Trong những năm chống Mỹ, ở Tam Kỳ đã xuất hiện nhiều tờ báo hợp pháp do thanh niên, sinh viên, học sinh và giới trí thức thực hiện. Đây là “vũ khí” hữu hiệu, mang tính quần chúng sâu rộng, cùng chung lý tưởng đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ, dân quyền và đấu tranh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Tờ báo Nghị lực số ra ngày 12.10.1964. Ảnh: Đ.NGỌC |
Trước năm 1975, ở Tam Kỳ, ngoài Trường Trung học Trần Cao Vân (lớn nhất tỉnh) còn có Trường Nữ Trung học Quảng Tín, Trường Bán công Nguyễn Dục và một số trường trung học tư thục khác như Đức Trí, Bồ Đề, Hưng Đạo... Học sinh các trường này phần đông ở khu vực nông thôn, vùng ven Tam Kỳ, gia đình có truyền thống cách mạng. Năm 1963, chính quyền Ngô Đình Diệm đàn áp Phật giáo ở Huế làm dấy lên cuộc đấu tranh sôi sục của tín đồ Phật giáo và sinh viên, học sinh trong cả nước nói chung, ở Tam Kỳ nói riêng. Ngoài đấu tranh bằng hình thức tham gia các đoàn biểu tình, rải truyền đơn, đốt xe cảnh sát, treo khẩu hiệu phản đối chính sách phân biệt tôn giáo của chế độ độc tài Ngô Đình Diệm, học sinh và giới trí thức của Tam Kỳ, mà nòng cốt là học sinh Trường Trung học Trần Cao Vân, đã lập nên tờ báo hợp pháp Đứng đầu sóng, nội dung tập trung tuyên truyền tinh thần yêu nước, phản đối chế độ hà khắc, độc tài,... được bạn đọc đón nhận.
Lúc này Hội Liên hiệp thanh niên, học sinh, sinh viên giải phóng Quảng Nam tại Tam Kỳ (trực thuộc Hội Liên hiệp thanh niên, học sinh, sinh viên giải phóng khu Trung Trung Bộ) được thành lập do ông Nguyễn Văn Sơn (Sơn Hải), cán bộ chủ chốt trong Ban Chấp hành hội ở Đà Nẵng vào xây dựng. Đồng thời lập nên Báo Hướng quê và cũng tại đây đã lập ra nhóm “Thất tinh” gồm 7 người do ông Đào Ngọc Diêu - Chủ biên Báo Hướng quê làm nhóm trưởng. Nhiều thành viên trong nhóm là con em gia đình có “máu mặt” nên “bảo kê” để nhóm dễ đi vào các trường học, khu dân cư, gia đình ngụy quân, ngụy quyền nắm bắt tình hình, tư tưởng tiến bộ của thanh niên và học sinh. Giữa năm 1965, Theo đề nghị của Thị ủy Tam Kỳ “Hội Liên hiệp thanh niên, học sinh, sinh viên giải phóng Quảng Nam tại Tam Kỳ” được đổi tên thành “Hội học sinh giải phóng Tam Kỳ” do Thị ủy Tam Kỳ trực tiếp quản lý. Trong thời gian này hội làm việc tại nhà mẹ Nguyễn Thị Giáo, ở phường 3 (nay là xã Tam Ngọc), do ông Đỗ Hùng Luân làm Chủ tịch, ông Nguyễn Nhung làm Phó Chủ tịch, và các ông Nguyễn Đình Sơn - Ủy viên phụ trách liên lạc, Nguyễn Vinh - Ủy viên phụ trách tuyên truyền, Đào Ngọc Diêu - Ủy viên phụ trách báo chí. “Tại căn gác xép ở nhà mẹ Giáo, chiếc máy đánh chữ không lúc nào ngơi nghỉ, luân phiên soạn thảo tin, bài kịp thời xuất bản tập báo đầu tiên mang tên Mầm non gây tiếng vang trong quần chúng nhân dân. Nhưng xét thấy cái tên của tờ báo không phù hợp với giai đoạn lịch sử nên hội quyết định đổi tên thành Quyết thắng. Hội xuất bản được nhiều số báo Quyết thắng tiếp theo có hiệu ứng rất lớn nhưng do cơ sở bị lộ, những người phụ trách bị địch bắt đưa đi giam trong nhiều nhà tù khác nhau ở miền Nam, công tác xuất bản bị gián đoạn” - ông Đào Ngọc Diêu, hiện là Chủ tịch Hội Tù yêu nước TP.Tam Kỳ, bồi hồi nhớ lại.
Ngoài ra, ở Tam Kỳ lúc bấy giờ còn có nhiều tờ báo phục vụ kháng chiến có hiệu ứng cao như Chuyển hướng của học sinh, sinh viên; Hoa đàm của Phật giáo, Lập trường do lực lượng thanh niên, sinh viên, học sinh toàn quốc xuất bản và được lưu hành trên địa bàn Tam Kỳ... đã gây tiếng vang rất lớn. Đặc biệt là tờ Nghị lực - tiếng nói chính thức của lực lượng học sinh, sinh viên đấu tranh Quảng Tín. Tờ báo này được in với 2 màu mực chủ đạo là đỏ và đen, 8 trang, nội dung tập trung tuyên truyền tinh thần yêu nước, truyền thống cách mạng của nhân dân ta; đồng thời mạnh dạn vạch trần tội ác của quân xâm lược và bọn tay sai. Những cái tít và nội dung bài viết ngắn gọn, gần gũi, thực tế và súc tích làm cho người đọc dễ nhớ, khó quên. Vào những ngày trung tuần tháng 10.1964 nhân sự việc mâm hội đồng thị xã thay đại biểu La Văn Ngọc, một người yêu nước được nhân dân thị xã Tam Kỳ tín nhiệm bầu vào Hội đồng bằng ông Vũ Khắc Trạch, một người xa lạ, nhân dân chưa được biết. Trước sự việc đó, tác giả Dân Đen đã viết bài phản đối với nhan đề “Dân chủ chỗ mô?” đăng trên báo Nghị lực số ra ngày 12.10.1964. Bài báo có đoạn: “Đây là một thái độ coi rẻ, chà đạp lên danh dự của người dân, mà trong quốc gia gọi là dân chủ, không thể nào có được. Cái danh dự của một người được cầm lá phiếu để chọn người đại diện cho mình. Lịch sử đấu tranh của nhân loại đã tốn biết bao nhiêu xương máu để đòi cho kỳ được cái danh dự ấy về cho mỗi người dân. Thế mà trong cái thị xã Tam Kỳ này và cũng là một thực trạng bi đát mà người dân có thể tìm thấy ở bất cứ xã, thôn nào. Cái vinh dự ấy, cái quyền thiêng liêng ấy đã bị chính quyền trắng trợn cướp đoạt... Làm như vậy có phải chính quyền địa phương đã coi rẻ nhân dân không? Bao nhiêu bài học vẫn còn sờ sờ đó! Chưa đủ cho nhà cầm quyền thấy rằng ý Dân là ý Trời hay sao?”.
Báo chí tranh đấu của thanh niên, học sinh, sinh viên và giới trí thức vừa có chiều sâu vừa mang diện rộng. Phong trào đã quy tụ được nhiều thành phần: lao động, sinh viên, học sinh, nhân sĩ, trí thức, tín đồ các tôn giáo, quân nhân phản chiến... Khẩu hiệu tranh đấu từng lúc, từng nơi có khác nhau nhưng có chung nội dung đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ, mà đỉnh điểm là chống Mỹ xâm lược, đòi hòa bình và độc lập cho đất nước. “Những người làm công tác báo chí có một thiên chức và mang trọng trách rất lớn, vừa là nhà văn hóa, vừa là nhà tư tưởng. Dù công việc viết báo tranh đấu rất nguy hiểm nhưng họ đã mạnh dạn bảo vệ sự công bằng và lẽ phải, vượt qua những trở lực to lớn để chiến thắng” - ông Đào Ngọc Diêu chia sẻ.
NGUYỄN ĐIỆN NGỌC