(QNO) - Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa phát đi cảnh báo mới nhất về thực trạng căn bệnh ung thư trên toàn cầu. Trong đó, số ca mắc mới ung thư tại Việt Nam không ngừng tăng.
Việc phát hiện và chẩn đoán bệnh ung thư ở rất nhiều bệnh nhân diễn ra khá muộn. Ảnh: livebetterwith |
Theo thống kê của Cơ quan Nghiên cứu quốc tế về ung thư của WHO, số người bị ung thư trên toàn cầu đang tăng nhanh, ước tính với 18,1 triệu trường hợp mới và 9,6 triệu ca tử vong chỉ riêng trong năm 2018. Nghiêm trọng hơn, vào cuối thế kỷ này, ung thư sẽ là “kẻ giết người số một” trên thế giới và đây chính là rào cản lớn nhất trong việc tăng tuổi thọ của chúng ta.
Hiện nay, gần một nửa số trường hợp ung thư mới và hơn một nửa số ca tử vong do ung thư trên toàn cầu thuộc châu Á - nơi chiếm 60% dân số thế giới, châu Mỹ chiếm 21% số ca ung thư. Mặc dù chỉ chiếm 9% dân số thế giới, châu Âu chiếm 23,4% trường hợp mắc bệnh ung thư và 20,3% số ca tử vong.
Mười quốc gia có tỷ lệ ung thư (tính theo tỷ lệ phần trăm so với dân số) cao nhất đều là những nước phát triển. Đó là Australia, New Zealand, Ireland, Hungary, Mỹ, Bỉ, Pháp, Đan Mạch, Na Uy, Hà Lan. Tại châu Á, Hàn Quốc có tỷ lệ mắc ung thư cao nhất, đứng thứ 2 là Singapore, tiếp đó là Nhật Bản, Trung Quốc.
Việt Nam xếp vị trí 99/185 quốc gia và vùng lãnh thổ với tỷ lệ mắc ung thư, xếp 19 châu Á và thứ 5 tại khu vực Đông Nam Á. Vào năm 2015, Việt Nam xếp vị trí 107 và thời điểm 2013 xếp ở vị trí 108. Số ca mắc mới ung thư tại Việt Nam không ngừng tăng, từ 68.000 ca năm 2000 lên 126.000 năm 2010. Năm 2018, số ca mắc mới sẽ tăng lên gần 165.000 ca/96,5 triệu dân, trong đó gần 70% trường hợp tử vong, tương đương 115.000 ca. Cũng tại Việt Nam, khoảng 71,4% trường hợp ung thư tới bệnh viện khi đã ở giai đoạn muộn.
Ung thư phổi, ung thư vú, ung thư đại trực tràng, ung thư dạ dày và ung thư gan là những căn bệnh phổ biến gây chết người trong năm 2018. Cũng theo WHO, những yếu tố nguy cơ gây ung thư đó là về hành vi và chế độ ăn: chỉ số khối cơ thể cao (thừa cân - béo phì), chế độ ăn ít trái cây và rau xanh, ít vận động thể lực, hút thuốc lá và uống rượu.
Bên cạnh đó, đến khám muộn và không được tiếp cận các dịch vụ chẩn đoán và điều trị là rất phổ biến. Năm 2015, chỉ 35% các nước thu nhập thấp cho biết là có dịch vụ giải phẫu bệnh tại các cơ sở y tế công lập. Hơn 90% quốc gia thu nhập cao có dịch vụ điều trị ung thư trong khi đó tỷ lệ này ở các nước có thu nhập thấp chỉ chưa tới 30%.
Tiến sĩ Christopher Wild - Giám đốc Cơ quan Nghiên cứu ung thư quốc tế cho biết, những con số mới này nhấn mạnh rằng vẫn còn nhiều việc phải làm để giải quyết gánh nặng ung thư tăng đáng báo động trên toàn cầu và việc phòng ngừa đóng vai trò quan trọng. Các chính sách phòng ngừa và phát hiện sớm hiệu quả phải được thực hiện khẩn trương để bổ sung các phương pháp điều trị nhằm kiểm soát căn bệnh đặc biệt nguy hiểm này.
QUỐC HƯNG