Vùng đất giữa sông và biển

TRẦN HỮU 17/03/2015 09:19

Kế tiếp truyền thống cách mạng trong quá khứ, Bình Hải (Thăng Bình) vượt khó đi lên bằng nội lực và luôn khao khát thay đổi diện mạo làng quê.

Trang sử  hào hùng

Như nhiều xã vùng đông Thăng Bình, thời kháng chiến chống Mỹ, xã Bình Hải hứng chịu những làn “mưa bom bão đạn”, phá hoại làng mạc và gây thiệt mạng nhiều người dân vô tội. Những năm 1964 - 1968, chiến trường miền Nam và Quảng Nam rất khốc liệt nhưng cũng chính từ đây phong trào “Nở hoa trong lòng địch”, thi đua lấy danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ”… phát triển rầm rộ. Năm 1964, dưới sự chỉ huy của đồng chí Lê Hoàng - xã đội trưởng, du kích xã Bình Hải mai phục đánh trả và giành thắng lợi trận càn của địch tại 2 điểm Miếu Lớn (thôn Hiệp Hưng) và Khúc Cạn (thôn Kỳ Trân); quân và dân tiếp tục mở rộng vành đai tấn công đến các vùng lân cận thuộc xã Bình Nam và Bình Trung. Ngày 21.8.1967, Sư đoàn không vận số 1 của Mỹ điều động hàng trăm máy bay, 50 xe tăng, 2 tiểu đoàn bộ binh đổ bộ vào địa bàn Bình Hải nhằm bình địa. Quân thù đông như kiến, lại trang bị vũ khí hiện đại trong khi lực lượng ta mỏng, vũ khí thô sơ. Thế nhưng, với chiến thuật đánh thông minh, sau 18 giờ không ngớt tiếng đạn bom, đơn vị Công trường 31 đã bắn cháy 5 xe tăng, 2 máy bay, tiêu diệt 86 quân Mỹ, nâng tổng số 144 quân Mỹ bỏ mạng tại chiến trường Bình Hải.

 Trường Mẫu giáo Bình Hải đạt chuẩn quốc gia.
Trường Mẫu giáo Bình Hải đạt chuẩn quốc gia.

Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ đã kết thành sức mạnh, cổ vũ tinh thần yêu nước của quân và dân Bình Hải. Trong vùng địch chiếm, nhưng phương châm: “Đảng bám dân, dân bám đất, du kích bám địch” đã phát triển rộng khắp. Mùa xuân Mậu Thân 1968, nhân dân Bình Hải và các xã lân cận cùng tham gia xuống đường đấu tranh ở nhiều nơi ở thị xã Tam Kỳ, Thăng Bình, quyết tâm bám trụ “một tấc không đi, một ly không rời”. Đội quân tóc dài địa phương gồm 450 người thường xuyên tham gia đấu tranh chính trị, cạnh đó xây dựng được một chi đội thiếu niên tiền phong hợp pháp làm thông tin liên lạc, thành lập đội dân công phục vụ hỏa tuyến. Cùng thời điểm với đấu tranh cách mạng, trên địa bàn xã nổ ra hàng trăm cuộc đấu tranh du kích, vũ trang. Trên đồi 30 - một chốt điểm quan trọng của địch, ngày 6.2.1970, du kích địa phương và bộ đội huyện mở cuộc tấn công bất ngờ, đánh chiếm lại, tiêu diệt gọn 2 trung đội nghĩa quân, bắt sống 5 tên địch và thu nhiều vũ khí. Tháng 8.1972, trên đê sông Đồng Trì giáp Hiệp Hưng và đồi Ông Giảng, đơn vị V15, 70 và 72 sử dụng pháo và trung liên tiêu diệt nhiều tên địch thuộc Tiểu đoàn 113.

Góp sức dân bê tông hóa đường nông thôn và phát triển hệ thống kênh mương nội đồng.                          Ảnh: Hữu Phúc
Góp sức dân bê tông hóa đường nông thôn và phát triển hệ thống kênh mương nội đồng. Ảnh: Hữu Phúc

Sau ngày Hiệp định Paris được ký kết, lực lượng nổi dậy giành chính quyền đã chuẩn bị. Sáng 17.3.1975, Đại đội 15 cùng với Đội công tác xã vượt sông Trường Giang mở cuộc tấn công quy mô, giành lại chính quyền. Mỹ - ngụy đầu hàng, bỏ chạy, quê hương hoàn toàn giải phóng.

Vượt khó đi lên

“Chiến tranh đã lùi xa 40 năm, nhưng hậu quả, di chứng của nó dường như vẫn còn đâu đó trên đất và người Bình Hải. Công cuộc đổi mới, dựng xây quê hương đã tạo ra nhiều đột phá cho địa phương về hạ tầng cơ sở nông thôn, quy hoạch phát triển kinh tế đồng bộ, giảm nghèo… Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bình Hải chung tay góp sức nỗ lực sớm về đích nông thôn mới”.(Ông Nguyễn Thanh Minh - Bí thư Đảng ủy xã Bình Hải)

Bước ra từ đổ nát của chiến tranh, Bình Hải gắng sức làm hồi sinh “vùng đất chết”. Song, điều kiện tự nhiên vốn không ưu đãi cho công cuộc kiến thiết, phát triển quê hương. Thế đất nằm “ngõ cụt” do bị kẹp giữa sông Trường Giang và biển Đông. Suốt thời gian dài, chính quyền phải loay hoay lối thoát nghèo, tìm nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội. Trong khi chờ đợi sự đầu tư hạ tầng cơ sở từ bên ngoài, Bình Hải tích cực kêu gọi đóng góp, xây dựng của nhân dân. Vì thế, những dự án, công trình giao thông qua địa bàn đều được triển khai nhanh chóng, không bị vướng mắc bởi công tác giải phóng mặt bằng. Điển hình, dự án đường cứu nạn cứu hộ đoạn thuộc xã dài 3,5km đã nhận được đồng thuận cao từ lòng dân. Một số khu vực ảnh hưởng đến đất sản xuất, cây trồng nhưng người dân không phiền hà, so bì quyền lợi bồi thường như các nơi khác. Tuyến đường ĐH cắt qua thôn Hiệp Hưng, phần lớn 37 hộ dân dọc hai bên đường bị ảnh hưởng đều hiến đất đai, vật kiến trúc, cây trồng. Bà Hoàng Thị Sâm (hơn 80 tuổi, thôn Hiệp Hưng) cho biết: “Có đường, làng tôi hết cảnh mưa bùn nắng bụi, thật khó kể xiết niềm vui của người dân và cán bộ khi hơn 1km đường đã liên thông. Trong chiến tranh, dân Bình Hải đóng góp công sức, tiền của cho cách mạng, bây giờ chịu thiệt vài cây thông, mét đất có nghĩa lý gì”. Ông Hồ Thanh Tư - Chủ tịch UBND xã Bình Hải khẳng định, làng Hiệp Hưng đã hiến gần nghìn mét vuông đất, hơn 1.000 cây thông cho Nhà nước giải phóng mặt bằng, mở đường ĐH thông thoáng. Chưa kể, phổ biến tình trạng người dân chấp nhận hiến đất để bê tông hóa đường nông thôn. Hệ thống giao thông nông thôn ở Bình Hải đã cơ bản khớp nối, hơn 18km đường liên xóm đã liên thông. Năm 2014, từ nguồn ngân sách nhà nước và hỗ trợ của nhân dân, hơn 7 tỷ đồng đã đầu tư khớp nối tuyến đường từ ngã tư Hiệp Hưng đến đường Thanh niên dài hơn 1km, bê tông hóa đường giao thông các thôn Phước An 1, Phước An 2 và Hiệp Hưng, nâng cấp đê ngăn mặn và kênh mương nội đồng.

Quy hoạch vùng sản xuất, chăn nuôi, đặc biệt là nuôi trồng thủy sản luôn được địa phương quan tâm. Toàn xã có hơn 100ha diện tích nuôi tôm lót bạt trên cát và dưới sông Trường Giang. Thời gian qua, chính quyền xã tạo điều kiện để người dân nuôi tôm theo quy hoạch, khuyến cáo nuôi đúng lịch thời vụ, nên dịch bệnh trên đàn tôm ít nhiều được kiểm soát. Mặt khác, địa phương cương quyết xử lý 115 hộ xây dựng ao nuôi trái phép dọc ven biển và buộc ký cam kết không tái phạm. Theo ông Hồ Thanh Tư, năm 2015, sẽ quy hoạch 2 khu chăn nuôi tập trung rộng 10ha tại 2 thôn Phước An và Kỳ Trân; thành lập nghiệp đoàn nghề cá và hợp tác xã thu mua, cung cấp thủy sản. “Xây dựng và hoàn thiện đề án, phương án, kế hoạch phát triển kinh tế biển của xã Bình Hải; nhanh chóng hoàn thành công tác quy hoạch, cắm mốc các vùng quy hoạch, sắp xếp lại khu nuôi trồng. Chúng tôi chỉ đạo thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, giữ tốc độ tăng trường 6,5%. Phấn đấu cuối năm nay sẽ hoàn thành 11 tiêu chí nông thôn mới” - ông Tư cho biết. Đến nay, thu nhập bình quân của mỗi người dân trên địa bàn xã đạt 13 triệu đồng/năm, tổng giá trị các ngành thu được mỗi năm khoảng hơn 90 tỷ đồng. Nghị quyết Đảng bộ xã Bình Hải năm 2015 cũng xác định, tiếp tục thực hiện lồng ghép chương trình giao thông nông thôn, vận dụng cơ chế chính sách nâng cấp, xây mới các tuyến đường bức thiết và hệ thống giao thông nội đồng, kênh mương. Giảm tỷ lệ hộ nghèo 2 - 3%...

TRẦN HỮU

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Vùng đất giữa sông và biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO