Vui... tết Sài Gòn

VÕ VĂN TRƯỜNG 21/02/2018 10:01

Tết về quê, chạy “tốc hành” đi thăm bà con họ hàng, mừng tuổi ông bà. Gọi là “tốc hành” bởi thời gian có ít, rứa mà trúng chỗ không đành dứt áo ra về. Ông anh con bà cô có đứa con trai làm tận Sài Gòn mấy năm mới về, lại dẫn thêm vợ con. “Cậu uống với con một ly… mấy khi gặp nhau”. Vợ là gái Huế. Bất ngờ con bé bá cổ ba, xổ cả tràng bằng giọng Sài Gòn thứ thiệt, “Phú Vang chứ răng là Huế, cách Huế cả mấy chục cây lận…” - con bé huyên thiên cải chính với ba, khiến tôi nghĩ, giọng này mới nguyên chất Sài Gòn, chứ mấy đứa đi Sài Gòn dăm hôm về cũng học đòi đổi giọng nghe nó thế nào ấy. Cắt ngang dòng suy nghĩ của tôi, người bạn đồng nghiệp gọi điện thoại cho hay, có người bạn vừa gửi tặng giai phẩm tết của Báo Phụ nữ TP.Hồ Chí Minh. Vui là còn kịp thưởng thức báo tết trong dịp tết. Vui là báo tết năm nay “đậm đặc” những câu chuyện về vùng đất Sài Gòn. Thôi thì vui tết Sài Gòn theo báo tết, từ bài báo “Tiếng gà gáy trên đại lộ Nguyễn Huệ” của Lê Trung Việt đến “Hẹn với Sài Gòn” của Hồng Phương, “Có một phong cách Sài Gòn” của Trần Trọng Thức, “Những Sài Gòn trong Sài Gòn” của Thiên Di, “ Mẹ, chợ - 20 năm dòng chảy Sài Gòn”, của Thanh Thanh, đến “Phong vị đàn bà” của Hạnh Dung, “Từ em, tôi lại sinh ra” của Lê Minh Quốc…

Báo tết viết về Huế, Sài Gòn. Ảnh: VĂN TRƯỜNG
Báo tết viết về Huế, Sài Gòn. Ảnh: VĂN TRƯỜNG

Lại chuyện về “gót hồng”, khi ở Huế tôi chỉ biết có trường nữ sinh Đồng Khánh sau đổi thành Hai bà Trưng rồi trường Quốc Học. Nơi đây là câu chuyện dài, gót hồng “dạ thưa xứ Huế”, có biết đâu Sài Gòn cũng có “Trai Pétrus Ký, gái Gia Long”. Đó là thời một Sài Gòn trẻ trung thơ mộng giữa hai trời cách biệt. Trường nam sinh Pétrus Ký, bây giờ là trường Lê Hồng Phong và trường nữ sinh Gia Long - tiền thân trường Nguyễn Thị Minh Khai. Đến bây giờ hễ còn một cô gái “Sài Gòn quá” người ta lại khen ngợi bằng cách so sánh với nữ sinh Gia Long xưa, cách đây gần 60 năm. Nói Sài Gòn nhan sắc không ai cãi nhưng có người lại nói Sài Gòn không bản sắc. Thử hỏi có thành phố nào lại không có bản sắc. Và tôi rất thích cách nhận định, về thành phố này là, “thành phố không có màu sắc riêng, chỉ có cái riêng của sự muôn màu, muôn sắc”. Người ta hay nói về Sài Gòn bằng những câu chuyện cụ thể. Ít ai đúc kết gì về Sài Gòn như kiểu người ta vẫn đúc kết về người Huế, người Hà Nội, người Phú Yên, người Quảng Nam. Vì đúc kết thế nào cũng không thỏa. Một Sài Gòn luôn chuyển động tính cách, khi ta đúc kết được e nó đã… lỗi thời.

Lý do nào để nhiều người hẹn với Sài Gòn xin không giải thích ở đây, chỉ nói điều từ những đứa học trò tỉnh lẻ đến những chú bé bụi đời đều có lý do riêng để sở hữu giấc mơ chung một hướng địa lý: Đi về phía Nam - Thành phố Hồ Chí Minh, nơi dễ làm giàu và đổi đời, nơi chung chiêng giữa chốn thành đô và miền thảo dã, nơi mắc cửi người xe và cái thư thái tiêu dao trong âm vọng “Tiếng nhạc vàng gọi từng âm xưa/ Ánh đèn vàng nhạc nhòa đêm mưa…”. Có một Sài Gòn và những cỗ xe thổ mộ đứng xếp hàng, rộn ràng bắt khách. Mỗi cỗ xe buộc vào một con ngựa. Con vật có ánh mắt sâu vạn dặm được đeo cương trở thành linh hồn của phương tiện…

Suốt chiều dài lịch sử hơn 300 năm, Nam Bộ nói chung, Sài Gòn nói riêng, đã chứng kiến nhiều đợt di dân và mỗi lần như thế mang thêm những dấu ấn văn hóa phủ lên vùng “đất lành chim đậu”.  Từ giữa thế kỷ XVII, lưu dân từ dải đất miền Trung nghèo khó và cả những binh lính lẫn tù nhân đã được các đời chúa Nguyễn đưa vào đây khẩn hoang lập nghiệp. Vùng đất này còn dung nạp thêm cộng đồng người Hoa, người Khơme… Hội tụ về đây là những con người mang tính khí của kẻ phiêu lưu, cư xử với nhau như những anh hùng hảo hán. Dòng máu lưu dân tạo nên cá tính liều lĩnh, không câu nệ nghi thức, chỉ điều đó thôi, cũng đã coi là dễ sống lắm rồi. Và dòng chảy ấy đã tiếp nối đến hôm nay. “Đã dung nạp được là hóa giải được những khác biệt và tiếp thu cái mới, đó là sức mạnh của phong cách Sài Gòn…” (Có một phong cách Sài Gòn - Trần Trọng Thức). Có một Sài Gòn để người đời soi mình vào ký ức. Đó có thể là một Thương xá Tax có bề dày lịch sử 140 năm nhưng cũng có thể là những con hẻm, một đặc sản của Sài Gòn. Đó là bữa cơm một ngày đã xa trên những chiếc bàn trong hẻm 12 và hẻm số 53 có cả tiếng gà gáy. Theo nhà báo Lê Trung Việt, “đây là cuộc chơi của tàn phai. Phai mà không nhạt. Rồi bãi bể nương dâu sẽ đến, những dấu tường rêu, gạch lở, vết xước cố tình và vô tình, cái nhìn vô tư lự, tất cả sẽ hóa thành bụi, chỉ có con thuyền ký ức của ai đó cơn gió mang mùi nhớ là chòng chành... Hẻm Sài Gòn như một kẻ minh triết với trí và lòng đủ rộng để bày tiếp cuộc chơi giản dị giữa tráng lệ…”.

Và trong cuộc chơi ấy, nói về vùng đất nào khác hay nói về Sài Gòn cũng không thể không nhắc đến phân nửa thế giới, “Từ em, tôi lại sinh ra”. Cuộc đời có những vết gai tình phụ, làm sao có thể nguôi ngoai, nhưng tình yêu vẫn luôn là chất men tạo nên nguồn vui sống. Một khi chất men ấy mất đi, con người ta sẽ bẽ bàng và đâm ra hoảng hốt. Có như thế, phải là thế, sáng tạo nghệ thuật mới có thể cựa quậy trên toan vải trắng với vô số sắc màu (Từ em, tôi lại sinh ra - Lê Minh Quốc). Điều có thể cảm nhận, nhưng mấy ai bật ra thành lời về những đóa hoa trong gia đình. “Những ngày cuối năm, người đàn bà tất bật với những lo toan, sắm sửa trong gia đình, vẻ long lanh bên ngoài có khi không còn thì giờ trau chuốt. Dễ hiểu vì sao mọi thứ trong căn nhà trở nên ấm áp lung linh hơn: bởi từ bàn tay chăm sóc ấy hơi ấm và vẻ đẹp của người đàn bà được chuyển vào trong những vật dụng hoa trái, bữa ăn gia đình. (Phong vị đàn bà  - Hạnh Dung). Ôi Sài Gòn xưa và Sài Gòn nay! Ôi tết đâu để người ta nhớ mà còn để người ta nghĩ và người ta sống trong mạch ân tình nguồn cội…

VÕ VĂN TRƯỜNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Vui... tết Sài Gòn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO