Ngày tết, bên cạnh các không gian vui xuân ý nghĩa là ngày hội đoàn kết giữa đồng bào vùng cao, biên giới.
Hội vui đoàn kết
Lần đầu tiên, ngày hội kết đoàn giữa đồng bào Cơ Tu ở thôn Sơn và Bút Tưa (xã Sông Kôn, Đông Giang) được tổ chức trong thời khắc đón tết cổ truyền. Thông qua các hoạt động giao lưu, khai vị ẩm thực, nói lý - hát lý truyền thống,… ngày hội đã thực sự tạo nên không gian vui xuân ấm áp cho đồng bào, ghi thêm dấu mốc về tình đoàn kết giữa dân bản 2 thôn lân cận. Ông Alăng Phân - Trưởng thôn Bút Tưa cho rằng, dù hàng chục năm sinh sống rất gần nhau nhưng đây là lần đầu tiên đồng bào tổ chức ngày vui đoàn kết đúng nghĩa anh em đồng bào vùng cao. “Từ đây, máng nước dùng chung, cái rẫy làm chung, không làng nào phân biệt làng nào, anh em chung sức một lòng dựng gươl mới, phát triển kinh tế” - ông Phân chia sẻ.
Điệu múa truyền thống của phụ nữ Cơ Tu mừng ngày hội chung giữa dân làng Sơn và Bút Tưa (xã Sông Kôn, Đông Giang) nhân dịp tết cổ truyền. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC |
Khi mọi thứ đã hoàn tất, ché rượu cần được đưa ra. Câu nói lý vang lên, kéo đồng bào ngồi sát nhau hơn trong niềm vui mùa xuân mới. Sau những câu đối đáp truyền thống giữa cao niên hai làng, tàu lá chuối trên mâm được gỡ ra, bắt đầu cuộc vui theo điệu lý, theo nghĩa tình anh em một nhà. Ông Alăng Bê - Bí thư Chi bộ thôn Bút Tưa cùng một đại diện của thôn Sơn nắm tay nhau làm lễ khai vị rượu cần trước sự chứng kiến của nhân dân hai làng. Mùi rượu thơm nồng, cùng các hương vị ẩm thực truyền thống của đồng bào Cơ Tu càng khiến ngày hội thêm ấm áp, trong dặt dìu nhịp đàn âng’jưl ngân vang trầm bổng. “Ché rượu cần này là cầu nối để đồng bào dân bản gắn chặt thêm tình đoàn kết với nhau như anh em một nhà. Cuộc sống thường ngày dù có khó khăn nhưng tình anh em vẫn bền chặt, ngọt dịu như ché rượu cần đã được uống chung trong ngày hội đoàn kết. Đó mới thực sự là điều mà dân làng hai bên mong muốn” - ông Bê bộc bạch.
Đêm giao lưu văn nghệ mừng xuân, xen giữa các tiết mục trẻ trung, sôi động của người trẻ là những câu hát làn điệu chà chập, ba boóch Cơ Tu truyền thống. Dù cơn mưa phùn lạnh buốt nhưng trên gương mặt đồng bào luôn hiện hữu niềm vui, tìm về chật kín không gian ngày hội. Nói như ông Bh’riu Sơn - Bí thư Đảng ủy xã Sông Kôn thì, ngày tết cùng vui hội kết đoàn thật ý nghĩa với đồng bào vùng cao, vừa gắn chặt thêm tình đoàn kết gắn bó, vừa xây dựng được không gian vui xuân đón tết theo phong tục truyền thống, tạo nên khí thế và động lực phát triển cho năm mới an lành.
Thắm tình biên giới
Theo ông Aviết Sơn - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang, kể từ sau đợt tổ chức kết nghĩa giữa các làng, bản hai bên bên giới Nam Giang - Đắc Chưng, hàng năm cứ đến ngày Tết Nguyên đán của Việt Nam hay Tết Bunpimay của Lào, đồng bào thường sang ăn tết chung cùng nhau, chia sẻ niềm vui và cố kết tinh thần đoàn kết. Bên cạnh những hỗ trợ của địa phương, ngày “tết chung” còn có sự ủng hộ từ chính đồng bào dân bản, cùng góp thêm niềm vui nhân dịp tết cổ truyền. |
Niềm vui đón chào năm mới như được nhân đôi khi đồng bào Tà Riềng ở làng Đắc Tà Vâng (xã Đắc Tôi, Nam Giang) tiếp tục đón bước chân của những người anh em phía cụm bản Đắc Tà Oọc Nhày (huyện Đắc Chưng, tỉnh Sê Kông, Lào) trở về, chung vui suốt các ngày tết cổ truyền. Đã 3 năm liên tiếp, tết chung giữa đồng bào vùng biên Nam Giang - Đắc Chưng được tổ chức trong không gian ấm cúng, đầy nghĩa tình. Ché rượu cần vơi rồi lại đầy, càng gắn kết tình thân giữa đồng bào hai bên biên giới, rộn ràng theo vũ điệu truyền thống. Trưởng bản Đắc Tà Oọc Nhày - ông Xay Khen không giấu được niềm vui, hòa cùng nhịp tiếng đinh tút của đồng bào Tà Riêng, say sưa theo điệu múa lăm vông, rê rê truyền thống. Ông Xay Khen bảo, tết ở Việt Nam vui nhất là không gian sum vầy giữa bà còn làng bản, thể hiện tinh thần nguồn cội và ngày càng gắn kết khăng khít cộng đồng vùng cao. “Năm nào chúng tôi cũng đến đây để cùng bà con Đắc Tà Vâng đón tết cổ truyền của Việt Nam. Mấy ngày tết, dù thời tiết lạnh buốt nhưng niềm vui về tình đoàn kết giữa bà con ở hai bên biên giới luôn ấm áp, đẹp đẽ như màu xanh của rừng” - ông Xay Khen nói, rồi dập dìu theo nhịp trống chiêng rộn rã của dân làng mừng đón năm mới.
Già làng Chờ Rum Nhiếr của Đắc Tà Vâng nói rằng, không chỉ là dịp để vui xuân, không gian tết chung của dân làng với bà con Đắc Tà Oọc Nhày còn là ngày hội của tình đoàn kết, hữu nghị giữa đồng bào Tà Riềng ở hai bên biên giới. Vì thế, cứ sau mỗi lần “tết chung” được tổ chức, nghĩa tình vùng cao càng thêm thắm thiết, bền chặt, nồng ấm bên ché rượu cần. Cũng như mọi năm, không gian “tết chung” luôn được thực hiện tại xu moong (nhà văn hóa truyền thống của đồng bào Tà Riềng) làng Đắc Tà Vâng, với điệu múa, với trống chiêng, âm nhạc truyền thống rộn vang khắp các buôn làng trong câu chuyện ngày tết đoàn viên. “Ngày tết, càng ấm cúng và ý nghĩa khi có thêm sự góp mặt của bà con cụm bản Đắc Tà Oọc Nhày đến chung vui với dân làng, cùng uống chung ché rượu cần, cùng say sưa múa hát các vũ điệu truyền thống trong tiết trời xuân ấm áp. Tình anh em từ đây cũng sẽ thêm khăng khít, bền chặt” - già Nhiếr tin tưởng.
Ngày tết, hòa giữa thanh âm của nhịp cồng chiêng, là những nụ cười của đồng bào vùng cao bên hội làng truyền thống. Mùa xuân như được kéo dài hơn với đồng bào, cùng cầu may, chúc phúc cho năm mới luôn bình an, no ấm.
ALĂNG NGƯỚC