của UBND tỉnh do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quảng Bửu dẫn đầu đã kiểm tra thực địa và có những chỉ đạo liên quan đến biện pháp bảo vệ môi trường tại một số công ty khai khoáng trên địa bàn huyện Phước Sơn.
Cần thiết gia cố nhưng chưa thẩm định hồ sơ
Tại khu vực nhà máy vàng Đắk Sa của Công ty TNHH Vàng Phước Sơn (thuộc xã Phước Đức, Phước Sơn), đoàn công tác đã vào hầm lò để tìm hiểu quy trình khai thác, chế biến quặng, kiểm tra an toàn lao động, hoạt động của mỏ; quan sát thực địa hiện trường gia cố thân đập chứa quặng đuôi thải ở mỏ vàng Đăk Sa, sau khi báo chí phản ánh.
Phía Công ty TNHH Vàng Phước Sơn giải thích, sau 5 năm dừng hoạt động (từ tháng 7.2014 đến tháng 8.2019), công tác bảo trì hồ đập không được quan tâm nên cả thân đập lẫn mặt đập có nguy cơ xuống cấp. Vì vậy, để đảm bảo an toàn hệ thống xử lý chất thải của nhà máy trong mùa mưa bão sắp đến, việc gia cố hồ đập là rất cần thiết và cấp bách. Tại buổi làm việc, công ty đề xuất UBND tỉnh quan tâm, xem xét và có ý kiến với Bộ TN&MT cho phép đơn vị thăm dò, mở rộng diện tích 21,88ha; xin cấp phép khai thác đối với 113.466 tấn quặng vàng đã được phê duyệt trữ lượng nhưng chưa huy động vào khai thác.
Báo cáo của Sở TN&MT thể hiện: Năm 2016, sở đã đồng ý cho công ty gia cố bờ đập tại hồ số 1 nhưng công ty gặp khó khăn dừng hoạt động và chưa triển khai thực hiện việc gia cố. Qua 5 năm “đắp chiếu”, hệ thống hồ thải của công ty không được bảo trì bảo dưỡng nên một số bờ đập của các hồ bị nước mưa gây sạt lở cả thân đập lẫn mặt đập.
Phó Giám đốc Sở TN&MT Lê Thị Tuyết Hạnh nói: “Trong quá trình thẩm định hồ sơ xin xả nước thải vào nguồn nước, Cục Quản lý Tài nguyên nước thuộc Bộ TN&MT yêu cầu công ty khắc phục việc thấm nước qua thân đập, gia cố đập của hồ thải số 1 để đảm bảo an toàn. Theo giấy phép xả thải thì việc xả thải nước từ hồ số 1 phải được thực hiện chủ động, không được sử dụng mương xả tràn trong trường hợp khẩn cấp như trước đây. Do đó, để đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão sắp đến cho hệ thống xử lý nước thải của nhà máy, công ty đã tiến hành gia cố bờ đập tại hồ số 1 là cần thiết và cấp bách”.
Tuy nhiên, theo Sở TN&MT, thực hiện việc nâng cao trình hồ số 1 và lấp đập xả tràn chung nhưng công ty chưa báo cáo Bộ TN&MT - là cơ quan phê duyệt, thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án. Thêm nữa, hồ sơ thiết kế chưa được cơ quan có thẩm quyền xem xét, thẩm định; công ty chưa có giải pháp tách dòng nước mưa chảy tràn từ trên núi xuống hồ số 1.
Đảm bảo an toàn tuyệt đối cho hạ du
Lãnh đạo UBND tỉnh yêu cầu Công ty TNHH Vàng Phước Sơn phải chấp hành đầy đủ quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; nhất là việc xây dựng, gia cố hồ chứa thải phải đảm bảo về quy trình, thủ tục và được giám sát chặt chẽ của các cơ quan chức năng, nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho vùng hạ du.
Về biện pháp khắc phục, Sở TN&MT yêu cầu Công ty TNHH Vàng Phước Sơn khẩn trương rà soát hồ sơ báo cáo đánh giá tác động môi trường. Đặc biệt quy trình xử lý nước thải của dự án, việc lấp đập xả tràn, nâng cao trình hồ số 1 và cải tạo hồ tuần hoàn, hồ 2A, 2B báo cáo Bộ TN&MT để được hướng dẫn thực hiện. Đập xả tràn hiện đã lấp, nên để đảm bảo an toàn cho công trình xử lý nước thải trong mùa mưa bão sắp đến, công ty phải tính toán lại lượng mưa để bố trí máy bơm và điện dự phòng cho đảm bảo; đồng thời khẩn trương làm ngay các rãnh thoát nước mưa nhằm cắt dòng không cho nước mưa chảy tràn vào hồ số 1.
“Công ty khẩn trương hoàn thành trạm quan trắc online tự động đối với nước thải theo đúng yêu cầu của Giấy phép xả nước thải vào nguồn thải (số 107, ngày 15.6.2020 của Bộ TN&MT cấp), cũng như cam kết của công ty. Tiếp tục thực hiện đầy đủ các biện pháp bảo vệ môi trường theo hồ sơ báo cáo đánh giá tác động môi trường được duyệt” - bà Hạnh lưu ý.
Tăng cường tần suất giám sát các nhà máy khai thác vàng
Trong chuyến thực địa, ngoài kiểm tra ở nhà máy vàng Phước Sơn, đoàn công tác của UBND tỉnh còn đến hiện trường khai thác tại bãi vàng khe 39 (xã Phước Hòa, Phước Sơn) do Công ty Khai thác vàng Phước Hưng làm chủ đầu tư. Có 3 vị trí khai thác vàng khác nhau của công ty này đặt lọt thỏm giữa rừng tự nhiên. Tại thời điểm kiểm tra, có một điểm khai thác vàng đang hoạt động. Trước đó, vào tháng 10.2019, UBND tỉnh đã ra quyết định xử phạt hành chính 70 triệu đồng đối với Công ty Khai thác vàng Phước Hưng do sai phạm liên quan đến báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu cho biết, sau đợt công tác này, chính quyền tỉnh sẽ có chỉ đạo đối với các ngành và địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động khai khoáng trên địa bàn. Nếu phát hiện công ty nào mới được cấp phép thăm dò nhưng có hoạt động khai thác lén lút thì yêu cầu dừng ngay, chính quyền sẽ không cấp phép cho công ty đó hoạt động. Định kỳ 3 tháng, các ngành chức năng tổ chức giám sát môi trường tại doanh nghiệp khai thác vàng một lần. Tại những mỏ vàng sẽ tiến hành quan trắc thời gian thực hiện cụ thể về lượng nước và xả thải ra môi trường đúng với quy định của pháp luật.
“Trên các dòng sông, suối gần vị trí hoạt động của nhà máy vàng sẽ xây dựng các điểm quan trắc tự động. Sắp tới, nếu doanh nghiệp nào bị phạt vì vi phạm môi trường hơn hai lần thì sẽ chấm dứt, không cho phép khai thác. Còn doanh nghiệp nào do Bộ TN&MT cấp phép hoạt động ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường thì UBND tỉnh đề nghị Bộ TN&MT có hình thức chấm dứt hoạt động” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu khẳng định. (TRẦN TRẦN)