Trải qua 20 năm với biết bao biến động trong dòng phim truyền hình Việt vốn không được đánh giá cao ở nhiều yếu tố, nhưng có thể nói, bộ môn nghệ thuật thứ bảy này vẫn luôn là món ăn tinh thần không thể thiếu của khán giả Việt Nam.
Poster phim Người phán xử. |
Nhìn lại một thời
Những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ 20, cơn sốt phim truyền hình Hàn Quốc bỗng dưng nở rộ tại Việt Nam với những bộ phim như: Mối tình đầu, Giày thủy tinh, Nấc thang lên thiên đường… đình đám một thời. Dường như việc xem phim truyền hình khi ấy phần lớn theo kiểu... làng xóm. Lý do chính cũng bởi đất nước vừa thoát khỏi thời kỳ bao cấp, người dân còn nghèo khó nên không phải nhà nào cũng có điều kiện để sắm một cái tivi. Những gia đình thuộc dạng “có điều kiện” thì sang nhất cũng chỉ là tivi trắng đen khoảng 14, 16 inch, cả thôn họa may được một hoặc hai cái là cùng. Mà nếu muốn xem tivi thì như rằng cả gia đình phải ăn cơm từ sớm để “tranh thủ” dắt bộ tới nhà nào có tivi, tụ tập trong khoảnh sân, tránh việc chen lấn chỗ ngồi. Rồi thì phải có một người “tình nguyện” đứng vắt vẻo trên mái ngói hoặc cây sào để cân chỉnh ăng-ten cho bà con cùng xem. Đấy là chưa nói đến những lúc phim đang tới đoạn cao trào thì tivi nhiễu sóng, màn hình bắt đầu xuất hiện những “hạt mè” mà hạt nào cũng to như hạt bắp. Khổ lắm, nhưng mà vui! Chỉ với vài kênh truyền hình ít ỏi và thời lượng phát sóng rất hạn chế, nhưng cứ đến giờ có chương trình hay là ai nấy cũng háo hức, rạo rực đón xem.
Những bộ phim Việt nổi đình nổi đám mà bất kỳ ai đã từng đi qua thời đó, tôi tin là đều có thể thuộc nằm lòng. Điển hình là những bộ phim như Vị đắng tình yêu, Những ngọn nến trong đêm, Phía trước là bầu trời, Đồng tiền xương máu, Giã từ dĩ vãng… đã khiến không ít trái tim của hàng triệu khán giả thổn thức và bồi hồi mỗi khi nhớ về. Ngày đó mọi người vừa xem vừa bàn luận sôi nổi về các diễn viên trong phim, nào là chuyện tình cảm lâm ly bi đát đến những bối cảnh xã hội hiện thực đương thời, còn lũ trẻ chúng tôi nghe cứ như vịt nghe sấm nhưng hễ thấy mọi người cười hay khóc là bọn tôi cũng khóc cười theo… Khoảng từ năm 2006 trở đi, nhiều bộ phim nổi lên như một hiện tượng và gây nên những tiếng vang lớn cho nền điện ảnh nước nhà như Bỗng dưng muốn khóc, Mùi ngò gai, Cầu vồng tình yêu… Những bộ phim này thường đi theo một mô típ chung kiểu “ở hiền gặp lành, ác giả ác báo” với kết thúc luôn dễ dàng đoán biết khi chỉ vừa xem tới chừng nửa bộ phim. Nhưng ở thời điểm ấy, với những gì mà các nhà làm phim cống hiến cộng với chẳng có nhiều chương trình giải trí, gameshow nào cả, phim truyền hình nghiễm nhiên trở thành “bá chủ” với mọi gia đình.
Poster phim Sống chung với mẹ chồng. |
Phim Việt phải tự làm mới mình
Sau khoảng mười năm thành công vang dội mà phim truyền hình Việt gặt hái được trong lòng khán giả thì có một khoảng thời gian gần như nhắc đến phim Việt là người ta lại nghĩ ngay đến những từ ngữ như “thoái trào” hay “nhạt nhẽo”. Có thể nói, một phần do sự ra đời của truyền hình kỹ thuật số làm số lượng kênh tivi phát triển với nhiều lựa chọn phong phú, hấp dẫn hơn làm cho khán giả không còn “vịn” vào duy nhất dòng phim truyền hình. Thêm vào đó là những gameshows xuất hiện ồ ạt, tấn công và lấn lướt khiến phim Việt từng bước bị mất đi thị phần khán giả vốn có. Nhưng nguyên nhân chính dẫn đến sự tụt dốc của phim truyền hình Việt, có lẽ đến từ chính phim Việt: kịch bản nhàm chán, chủ yếu xoay quanh vấn đề về gia đình, hôn nhân; mạch phim thiếu sự liên kết chặt chẽ; nội dung phi lý, không có tính thuyết phục; lời thoại sáo rỗng… Có một sự bất cập là các nhà sản xuất, làm phim thay vì lựa chọn những diễn viên có thực lực thì lại “chọn mặt gửi vàng” cho những ca sĩ, người mẫu để thu hút khách, rồi thì những cảnh phim 18+ xuất hiện nhiều hơn để câu khách nhưng kết quả mang đến sự “tẩy chay” của người xem.
Thật ra, khán giả Việt vốn không hề quay lưng lại với phim Việt mà chỉ những bộ phim kém chất lượng mới bị đào thải một cách nhanh chóng. Tôi luôn cho rằng, khi đất nước ngày càng hội nhập, lớp đạo diễn trẻ với những tư duy “dám nghĩ dám làm” ngày một nhiều thì hẳn sẽ không bao giờ thiếu đề tài để khai thác. Chẳng hạn như Người phán xử và Sống chung với mẹ chồng là hai minh chứng dễ thấy nhất. Cũng là đi sâu vào các mối quan hệ tình cảm trong gia đình, mẹ chồng – nàng dâu; hình sự, tội phạm nhưng tính chân thực, gần gũi với thực tế chính là điểm cộng để khán giả cuốn theo từng nhân vật trong phim. Bỏ qua những hạn chế và bất cập của điện ảnh Việt, thiết nghĩ, không ít người vẫn tâm huyết với phim truyền hình Việt. Ở một góc độ nào đó, chính sự khắt khe, nhìn nhận đa chiều từ phía khán giả là động lực để các nhà làm phim cố gắng hơn nữa. Và rõ ràng, với nhu cầu giải trí đang ngày một đa dạng, phim Việt bắt buộc phải tự thay đổi thì mới có thể thích nghi, phát triển.
HẠNH NGUYÊN TRANG