Xã Tam Lộc đã về đích nông thôn mới (NTM) sớm hơn một năm so với kế hoạch. Đó chính là thành quả của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã cố gắng vượt qua khó khăn.
Khu văn hóa thể thao thôn Tam An (xã Tam Lộc, Phú Ninh) được đầu tư khá hoàn chỉnh với đầy đủ thiết chế. Ảnh: VINH ANH |
1. Năm 2014, từ Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phú Ninh, ông Lê Văn Tình được huyện điều về làm Chủ tịch UBND xã Tam Lộc. Việc cử một cán bộ phụ trách mảng nông nghiệp, chuyên trách về xây dựng NTM xuống cơ sở, đã chứng tỏ sự quan tâm, ưu tiên của lãnh đạo huyện cho những xã có điều kiện khó khăn như Tam Lộc. Trước đó, từ năm 2011, xã Tam Lộc cùng với nhiều địa phương khác đã tiến hành lập Đề án xây dựng NTM trên địa bàn xã (giai đoạn 2011-2020) và được huyện phê duyệt. Tuy nhiên, qua triển khai cho thấy một số nội dung, cách thức, lộ trình thực hiện các tiêu chí và nguồn vốn đầu tư chưa phù hợp với tình hình thực tiễn địa phương. Vì vậy, đầu năm 2014, UBND xã Tam Lộc kịp thời điều chỉnh, bổ sung Đề án xây dựng NTM giai đoạn 2014-2017 phù hợp với thực tiễn, nguồn lực. “Lúc quy hoạch cứ học theo mô-típ của xã điểm Tam Phước nên khi triển khai đã cho thấy những bất cập, thiếu thực tiễn với một xã khó khăn nhất nhì huyện Phú Ninh như Tam Lộc. Nhận thấy được điều đó nên địa phương tiến hành điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp hơn với tình hình thực tế” - ông Tình cho biết.
Nợ đọng thấp, sẽ trả xong trong năm 2017 Tổng kinh phí được phê duyệt tại đề án nông thôn mới xã Tam Lộc giai đoạn 2011 - 2020 hơn 205,6 tỷ đồng. Đến nay, số kinh phí đã huy động thực hiện hơn 104,3 tỷ đồng; trong đó ngân sách nhà nước chiếm hơn 47%, vốn vay tín dụng gần 30%, vốn doanh nghiệp, hợp tác xã hơn 8%, số còn lại do nhân dân đóng góp. Theo ông Lê Văn Tình - Chủ tịch UBND xã Tam Lộc, đến nay nợ đọng trong xây dựng NTM của xã chỉ còn khoảng 1 tỷ đồng, dự kiến sẽ trả nợ xong trong năm 2017. |
Từ việc điều chỉnh đề án, xã Tam Lộc đã thực hiện phương châm “việc dễ làm trước, khó để sau”, trọng tâm là tập trung thực hiện các tiêu chí “mềm” như đẩy mạnh sản xuất, củng cố an ninh trật tự, môi trường… Ông Tình cho biết thêm: “Khi tôi về xã năm 2014, lúc đó xây dựng NTM ở địa phương dường như chỉ mới bắt đầu, còn cả một “núi” công việc cần phải làm vì chưa có một tiêu chí nào hoàn chỉnh cả. Tam Lộc là địa phương khó khăn nhất nhì huyện. Nhưng đã đặt ra mục tiêu NTM thì phải làm cho bằng được. Mình không có điều kiện thuận lợi như những địa phương khác thì phải vượt khó, tranh thủ việc gì dễ thì làm trước, chứ nếu cứ ngồi chờ kinh phí mới đầu tư thì biết bao giờ về đích”.
2. Trong câu chuyện xây dựng NTM, ông Tình rất nhiều lần nhấn mạnh đến sự đoàn kết, thống nhất, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, nhất là sự ủng hộ từ phía người dân. Ông quả quyết, nếu người dân không đồng tình thì công việc xây dựng NTM không thể thành công. Nhất là trong đầu tư xây dựng cơ bản, đường giao thông, thủy lợi, các thiết chế văn hóa… “Mọi công trình NTM hầu như đều liên quan đến đất đai, tài sản của người dân. Nếu nhân dân không ủng hộ, tự nguyện hiến đất, cây cối thì thử hỏi làm sao để đầu tư xây dựng các công trình đó. Vì thế công tác tuyên truyền là rất quan trọng. Khi người dân hiểu được lợi ích từ xây dựng NTM và tích cực hưởng ứng mới làm được” - ông Tình nói.
Chẳng hạn ở thôn Tam An, nằm bên đường bê tông lớn, khu văn hóa thể thao được đầu tư khá hoàn chỉnh và rất bắt mắt, với đầy đủ thiết chế nhà sinh hoạt văn hóa, sân bóng đá, bóng chuyền, cột cờ, tường rào, ghế đá… Ông Nguyễn Hoàng Thuận - Trưởng thôn Tam An cho biết, nhà văn hóa thôn được đầu tư xây dựng với kinh phí hơn 700 triệu đồng, tổng diện tích 4.200m2. Để có được vị trí đẹp, rộng rãi như vậy là nhờ người dân tự nguyện bớt một phần diện tích đất của gia đình để dồn lại bằng chừng đó diện tích cho những hộ dân bị thu hồi đất vì xây dựng nhà văn hóa. “Tính ra trung bình mỗi hộ hiến khoảng 18m2 đất nông nghiệp trong quá trình dồn điền đổi thửa để có đủ diện tích hoán đổi cho những hộ bị thu hồi đất xây dựng nhà văn hóa. Ngoài ra, trong quá trình xây dựng, người dân đã đóng góp rất nhiều công sức, người biết xây dựng thì đến góp công xây, người làm thợ hàn thì đến làm cổng, bờ rào, còn những hộ có cây cảnh đẹp thì mang đến ủng hộ… Nếu nhân dân không ủng hộ sẽ không có khu văn hóa thể thao quy mô và khang trang như vậy” - ông Thuận chia sẻ. Được biết, từ lúc hoàn thành đến nay, bà con nhân dân trong thôn thường xuyên lui tới để tham gia sinh hoạt văn hóa, chơi thể thao rèn luyện sức khỏe.
3. Quan trọng nhất của xây dựng NTM là làm sao để đời sống người dân được nâng cao, cải thiện. Từ đó, những năm qua, xã Tam Lộc đã tập trung triển khai thực hiện quy hoạch sản xuất, hoàn thành kế hoạch dồn điển đổi thửa trên địa bàn xã (với diện tích hơn 312ha); thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng giảm diện tích sản xuất lúa chuyển sang trồng các loại cây trồng cạn có hiệu quả kinh tế cao hơn như: dưa hấu, bắp (diện tích hơn 70ha); phát triển các mô hình chăn nuôi gia trại, trang trại (đã phát triển trên 12 gia trai, trang trại); cơ giới hóa trong nông nghiệp được quan tâm đầu tư (chiếm tỷ lệ 75%)... Nhờ đó, đến nay đời sống của người dân Tam Lộc đã thay đổi đáng kể, thu nhập bình quân đầu người năm 2016 đạt hơn 27 triệu đồng, tăng gấp 2,5 lần so với năm 2010; tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2016 chỉ còn 3,48% (theo tiêu chí tiếp cận đa chiều).
Ban Quản lý xây dựng NTM xã Tam Lộc phối hợp tổ chức trao hỗ trợ 6 bò giống sinh sản (15 triệu đồng/con) cho hộ nghèo trên địa bàn dịp đầu năm 2017. Ảnh: PHAN VINH |
Một điểm nhấn khác phải kể đến là nhờ sự quan tâm, đầu tư hệ thống đường giao thông nội đồng, nhất là kênh mương thủy lợi, trạm bơm… nên sản xuất nông nghiệp ở Tam Lộc đạt được nhiều kết quả tích cực. Cùng với dồn điền đổi thửa, việc đầu tư hệ thống kênh mương tưới tiêu đã góp phần đảm bảo nước tưới cho 86% diện tích đất (năm 2010 chỉ đảm bảo khoảng 40% diện tích). Kết quả này thể hiện rõ sự nỗ lực, cố gắng của địa phương trong việc chú trọng nâng cao năng suất, sản lượng nông nghiệp. Nông dân có đất canh tác trên cánh đồng Tranh hết sức phấn khởi vì Nhà nước vừa đầu tư con kênh dẫn nước từ kênh chính hồ Phú Ninh vào phục vụ tưới tiêu. “Bao năm nay, nguồn nước dẫn vào ruộng không đảm bảo vì hệ thống kênh bê tông chưa được đầu tư. Bây giờ thì tốt rồi, bữa nay nước non đảm bảo, bà con yên tâm để chuyển đổi cây trồng, tăng thu nhập” - ông Lê Xuân Trọng (trú tại thôn Đại Đồng) chia sẻ.
Tuy về đích NTM sớm hơn một năm, song lãnh đạo xã Tam Lộc thẳng thắn nhìn nhận, kết quả đạt được mới chỉ là bước đầu, tính bền vững của nhiều tiêu chí chưa cao. Việc lúng túng trong triển khai quy hoạch đất sản xuất nông nghiệp, nhất là khu chăn nuôi tập trung, vùng chuyên canh, cánh đồng mẫu và những hạn chế trong việc đảm bảo an ninh trật tự, môi trường… là những tồn tại cần sớm được khắc phục. Thời gian đến, tranh thủ sự hỗ trợ từ cấp trên và nội lực địa phương, Tam Lộc phấn đấu xây dựng bền vững các tiêu chí. Trong đó, ưu tiên vẫn là tiếp tục đầu tư, hoàn thiện hạ tầng, nhất là giao thông, thủy lợi và triển khai có hiệu quả xây dựng “khu dân cư NTM kiểu mẫu”.
VINH ANH