Ngày 27.12 tới, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú (DTNT) Quảng Nam tổ chức kỷ niệm 30 năm thành lập (1985 - 2015). Là ngôi trường chuyên biệt dành cho con em đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh, thời gian qua nhà trường đã giương cao ngọn cờ đầu trong phong trào dạy và học của cả tỉnh.
Khẳng định mình
Với mục tiêu tạo nguồn đào tạo cán bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội ở miền núi, năm 1985 Trường Phổ thông DTNT Quảng Nam - Đà Nẵng được thành lập và khai giảng năm học đầu tiên vào ngày 22.12.1985. Đây là loại hình trường chuyên biệt, giảng dạy tập trung dành cho học sinh (HS) người dân tộc thiểu số (có một tỷ lệ nhỏ người Kinh sinh sống ở miền núi). Sau khi tái lập tỉnh năm 1997, trường đổi tên thành Trường Phổ thông DTNT Quảng Nam. Nhớ lại buổi đầu thành lập, thầy hiệu trưởng Trần Minh Hiệu cho biết, nhà trường đứng trước vô vàn khó khăn, thiếu thốn, chỉ có vài phòng cấp 4 vốn là cơ sở nội trú của Trường Bổ túc Văn hóa công nông cấp 3 Quảng Nam - Đà Nẵng. Đội ngũ cán bộ, giáo viên tiếp nhận từ nhiều nguồn, phần lớn chưa qua kinh nghiệm quản lý, giáo dục HS dân tộc thiểu số. “Năm học đầu tiên, 202 HS các dân tộc vùng cao, xa xôi hẻo lánh được tuyển về trường. Những tháng đầu, do thay đổi môi trường, lại chưa có thói quen vệ sinh tốt nên nhiều em bị đau ốm, có ngày hơn 50% số HS phải nhập viện. Tình hình đó cùng với thiếu thốn về cơ sở vật chất, lại thêm “cơn bão giá - lương - tiền” năm 1985 khiến cho nhà trường vừa ra đời càng thêm khốn khó” - thầy Hiệu chia sẻ.
Cơ ngơi Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh khá khang trang. Ảnh: X.PHÚ |
Là loại hình trường chuyên biệt, tuyển sinh vào trường và giữ chân được các em đã khó, nâng cao chất lượng học tập càng khó hơn. Nhưng trong hoàn cảnh ấy, nhà trường càng thể hiện được tinh thần đoàn kết, luôn tìm cách vượt qua khó khăn. Theo thầy Hiệu, tất cả cán bộ, giáo viên đều thấm nhuần sứ mệnh “Mỗi người vừa là thầy, là cô chú phục vụ; vừa là cha mẹ, anh chị thân thiết của các em HS”. Thế nên, khốn khó ban đầu cũng nhanh chóng trôi qua, nhường chỗ cho những khát vọng vươn lên. Nếu như những năm đầu thành lập, việc duy trì sĩ số chỉ đạt 81% được coi là thành công lớn thì trong nhiều năm trở lại đây đã nâng lên hơn 99% và năm học 2014 - 2015 không có trường hợp nghỉ học giữa chừng. Tương tự, năm học đầu tiên tỷ lệ HS xếp loại học lực trung bình trở lên đạt 61%, khóa thi tốt nghiệp THPT đầu tiên năm 1989 có 50% số HS tốt nghiệp (thành tích này được Sở GD-ĐT tặng giấy khen) thì trong những năm qua các tỷ lệ này đều đạt hơn 97%. Đáng chú ý, nếu như trước đây việc trúng tuyển vào các trường đại học là điều quá xa tầm tay đối với HS nhà trường thì những năm gần đây trở nên bình thường, thậm chí nhiều em trúng tuyển vào các trường tốp trên như Đại học Y khoa Huế, Đại học An ninh, có em còn đỗ thủ khoa đại học. Riêng năm học 2014 - 2015, trường có hơn 52% số HS tốt nghiệp THPT đỗ đại học, thuộc tốp các trường THPT có tỷ lệ tốt nghiệp và đỗ đại học cao nhất tỉnh.
Lãnh đạo nhà trường thường xuyên quan tâm đến chuyện ăn ở nội trú của học sinh. |
Nhiều đột phá
Bảng vàng thành tích Sau 30 năm thành lập, Trường Phổ thông DTNT Quảng Nam có 2.280 HS tốt nghiệp THPT. Trong đó, 1.459 HS đã trở thành bác sĩ, kỹ sư, cử nhân, giáo viên, cán bộ phục vụ tại các địa phương miền núi của tỉnh và cả nước. Hiện còn 566 HS của trường là sinh viên các trường đại học, cao đẳng. Hiện nay, cơ sở vật chất của trường khá khang trang với đầy đủ trang thiết bị phục vụ dạy và học, khu ký túc xá đáp ứng nhu cầu ăn ở nội trú cho 100% số HS. Đội ngũ cán bộ, giáo viên toàn trường có 60 người, trong đó 15% có trình độ thạc sĩ, trở thành một trong những trường THPT có nhiều thạc sĩ nhất tỉnh. Một thuận lợi khác của trường là có nhiều con người gắn bó trong suốt 30 năm qua như Hiệu trưởng Trần Minh Hiệu, Phó Hiệu trưởng Lê Đức Sơn, các thầy cô giáo như Đinh Văn Hồng, Lê Văn Úc, Vương Thị Kim Quang… Trên hành trình phát triển, nhà trường có được bảng vàng thành tích đáng nể: Liên tục trong 20 năm qua được công nhận Tập thể lao động xuất sắc; được Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD-ĐT, UBND tỉnh tặng nhiều bằng khen, cờ thi đua xuất sắc. Đặc biệt, nhà trường đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động các hạng Nhất, Nhì, Ba. |
Trải qua chặng đường 30 năm xây dựng và trưởng thành, nhờ xác định chiến lược phát triển, hướng đi phù hợp, đến nay Trường Phổ thông DTNT Quảng Nam đã đạt được những kết quả ấn tượng, trong đó có nhiều thành tích mang tính đột phá, tiên phong trong hệ thống giáo dục THPT của tỉnh. Tiêu biểu như công tác xây dựng trường chuẩn, kiểm định chất lượng. Năm 2012, trong khi các trường THPT trên địa bàn tỉnh còn đang loay hoay với việc xây dựng trường chuẩn thì Trường Phổ thông DTNT Quảng Nam trở thành trường THPT đầu tiên của tỉnh được công nhận đạt chuẩn quốc gia (đến năm 2014 mới có thêm trường THPT thứ 2 đạt chuẩn). Tương tự, năm 2015 một lần nữa nhà trường là đơn vị đầu tiên đạt chuẩn chất lượng giáo dục cấp độ 3.
Không chỉ tiên phong xây dựng trường chuẩn, nhà trường còn khá linh động trong việc tổ chức các hoạt động giáo dục hướng nghiệp. Chẳng hạn, sau khi tái lập tỉnh, trước bức xúc về nhu cầu cán bộ, giáo viên người tại chỗ ở miền núi, nhà trường đã tham mưu và được các ngành chức năng đồng ý chủ trương đào tạo cho HS đang học tại trường theo phương thức lồng ghép văn hóa - nghề. Dù chỉ triển khai thực hiện được vài năm nhưng đến bây giờ, nhiều cán bộ, giáo viên của trường vẫn tự hào khi liên kết với Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng đào tạo giáo viên tiểu học, liên kết Trường Chính trị tỉnh mở lớp trung cấp quản lý hành chính cho hơn 100 HS, góp phần bổ sung kịp thời đội ngũ cán bộ cơ sở và giáo viên cho miền núi. Đặc biệt, hiện nay đề án phát triển Trường Phổ thông DTNT Quảng Nam thành trường chất lượng cao cho HS dân tộc thiểu số của tỉnh đang chờ UBND tỉnh phê duyệt.
Tăng cường học đi đôi với hành để nâng cao chất lượng đào tạo. Ảnh: X.PHÚ |
Theo Hiệu trưởng Trần Minh Hiệu, chưa bao giờ nhà trường bằng lòng với những kết quả đạt được và luôn tìm cách làm mới mình. Khó khăn lớn nhất mà bất cứ trường DTNT nào cũng phải đối mặt, đó là chất lượng đầu vào thấp, các em thiếu cả thái độ, động cơ học tập, xa gia đình, lạ thói quen sinh hoạt. Do đó, người thầy cũng là cha mẹ, vừa dạy chữ, vừa dạy người và đồng thời còn phục vụ các em. “Việc tổ chức dạy học, ăn ở, vui chơi của HS phải được coi trọng như nhau và giải quyết một cách đồng bộ nhằm tác động tích cực vào quá trình hình thành, phát triển nhân cách toàn diện. Cạnh đó, xây dựng đội ngũ nhà giáo đủ tâm, đủ tầm, hết lòng yêu thương, cảm thông với học trò. Đó là một trong những bài học kinh nghiệm cũng là mục tiêu để trong tương lai xây dựng thành công trường chất lượng cao, tạo nguồn đào tạo cán bộ người dân tộc thiểu số, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội miền núi của tỉnh trong tình hình mới” - thầy Hiệu nói.
XUÂN PHÚ