Truyền thống đoàn kết, bám biển quanh năm của ngư dân xã Tam Quang (Núi Thành) đã đem lại những hiệu quả thiết thực trong sản xuất.
Tam Quang là xã biển nên nghề khai thác hải sản chiếm 75% giá trị trong cơ cấu kinh tế. Đặc biệt, Quảng Nam có đến 6 huyện, thành phố, thị xã tham gia đánh bắt hải sản nhưng riêng xã Tam Quang đã đóng góp đến gần 1/3 sản lượng (20 nghìn tấn so với hơn 70 nghìn tấn của toàn tỉnh). Ngành nghề khai thác hải sản của địa phương gồm lưới vây ánh sáng, lưới vây ngày, câu mực, lưới cá chuồn, câu cá hố, chụp mực. Theo UBND xã Tam Quang, trong năm 2016, thời tiết không thuận lợi, các đội tàu đánh bắt vươn khơi trễ hơn 2 tháng so với năm trước nhưng tổng giá trị khai thác đạt 284 tỷ đồng là thành quả lớn. Kết quả có được là nhờ ngư dân đã mạnh dạn đầu tư đóng mới, cải hoán tàu cá có công suất lớn cũng nhưng ứng dụng các thành tựu về công nghệ trong sản xuất.
Trong năm 2016, nhiều sự cố đã xảy ra với ngư dân trong quá trình đánh bắt hải sản nhưng nhờ có sự phối hợp chặt chẽ với Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Kỳ Hà, Hải đội 2 Biên phòng, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2 cũng như sự đoàn kết của ngư dân nên đã kịp thời cứu hộ, cứu nạn, giảm thiểu nguy cơ thiệt hại về tài sản cũng như tính mạng con người. Chẳng hạn như tàu của anh Nguyễn Thanh Vương (thôn Sâm Linh Đông) nhiều lần lai dắt các tàu khác gặp nạn. Hay tàu cá của ngư dân Trần Liễu (thôn Sâm Linh Tây) lai dắt tàu cá của ngư dân Trần Văn Anh ở cùng thôn vào bờ an toàn khi gặp sự cố hỏng máy. Trong năm 2016, địa phương đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng kịp thời hướng dẫn cho hơn 50 lượt tàu cá vào tránh, trú bão tại đảo Bạch Quy, Bom Bay, Trường Sa Lớn.
Có thể thấy, trong năm qua, các chính sách hỗ trợ của Trung ương và tỉnh đã giúp ngư dân thêm tin tưởng, kiên tâm bám biển gắn với bảo vệ chủ quyền. Với Quyết định 48/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngư dân xã Tam Quang đã nhận được gần 30 tỷ đồng hỗ trợ nhiên liệu; mua máy thông tin liên lạc có tích hợp thiết bị định vị vệ tinh GPS. Từ nguồn vốn vay không lãi suất của Quỹ hỗ trợ ngư dân Quảng Nam, ngư dân xã Tam Quang đã đóng mới được 3 tàu công suất lớn trong năm 2016. Đặc biệt, từ nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ, các ngư dân đã tiếp cận, vay vốn đóng mới 13 tàu công suất lớn với tổng giá trị lên đến hơn 200 tỷ đồng. Hiện tại, từ chính sách này, ngư dân Tam Quang đã có 3 tàu vỏ gỗ, 5 tàu vỏ thép đi vào sản xuất và 3 tàu vỏ thép khác đang thi công. “Từ những chính sách ưu đãi trên, ngư dân tích cực bám biển, làm giàu từ biển cũng như xây dựng thế trận biên phòng vững mạnh” - ông Huỳnh Văn Định, Chủ tịch UBND xã Tam Quang nói.
Hiện nay, tổng số tàu cá trên địa bàn xã Tam Quang là 330 chiếc, tổng công suất 55.500CV. Địa phương kỳ vọng trong năm 2017, 100% tàu cá theo các nghề chủ lực là lưới vây, câu mực khơi được trang bị máy dò cá, máy định vị, máy Icom phục vụ cho sản xuất thuận lợi cũng như nắm bắt giá cả thị trường, hỗ trợ lẫn nhau khi không may xảy ra sự cố. Cùng với đó, 100% ngư dân mua bảo hiểm thân tàu, bảo hiểm tai nạn thuyền viên và trang bị đầy đủ phao cứu sinh, trang bị chống cháy, chống thủng. “Trong năm 2017 này, địa phương rất mong Sở NN&PTNT thường xuyên mở các lớp tập huấn, giúp ngư dân tiếp tục cập nhật những kiến thức về phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn trên biển cũng như hướng dẫn về vùng lãnh thổ, biên giới, hải phận, giúp ngư dân yên tâm sản xuất. Các lực lượng chức năng cũng cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát về đăng ký, đăng kiểm chất lượng tàu cá nhằm giảm bớt rủi ro có thể xảy đến trong quá trình khai thác hải sản của ngư dân” - ông Định nói.
VIỆT QUANG