Quảng Nam đang triển khai nhiều giải pháp để hiện thực hóa định hướng phát triển nghề cá hiện đại. Trong đó, ứng dụng công nghệ mới tiên tiến là điều kiện cần thiết để tăng năng suất và chất lượng hải sản.
Tàu vỏ thép QNa-91441 của anh Trần Văn Nhân tiếp đá cây, chuẩn bị vươn khơi bám biển Hoàng Sa. Ảnh: Thanh Dung |
Ứng dụng công nghệ
Lưới vây là một trong những loại hình đánh bắt chủ lực của tỉnh trong nhiều năm qua, đóng góp hơn 25 nghìn tấn hải sản/năm. Nghề này khai thác chủ yếu đối tượng cá nục, cá ngừ ở ngư trường xa bờ nên đòi hỏi ngư dân phải tìm cách nâng cao giá trị hải sản khai thác được. Hầu hết chủ tàu công suất lớn theo nghề này đều ứng dụng máy móc, thiết bị công nghệ cao.
Anh Trần Văn Nhân (thôn Sâm Linh Tây, xã Tam Quang, Núi Thành) - chủ tàu vỏ thép QNa-91441 có công suất 822CV theo nghề lưới vây đã đầu tư máy định vị, máy định dạng để “đánh dấu” tọa độ có nhiều luồng cá nổi hoạt động mỗi khi ra khơi. Khi đến ngư trường dự báo có nhiều cá nổi, anh Nhân bật máy dò cá ngang, quét 360 độ để dò tìm đàn cá. Hệ thống đèn dẫn dụ cá, gom cá có màu sắc, ánh sáng phù hợp giúp ngư dân thực hiện các công đoạn vây bắt cá dễ dàng. “Những thiết bị, ngư lưới cụ hiện đại đã phát huy tác dụng trong mỗi chuyến biển, mỗi mẻ lưới. Sau khi gom cá, tôi cẩu mẻ lưới lớn lên bằng tời công nghệ mới nhất, trọng lượng có thể lên đến 30 tấn/lần, rất nhanh, tiện lợi, tiết kiệm thời gian” - anh Nhân nói.
Trên tàu cá của mình, anh Nhân đầu tư 8 hầm bảo quản hải sản công nghệ mới bằng vật liệu PU cách nhiệt rất tốt, phủ dày đá lên cá 10 - 12cm xung quanh hầm tàu. Nhờ trang bị hầm PU, thời gian bảo quản hải sản tăng từ 7 lên hơn 20 ngày, chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Hầm trữ nước đá với tỷ lệ hao hụt dưới 5% trong thời gian 20 ngày. “Với hầm bảo quản hải sản công nghệ mới, cá luôn tươi, tăng giá trị đến 20% so với trước. Giá trị kinh tế thu được ở mỗi chuyển biển lớn hơn trước đến 1/3 lần” - anh Nhân chia sẻ.
Với nghề cá chủ lực khác là lưới chụp, ngư dân đã mạnh dạn ứng dụng đèn led để khai thác hải sản. Tính năng ưu việt của loại đèn này so với đèn huỳnh quang hay sodium truyền thống là dễ dàng điều chỉnh nhanh tần suất ánh sáng phát ra khi dẫn dụ cá, tập trung và vây bắt cá. Anh Nguyễn Văn Thịnh (xã Tam Tiến, Núi Thành) - chủ tàu cá QNa-91188, công suất 220CV so sánh, từ khi áp dụng đèn led, sản lượng mực thu được sau mỗi chuyến biển tăng trung bình 5 - 10 tấn. Đèn led có tuổi thọ cao, ít tốn kém nhiên liệu, có thể phát sáng từ năng lượng mặt trời nên cũng đã được ngư dân huyện Thăng Bình ứng dụng.
Phát triển bền vững
Các trạm bờ của tỉnh đầu tư hệ thống liên lạc hiện đại, công nghệ mới để chủ động, thuận tiện kết nối với ngư dân đang hoạt động ở các vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa. Hệ thống máy VX1700 thế hệ mới vừa được lắp đặt ở Chi cục Thủy sản Quảng Nam cho thấy hiệu quả thiết thực. Thông qua máy này, ngành thủy sản cập nhật 24/24 giờ quá trình sản xuất trên vùng biển xa của ngư dân, qua đó hướng dẫn họ không xâm phạm các vùng biển của nước bạn cũng như nhận tin nhắn để hỗ trợ dầu với mức 400 triệu đồng/năm. Tương tác với trạm bờ, các chủ tàu đã lắp đặt máy liên lạc HF tầm xa có gắn thiết bị định vị vệ tinh GPS và máy Movimar luôn luôn nhận được các bản tin dự báo thời tiết để tránh xa khu vực có dông lốc, sóng dữ cũng như các hướng dẫn phòng tránh thiên tai, cứu hộ, cứu nạn từ bờ. “Quản lý, giám sát, khuyến cáo ngư dân thông qua hệ thống liên lạc hiện đại giúp Quảng Nam cùng cả nước dần gỡ “thẻ vàng” thủy sản của Ủy ban châu Âu trong thời gian tới” - bà Phạm Thị Hoàng Tâm, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT) nói.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đình Tùng đánh giá, các “tàu 67” nói riêng, hơn 500 tàu sản xuất xa bờ nói chung ngày càng đóng góp lớn cho phát triển nghề cá của tỉnh, qua đó định hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nghề cá để phát triển bền vững. Thời gian tới, ngành thủy sản cần giúp ngư dân tham khảo, học hỏi, ứng dụng công nghệ mới, máy móc, trang thiết bị hàng hải hiện đại để tăng sản lượng và chất lượng hải sản sau khai thác, qua đó thu được giá trị kinh tế cao sau mỗi chuyến biển dài ngày.
THANH DUNG