Vững bước theo chân Bác

09/07/2015 08:26

Hôm nay 9.7, Ban Thường vụ Hội Cựu thanh niên xung phong (TNXP) tỉnh tổ chức kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống lực lượng TNXP Việt Nam, 50 năm Ngày thành lập lực lượng TNXP chống Mỹ, cứu nước và Hội nghị điển hình tiên tiến cựu TNXP làm theo lời Bác.

Dịp này, Báo Quảng Nam giới thiệu những gương tập thể, cá nhân điển hình trong phong trào thi đua “Cựu TNXP nêu gương sáng học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Những thành tích đó càng tô thắm thêm trang sử hào hùng, là hành trang tinh thần cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau trên hành trình tiếp bước cha anh.

Cựu TNXP vùng đông Tam Kỳ trong một lần gặp mặt. Ảnh X.NGHĨA
Cựu TNXP vùng đông Tam Kỳ trong một lần gặp mặt. Ảnh X.NGHĨA

ĐIỂM TỰA CHO HỘI VIÊN

Ở cơ sở, Hội Cựu TNXP xã Duy Hòa (Duy Xuyên) là một trong những nhân tố điển hình. Từ một tổ chức hội chỉ có 15 thành viên, đến nay Hội Cựu TNXP xã Duy Hòa đã có 165 hội viên, mỗi thành viên đều tích cực tham gia hoạt động, củng cố, xây dựng tổ chức hội vững mạnh. Theo ông Nguyễn Thanh Phong - Chủ tịch Hội Cựu TNXP xã Duy Hòa, một trong những kết quả nổi bật hội đã làm được trong những năm qua là thực hiện các hoạt động nghĩa tình đồng đội. Dù là cấp xã nhưng Hội Cựu TNXP Duy Hòa đã vận động con em xa quê ở TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và các doanh nghiệp trên địa bàn hỗ trợ kinh phí xây 6 nhà tình nghĩa, sửa chữa 2 nhà tạm cho hội viên, với tổng kinh phí hỗ trợ 320 triệu đồng. Hội cũng đã vận động hội viên quyên góp hơn 13 triệu đồng tặng quà đồng đội có hoàn cảnh khó khăn vào dịp tết cổ truyền và các ngày lễ trong năm; tặng sổ tiết kiệm trị giá 5 triệu đồng cho hội viên nghèo… Ngoài ra, hội viên tích cực đóng góp quỹ hội nên việc tổ chức các hoạt động thăm hỏi nhau lúc đau ốm, phúng điếu hội viên qua đời… góp phần gắn kết hội viên với tổ chức hội. Ông Phong cho biết, hiện nay Ban Chấp hành Hội Cựu TNXP gồm 13 người, tuy không có chế độ gì nhưng tất cả đều làm việc với sự nhiệt huyết. “Có mồi lửa nhưng không có người thổi thì ngọn lửa không thể bùng cháy. Tương tự, tổ chức hội ra đời nhưng không có đội ngũ cán bộ nhiệt tâm với công tác thì không dễ gì có được những ngôi nhà, món quà mang đậm nghĩa tình đồng đội, lại càng không có những buổi phúng điếu tiễn đưa chan chứa nghĩa tình khi đồng đội lâm chung” - ông Phong chia sẻ.

Hội Cựu TNXP tỉnh vận động Ngân hàng NN&PTNT chi nhánh Quảng Nam tặng sổ tiết kiệm cho hội viên có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: V.A
Hội Cựu TNXP tỉnh vận động Ngân hàng NN&PTNT chi nhánh Quảng Nam tặng sổ tiết kiệm cho hội viên có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: V.A

Đối với cấp huyện, Hội Cựu TNXP thị xã Điện Bàn luôn là một tổ chức vững mạnh, đoàn kết, trở thành điểm tựa cho hội viên cựu TNXP trên địa bàn. Đặc biệt, Hội Cựu TNXP Điện Bàn đã thành lập được Ban công tác nữ cựu TNXP, qua đó giúp đỡ nhiều nữ hội viên trong việc thực hiện chính sách cũng như các hoạt động nghĩa tình đồng đội. Theo ông Trương Văn Lạng - Chủ tịch Hội Cựu TNXP thị xã Điện Bàn, trong 10 năm thực hiện phong trào thi đua yêu nước, hội đã vận động các tổ chức, doanh nghiệp hỗ trợ hội viên có hoàn cảnh khó khăn xây dựng và sửa chữa 36 nhà tình nghĩa, tổng trị giá hơn 1 tỷ đồng; tặng 56 sổ tiết kiệm, tổng trị giá hơn 135 triệu đồng… Hội Cựu TNXP thị xã Điện Bàn cũng vừa tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện phong trào thi đua, tuyên dương 65 hội viên có thành tích xuất sắc trong công tác hội, xứng đáng là tấm gương cho mọi người học tập, noi theo. Đơn cử như nữ cựu TNXP Phan Ngọc Xuân - Chủ tịch Hội Cựu TNXP phường Điện Dương. Năm nay đã hơn 80 tuổi, nhưng với tinh thần trách nhiệm cao, được đồng đội tin yêu, bà đã xây dựng tổ chức hội vững mạnh với hơn 100 hội viên tại 7 chi hội. Bà Xuân cũng đã vinh dự được Trung ương Hội Cựu TNXP Việt Nam tặng Huy hiệu Cựu TNXP tiên tiến làm theo lời Bác Hồ dạy năm 2013. Hay như cựu TNXP Hà Điện (xã Điện Thắng Nam) thành lập cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động, doanh thu hàng năm hơn 10 tỷ đồng. Hay hội viên Nguyễn Nho Minh với cơ sở sản xuất mộc doanh thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm…

Ông Đỗ Tấn Hùng - Chủ tịch Hội Cựu TNXP tỉnh cho biết, được thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2006, đến nay, Hội Cựu TNXP Quảng Nam đã tập hợp được hơn 8 nghìn cựu TNXP vào tổ chức hội; trong đó, thành lập được 17/18 tổ chức hội cấp huyện, 191 hội cơ sở cấp xã và 973 chi hội cấp thôn. Gần 10 năm thành lập, hoạt động của hội luôn gắn liền với sự lãnh đạo của Đảng, thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương. Không chỉ hỗ trợ giải quyết chế độ chính sách, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho cựu TNXP, tổ chức hội các cấp là nơi để hội viên sinh hoạt, chia sẻ khó khăn, giúp đỡ nhau sống vui - sống khỏe - sống có ích, tất cả vì nghĩa tình đồng đội. Mười năm qua, hội đã vận động xây dựng được 416 nhà tình nghĩa với tổng số tiền hơn 11 tỷ đồng, làm nhân chứng xác nhận hồ sơ giải quyết chế độ chính sách cho 1.238 cựu TNXP hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến và 373 cựu TNXP phục vụ biên giới Campuchia, tìm kiếm quy tập được 196 hài cốt đồng đội… Hội cũng đã tặng 456 sổ tiết kiệm với tổng trị giá hơn 1,1 tỷ đồng, trao 240 suất học bổng cho con em hội viên, tặng 3.504 suất quà cho hội viên già yếu, bệnh tật… Qua 10 năm thực hiện phong trào thi đua “Cựu TNXP nêu gương sáng học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, toàn Hội Cựu TNXP tỉnh đã có 124 tập thể và 526 cá nhân được bình chọn là nhân tố tiêu biểu xuất sắc ở các cấp hội. Ông Hùng cho biết: “Với những thành tích kể trên, 9 năm liền (2006 - 2014), Hội Cựu TNXP Quảng Nam đã được Trung ương Hội TNXP Việt Nam tặng cờ thi đua xuất sắc; nhiều tập thể, cá nhân được Trung ương hội và UBND tỉnh tặng bằng khen. Đặc biệt, vào năm 2011, Hội Cựu TNXP Quảng Nam được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba”. (ANH ĐÔNG)

CÂU CHUYỆN CUỘC ĐỜI

Thời chiến, ông tham gia lực lượng thanh niên xung phong (TNXP) cống hiến tuổi thanh xuân cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc; hòa bình, ông là cựu TNXP lao động hăng say, dựng xây gia đình hạnh phúc, nuôi con ăn học thành tài.

Đó là những dòng tóm tắt ngắn gọn về câu chuyện cuộc đời cựu TNXP Lê Ngọc Bảo (SN1954, thôn Đại Lợi, xã Đại Nghĩa, huyện Đại Lộc) cũng là Chủ tịch Hội Cựu TNXP xã Đại Nghĩa.

Ký ức Trường Sơn

Nằm trên đồi cao, căn nhà nhỏ của vợ chồng cựu TNXP Lê Ngọc Bảo được bao bọc bởi vườn cây ăn quả. Sau khu vườn là trang trại nuôi gà, nơi ông Bảo đang chăm lo cho đàn gà thịt hàng trăm con chuẩn bị xuất chuồng. Một khung cảnh yên bình và thể hiện sự no đủ. Ít ai biết rằng, hơn 20 năm trước, vùng đất này là nơi không một bóng người, đất đai khô cằn, chỉ có đồi trọc và mấy bụi tre mọc trơ trọi. Thế mà ông Bảo đã dắt vợ con lên đây dựng lều, xây dựng cuộc sống.

Ông Bảo vốn quê ở Đông Sơn, Thanh Hóa. Năm 1971 lúc đó mới 16 tuổi đang học lớp 8 trường làng, nhưng với tinh thần vì miền Nam thương yêu, ông Bảo viết đơn tình nguyện đi TNXP. Tháng 3.1971, ông vào lực lượng TNXP đi mở đường Trường Sơn, thuộc đơn vị 392 Tổng đội TNXP 39, Ban 67 Bộ Tư lệnh 559, hoạt động chủ yếu ở Đường 18 Tây Trường Sơn (địa phận tỉnh Quảng Bình). Ông kể, Đường 18 vòng qua nước bạn Lào có đèo 900, còn gọi đèo “vượt cổng trời”, là một trong những địa điểm giặc Mỹ đánh phá ác liệt nhằm chia cắt sự tiếp viện của miền Bắc cho miền Nam. Cũng vì lẽ đó, đồng đội của ông đã có biết bao người vĩnh viễn nằm lại nơi núi rừng Trường Sơn. “Chập tối một ngày năm 1972, lúc tôi cùng anh em sửa chữa một xe vận tải của bộ đội ta bị hỏng thì B52 Mỹ ném bom. Sau trận bom, tỉnh dậy tôi thấy xung quanh mình đồng đội nằm la liệt. Chỉ mình tôi may mắn sống sót cùng với 2 thương binh khác. Ba người trong tổ TNXP của tôi cũng đã hy sinh” - ông Bảo nhớ lại. Đó là những năm tháng không thể nào quên trong cuộc đời cựu TNXP Lê Ngọc Bảo. Nhớ về đồng đội không lúc nào ông cầm được nước mắt. Ước nguyện của ông là một ngày được trở lại trên chiến trường xưa, để thăm lại bà con Vân Kiều đã che chở ông những ngày chiến đấu và tìm lại hài cốt đồng đội. Ông nói: “Chúng tôi, những TNXP lúc bấy giờ đang tuổi mười sáu đôi mươi đã cống hiến cả tuổi xuân cho đất nước. Đồng đội tôi, nhiều người đã mãi mãi nằm lại nơi núi rừng Trường Sơn một thời khốc liệt”.

Cựu TNXP Lê Ngọc Bảo. Ảnh: VINH ANH
Cựu TNXP Lê Ngọc Bảo. Ảnh: VINH ANH

Khởi nghiệp từ 10 con gà

Đất nước thống nhất, năm 1976 cựu TNXP Lê Ngọc Bảo được điều động vào miền Trung công tác tại Công ty Giống thuộc Bộ Nông nghiệp (cũ), phụ trách từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa. Đến năm 1978, ông được điều động về công tác tại Phòng Nông nghiệp huyện Đại Lộc. Năm 1992, ông được nghỉ hưu sớm vì mất sức. Lúc này, ông Bảo đã có vợ (quê Đại Lộc) và 3 người con. Cuộc sống vốn khó khăn lại càng thêm khốn khó. Và với bản lĩnh rèn luyện được từ chiến trường một thời, ông quyết định chọn mảnh đất khô cằn ở thôn Đại Lợi - nơi vợ chồng ông đang sống - lập kế mưu sinh. Ông nhớ lại: “Lúc đó, nơi đây dân cư còn rất ít. Đất đai mênh mông nhưng khô cằn, nắng cháy, chỉ toàn đồi núi trọc. Nhờ sự giúp đỡ của bà con bên vợ cho ít cây tre, mấy tấm ván… vợ chồng tôi dựng căn nhà tạm để ở”. Ban đầu rất khó khăn, cái ăn cũng không đủ vì ruộng ít lại đông con. Quyết không bỏ cuộc, ông thử nuôi heo nái nhưng thất bại. Sau chuyển qua nuôi gà với vốn khởi nghiệp là đàn gà chỉ vỏn vẹn 10 chú gà con. Cần cù chăm bẵm, ông Bảo đã gầy dựng đàn gà lên 100 con lấy trứng. Nhưng lúc này, gạo người còn không đủ lấy đâu lúa nuôi gà. Ông lại nghĩ cách. Mỗi năm có 3 vụ lúa, ông tranh thủ những ngày mùa đi mót lúa dự trữ cho gà. Đàn gà cứ thế lớn nhanh. Ban đầu ông  nuôi gà đẻ trứng, sau chuyển nuôi thêm gà thịt. “Có thời điểm 50 quả trứng đổi được 50kg thóc nên gia đình tôi không lúc mô phải lo đói. Có đôi đồng dư, tôi đầu tư tiếp tục nuôi heo nái. Kinh tế dần ổn định, tôi cất được căn nhà cấp 4 đủ che mưa che nắng” - ông Bảo nói.

Đến nay, đàn gà của ông Bảo lúc nào cũng có khoảng 500 con với các lứa gối đầu nhau. Thực hiện mô hình khép kín (từ nuôi gà đẻ trứng, ấp trứng cho đến gà trưởng thành), trang trại gà của ông cho thu nhập khá ổn định. “Trung bình mỗi tháng tôi xuất chuồng 100 con gà thịt, thu về khoảng 15 triệu đồng, trừ chi phí lãi chừng hơn 5 triệu đồng. Và cứ trung bình 7 ngày lại có một lứa gà con được ấp nở, nên đàn gà lúc nào cũng giữ đúng số lượng, hết đàn này xuất chuồng lại đến đàn khác, không lúc nào thiếu nguồn cung cho khách hàng” - ông Bảo cho biết. Hiện nay, trang trại gà của ông Bảo là nguồn cung thường xuyên cho một nhà hàng khách sạn tại Đà Nẵng và người dân trong vùng.

Từ nguồn thu trang trại gà, ông Bảo có tiền nuôi 4 người con ăn học. Ba người con đầu học đại học ra trường đã có việc làm ổn định. Hiện còn người con trai út đang học cao đẳng tại TP.Đà Nẵng. Là Chủ tịch Hội Cựu TNXP xã Đại Nghĩa, ông Bảo luôn tích cực vì công tác hội, hàng năm đều góp một phần tiền mua quà tặng hội viên nghèo, vận động trao tặng sổ tiết kiệm cho hội viên khó khăn. (VINH ANH)

NHỮNG LẤP LÁNH ĐỜI THƯỜNG

Tham gia những chuyến đi cùng Hội Cựu thanh niên xung phong (TNXP) tỉnh gặp gỡ hội viên, điều để lại ấn tượng sâu sắc với chúng tôi đó là những câu chuyện nghĩa tình đồng đội.

Lãnh đạo Hội Cựu TNXP tỉnh thăm trang trại của cựu TNXP Nguyễn Văn Tự ở Tiên Sơn, Tiên Phước.  Ảnh: V.TRƯỜNG
Lãnh đạo Hội Cựu TNXP tỉnh thăm trang trại của cựu TNXP Nguyễn Văn Tự ở Tiên Sơn, Tiên Phước. Ảnh: V.TRƯỜNG

Ấn tượng nữ cựu TNXP

Cựu TNXP Võ Thị Hồng ở thôn Thạnh Mỹ 2, thị trấn Thạnh Mỹ (Nam Giang), sau mấy chục năm một thân một mình sống trong căn nhà tạm bợ, nay nhờ Quỹ Công đoàn ngành Giao thông vận tải hỗ trợ 60 triệu đồng mới đủ khả năng xây được căn nhà ngói khang trang. Cô Hồng vui lắm, bởi đó chính là mơ ước mà nhiều đêm cô trăn trở “có khi cả đời mình cũng chưa làm được”. Cô Hồng quê gốc xã Quế Xuân, huyện Quế Sơn, gia nhập TNXP khi cha bị địch bắt tù đày trên đường đi tập kết, mẹ và em gái bị quân thù sát hại.

Hồi ức về một thời đạn lửa trên chiến tuyến với quân thù, cô Hồng lục tìm giới thiệu với chúng tôi kỷ vật đã nâng niu cất giữ suốt mấy chục năm qua. Đó là chiếc võng dù mà cô bảo mỗi lần nhìn thấy lại xúc động nghĩ về đồng đội đã không thể có mặt trong ngày đất nước đoàn viên. Cô Hồng chia sẻ: “Tình cảm đồng đội thiêng liêng lắm! Bởi chúng tôi đã cùng nhau trải qua những quãng thời gian khốc liệt nhất. Là nữ, những con người vốn mềm yếu, giàu tình cảm mà phải thoát ly gia đình nên sớm gắn bó, yêu thương nhau như ruột thịt”. Cô Nguyễn Thị Hùng - Chủ tịch Hội Cựu TNXP thị trấn Thạnh Mỹ cho biết thêm, tuổi xuân đi qua, không thể lập gia đình, cô Hồng đã tự túc và có người con gái xinh xắn, học giỏi. Song vì điều kiện khó khăn sau khi tốt nghiệp phổ thông, con gái cô đã phải nghỉ học ra chợ giúp mẹ bán buôn. Bây giờ con gái đã có chồng, cô Hồng lại trở về với cuộc sống lặng lẽ. Tuy vậy, phát huy phẩm chất người lính, cô Hồng vẫn tích cực tham gia công tác đảng, chính quyền, sâu sát cơ sở, góp nhiều công sức làm tốt vai trò nhân chứng lịch sử, trong giải quyết chế độ chính sách cho TNXP ở huyện Nam Giang.

Đến thăm nữ cựu TNXP Võ Thị Năm ở xã Đại Hồng (Đại Lộc), điều khiến chúng tôi ấn tượng là dù căn nhà được hỗ trợ xây mới còn đang trong khâu hoàn thiện cửa ngõ nhưng cô đã lo sửa soạn chỗ đàng hoàng nhất để an vị tấm ảnh Bác Hồ. Trò chuyện với chúng tôi, trong câu chuyện của mình, cô luôn nhắc về những đồng đội, lắng lại là niềm cảm động, lòng biết ơn những việc làm của chính đồng đội của mình ngày xưa.

Lấp lánh phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ

Theo ông Đỗ Tấn Hùng - Chủ tịch Hội Cựu TNXP tỉnh, hỗ trợ xây dựng 416 nhà tình nghĩa cho cựu TNXP trong 10 năm qua không đơn thuần là những con số mà là nghĩa cử, sự nỗ lực không mệt mỏi của các cấp hội cựu TNXP trong toàn tỉnh, sự sẻ chia của những nhà hảo tâm. Và đặc biệt hơn, trong đó có sự chung tay của hội viên cựu TNXP, họ đã tình nguyện làm những công việc với tấm lòng tri ân, nghĩa tình đồng đội, nhất là đối với những nữ cựu TNXP đơn thân gặp khó khăn về nhà ở.

Ông Nguyễn Ngọc Bảo - Phó Chủ tịch Hội Cựu TNXP tỉnh cho biết, phong trào “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đã được hội viên cựu TNXP hưởng ứng tích cực. Với tinh thần của những con người một thời đi qua lửa đạn, xung phong trên các mặt trận ngày nào, giờ đây các cựu TNXP lại tiên phong trên những mặt trận mới, còn sức lực còn chiến đấu để vươn lên xóa đói giảm nghèo, giúp nhau làm kinh tế, chia sẻ khó khăn với đồng đội bằng những việc làm nghĩa tình rất đáng trân trọng. Điển hình như cựu TNXP Nguyễn Văn Tự ở thôn 1, xã Tiên Sơn (Tiên Phước) từng tham gia TNXP trong cuộc chiến bảo vệ biên giới Tây Nam Tổ quốc hơn 7 năm, về lại đời thường ông trở thành nông dân sản xuất giỏi, giúp nhiều hội viên cựu TNXP cùng làm kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Lấy chăn nuôi heo làm chủ lực, ban đầu ông Tự nuôi ít sau đó tăng dần lên. Sau xuất chuồng vài lứa ông đã có nguồn vốn đầu tư chuồng trại kiên cố, đảm bảo vệ sinh theo hướng quy mô hiện đại. Mỗi năm, ít nhất ông Tự xuất chuồng 150 con heo, thu lãi hàng chục triệu đồng; ngoài ra, ông còn đầu tư trồng 12ha keo, làm 5 sào ruộng lúa. Chủ tịch Hội Cựu TNXP huyện Tiên Phước - Nguyễn Văn Ngọc cho biết, điều đáng quý ở ông Tự là không chỉ làm giàu cho riêng mình mà rất quan tâm đến đồng đội trong hướng dẫn cách thức làm ăn, sẵn sàng cho đồng đội và cả người dân địa phương mượn vốn.

Đến xã Đại Hồng (Đại Lộc), không thể không tìm đến cựu TNXP Nguyễn Quốc Mên. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, ở tuổi nghỉ hưu ông vẫn tích cực đứng ra vận động hội viên, thành lập Hội Cựu NTXP của huyện. Nhiều năm công tác gắn bó trong vai trò Chủ tịch Hội Cựu TNXP huyện Đại Lộc, ông Mên trở thành trung tâm đoàn kết, xây dựng nên mái nhà chung của TNXP trên địa bàn. Thấu hiểu những nỗi vật vả, đời sống còn nhiều khó khăn của không ít TNXP, ông Mên đã dành dụm tiền lương hưu mua được 18 sổ tiết kiệm tặng đồng đội.

Việc làm của cựu TNXP Nguyễn Quốc Mên ở huyện Đại Lộc hay cựu TNXP Nguyễn Văn Tự ở huyện Tiên Phước không chỉ được các cấp hội cựu TNXP, các cấp chính quyền từ huyện đến tỉnh ghi nhận, mà trong suy nghĩ, tình cảm nhiều người, các ông là tấm gương sáng, gìn giữ phát huy được bản chất truyền thống của TNXP Việt Nam, học Bác bằng những việc làm từ tâm, trong khả năng của mình. Các ông xứng đáng với câu nói của Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi còn sống đã dành tặng cho TNXP: “Tôi luôn coi TNXP như bộ đội, vì trong phẩm chất TNXP có phẩm chất của Bộ đội Cụ Hồ”. (VÕ VĂN TRƯỜNG)

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Vững bước theo chân Bác
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO