1.Không giàu có, nếu không muốn nói là chưa dư dả gì, nhưng nhiều người đã biết cho đi, biết sẻ chia với hoàn cảnh khốn khó hơn mình. Có gì giúp nấy trong khả năng có thể hoặc kết nối kêu gọi sự giúp đỡ của cộng đồng. Ngoài việc “săn tìm” các hoàn cảnh khó khăn, kêu gọi, kết nối tấm lòng của các nhà hảo tâm để giúp đỡ, bạn Nguyễn Thành Giang ở Trường Xuân (TP.Tam Kỳ) còn có những cách giúp đỡ khác. Ví như khi thấy hoàn cảnh khó khăn của anh Hoàng Thanh Thu (SN 1980, bị bại liệt sau một cơn sốt lúc còn nhỏ) ở phường Tân Thạnh (Tam Kỳ), Giang nghĩ, nếu giúp đỡ tiền, thì có thể chỉ giúp anh vượt qua khó khăn trước mắt, trong khi cái mà anh Thu cần là một sinh kế lâu dài. Vậy là Giang kêu gọi các nhà hảo tâm mua tặng anh Thu một máy làm hương thủ công và hướng dẫn anh làm. Vì tật nguyền nên việc làm hương của anh Thu khá khó khăn, sản phẩm làm ra cũng không nhiều. Giang tiếp tục kêu gọi để hỗ trợ anh Thu một máy làm hương tự động. Sản phẩm anh Thu làm ra, Giang mang đi bán giúp. Bây giờ, nếu biết chi tiêu tiết kiệm, anh Thu đã có thể tự nuôi sống được bản thân.
2.Nhiều người không có thói quen mua vé số, cũng như ít khi mua hàng rong, nên khi được những người tàn tật, người già, trẻ em mời mua hàng,... thì cảm thấy khó xử, thậm chí là khó chịu. Nếu mình không mua, thì không thể giúp được họ. Mà mua vé số, không dò, mua hàng rong, không dùng, cũng phí. Một hôm, có cháu bé ở biển Tam Thanh (Tam Kỳ) mời mua đậu phụng và trứng cút, mà tôi lại không có nhu cầu. Mua về dùng làm sao cho hết bèn gọi cháu lại hỏi thăm hoàn cảnh rồi cho cháu vài chục ngàn đồng. Cháu kiên quyết không nhận, bảo: “Cháu đi bán chứ không phải đi xin”. Lòng tự trọng của cháu bé khiến tôi chột dạ và cảm thấy xấu hổ. Nhiều người bạn của tôi cũng hay giúp những người bán vé số kiểu này và cũng bị từ chối. Thế mới biết, giúp người đúng cách không phải là chuyện dễ.
3.Có một hiện tượng ít ai ngờ nhưng thỉnh thoảng lại xảy ra, đấy là giả danh từ thiện để lừa người khó khăn. Để tiện việc liên hệ hỗ trợ, mục địa chỉ từ thiện trên Báo Quảng Nam thường đăng kèm số điện thoại của người cần giúp đỡ. Từ đây, một số đối tượng lợi dụng lòng tin của những người có hoàn cảnh khó khăn để lừa đảo. Sau khi Báo Quảng Nam số thứ Sáu ra ngày 19.8 vừa qua đăng hoàn cảnh khó khăn của gia đình chị P. ở phường Hòa Thuận (TP.Tam Kỳ), một đối tượng gọi điện cho chị P. thông báo: Có một nhà hảo tâm hỗ trợ số tiền lớn để chị P. điều trị bệnh cho chồng và đề nghị chị mua thẻ cào trị giá 500 nghìn đồng để chuyển cho đối tượng để làm thủ tục nhận tiền. Không có tiền và cũng có phần nghi ngờ, chị P. báo cho người nhà và thủ đoạn lừa của đối tượng này đã được bóc mẽ.
Làm từ thiện là việc tốt. Mà chung quanh chuyện này cũng có mặt trái, mặt phải. Chỉ mong rằng, ai cũng có thể làm từ thiện, bằng cái tâm trong sáng và niềm cảm thông thật sự...
CHÂU NỮ