Vun đắp hạnh phúc

CÔNG TÚ 05/03/2015 11:52

Phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” do Hội LHPN huyện Điện Bàn phát động đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 3,46%.

 Hoạt động tuyên truyền ngày càng phong phú về nội dung và hình thức. Ảnh: C.T
Hoạt động tuyên truyền ngày càng phong phú về nội dung và hình thức. Ảnh: C.T

Học và làm

Phong trào “Phụ nữ tích cực học tập” ở huyện Điện Bàn đã động viên, khuyến khích chị em phụ nữ phấn đấu học tập nâng cao trình độ mọi mặt. Để chứng minh, bà Đinh Thị Lệ - Chủ tịch Hội LHPN huyện cho hay, hằng năm đơn vị đã phối hợp với cơ quan, ban ngành và tổ chức liên quan mở 52 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật (KHKT) áp dụng vào sản xuất, chăn nuôi, quản lý sử dụng vốn cho 4.189 lượt phụ nữ. Đồng thời đào tạo nghề cho 848 lao động nữ, góp phần tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề từ 34,5% (năm 2010) lên 60,4% (năm 2014); giải quyết việc làm mới cho  5.600 lao động/năm, trong đó lao động nữ chiếm 65%. Phong trào “Phụ nữ tích cực học tập” đã khơi dậy tinh thần tự nghiên cứu, ứng dụng KHKT ở chị em phụ nữ. Xã Điện Thọ, sau lớp tập huấn Bucap (lai tạo giống mới), chị Phan Thị Tuyến đã áp dụng lai tạo thành công giống lúa CT2. Qua áp dụng khảo nghiệm tại địa phương, giống lúa này được Bộ NN&PTNT công nhận, triển khai sử dụng tại các tỉnh phía Bắc và chuyển giao bản quyền cho Công ty Giống nông lâm tỉnh Quảng Nam.

“Chung tay” thực hiện chương trình xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu ở Điện Bàn là thành công của cuộc vận động phụ nữ “Lao động sáng tạo”. Bởi nhiều phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế gia đình được chị em tích cực hưởng ứng như thành lập các câu lạc bộ (CLB) “Phụ nữ tiểu thương”, “Dịch vụ nấu ăn”, “Phụ nữ  phát triển kinh tế” hay tổ nhóm “Phụ nữ tương trợ”, “Phụ nữ tiết kiệm tín dụng”; hoặc các mô hình trang trại, gia trại, làng nghề, tổ hợp tác. Chị em được trang bị kiến thức nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa để cạnh tranh với thị trường, giải quyết việc làm tại chỗ. Điển hình là Hợp tác xã Mây tre Điện Thọ; nghề chế biến nước mắm Hà Quảng (xã Điện Dương), làm bánh tráng (xã Điện Phương); CLB “Phụ nữ phát triển kinh tế” (xã Điện Thắng Nam); tổ “Phụ nữ tương trợ”  (xã Điện Hồng, Điện Thắng Trung)… Chị Nguyễn Thị Xuyên ở xã Điện Minh đã sản xuất lúa giống, chăn nuôi gà, vịt; mở dịch vụ kinh doanh tạp hóa, phân bón; cho thuê máy làm đất, cắt lúa mang lại nguồn thu 85 triệu đồng/năm. Chị Lê Thị Có trú thôn Hà Đông (xã Điện Hòa) là tấm gương phụ nữ vượt khó vươn lên khi một mình phải gồng gánh nuôi con (chồng mất lúc con mới 8 tháng tuổi) trong điều kiện hết sức khó khăn. Chị cải tạo vườn tạp, vay vốn trồng hoa cúc, thu nhập 30 triệu đồng/năm. Chị Nguyễn Thị Tứ làm giám đốc một nhà máy sản xuất gạch tuynen ở xã Điện Thắng Bắc không chỉ quản lý, điều hành doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, giải quyết hàng trăm lao động với mức thu nhập 3,5 triệu đồng/tháng, mà còn giúp đỡ phụ nữ, trẻ em nghèo bằng việc làm thiết thực.

Nhân rộng mô hình

Bà Đinh Thị Lệ khẳng định hiệu quả cuộc vận động phụ nữ xây dựng “Gia đình hạnh phúc” đã đóng góp tích cực thực hiện gia đình văn hóa, phòng chống tội phạm và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Các cấp hội đã đi sâu tuyên truyền giáo dục cho chị em phụ nữ thực hiện 4 tiêu chuẩn “No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”. Đây là cơ sở để các thành viên trong gia đình cùng tham gia phát triển kinh tế, nuôi dạy con tốt, chia sẻ trách nhiệm công việc, tạo điều kiện giúp đỡ nhau trong học tập, tham gia các hoạt động xã hội... được chị em tích cực tham gia. Coi trọng tính bền vững, các mô hình CLB, tổ nhóm làm trợ lực được nhân rộng. “Chúng tôi xây dựng và duy trì hoạt động 127 CLB và các tổ “Giáo dục đời sống”, “Nuôi dạy con tốt”, “Phụ nữ thời đại mới”, “Gia đình hạnh phúc”, “Phụ nữ không có con hư”, “Phụ nữ không sinh con 3+”, “Phụ nữ tương trợ”, “Không có người nhiễm HIV”, “Phụ nữ thu gom phế liệu”, “Phòng ngừa và tố giác tội phạm”, “Dịch vụ gia đình” thu hút 4.026 thành viên tham gia. Các mô hình trên giúp cho chị em nâng cao kiến thức chăm sóc sức khỏe, xây dựng gia đình hạnh phúc” - bà Lệ nói.

Các hoạt động khác cũng được chị em nhiệt tình hưởng ứng như góp tiền xây dựng và sửa chữa được 43 ngôi nhà “Mái ấm tình thương” cho phụ nữ nghèo và tặng 81 sổ tiết kiệm; nhận đỡ đầu cho 24 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn (1,2 triệu đồng/em/năm); trao 301 suất học bổng, 34 chiếc xe đạp cho học sinh vượt khó học giỏi. Gần 300 triệu đồng được trích để đi thăm các gia đình chính sách, các đơn vị bộ đội nhân dịp các ngày lễ, tết; tặng quà thanh niên nhập ngũ. Hưởng ứng đợt vận động ủng hộ cho quân và dân huyện đảo Trường Sa, đóng góp “Chung sức vì biển đảo quê hương”, chị em phụ nữ trong huyện đã đóng góp 168 triệu đồng. Gắn đẩy mạnh việc thực hiện “Học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, nhiều chị có những việc “làm theo” cụ thể như mô hình nuôi heo đất, hũ gạo tiết kiệm, hũ gạo tình thương, thu gom phế liệu,... Hơn 5 năm qua, chị em phụ nữ huyện đã đóng góp 5,32 tỷ đồng, trong đó đóng góp quỹ hội trên 470 triệu đồng giúp 690 lượt hội viên phụ nữ, trẻ em gặp khó khăn. Nhờ những hoạt động thiết thực của Hội LHPN huyện, hằng năm có 1.177 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ được giúp đỡ, trong đó có 424 hộ thoát nghèo. Hội đã góp phần cùng toàn huyện giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 3,46% theo tiêu chí mới.

CÔNG TÚ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Vun đắp hạnh phúc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO