Cán bộ đam mê viết phần mềm quản lý

MỸ LINH - THANH THẮNG 21/05/2020 16:20

(QNO) - Nghiên cứu, tìm tòi rồi tự viết các phần mềm, ứng dụng phục vụ công việc chuyên môn, anh Trần Anh Đức (SN 1983) - Phó Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Hiệp Đức đã giúp đơn vị thực hiện hiệu quả việc lưu trữ hồ sơ, quản lý lao động - việc làm.

Anh Trần Anh Đức đang nhập thông tin trên phần mề Điều tra nhu cầu và quản lý thông tin xuất khẩu lao động trên địa bàn huyện Hiệp Đức. Ảnh: L.T
Anh Trần Anh Đức. Ảnh: L.T

Tốt nghiệp ngành quản trị kinh doanh nhưng có đam mê tin học nên anh Đức luôn tìm tòi, nghiên cứu làm web và tạo một số ứng dụng phục vụ công tác chuyên môn. Anh Đức kể, năm 2007, khi làm việc tại Văn phòng HĐND và UBND huyện Hiệp Đức, anh đã xây dựng phần mềm quản lý sổ văn bản đi - đến tại văn phòng. Phần mềm này được sử dụng hiệu quả cho đến khi có Q-Office thay thế. Anh cũng đã xây dựng một số ứng dụng khác để hỗ trợ công việc.

Sau đó anh Đức chuyển đến công tác tại Phòng LĐ-TB&XH và đảm nhiệm chức vụ Phó Trưởng phòng, phụ trách lĩnh vực người có công. Khối lượng văn bản, công việc của ngành quá nhiều cùng việc đối thoại, tiếp dân thường xuyên, yêu cầu phải nắm được chính sách, văn bản để trả lời người dân nên năm 2017, anh làm App tra cứu văn bản chính sách người có công trên các dòng điện thoại Android.

“Văn bản có những vấn đề, chi tiết không phải ai cũng nhớ hết được. App này sẽ cập nhật văn bản, những điểm quan trọng khi cần sẽ có ngay, đỡ mất công đi lục tìm văn bản. Nhất là khi đi vùng sâu, vùng xa không có mạng thì cũng có thể dùng được, rất thuận tiện” - anh Đức nói.

Chị Lê Thị Út Kiều - chuyên viên Phòng LĐ-TB&XH huyện chia sẻ, điện thoại được cài đặt App tra cứu chính sách người có công nên khi làm việc hay xuống cơ sở chị đều tự tin hơn hẳn. “Công việc của phòng rất nhiều mảng nên không thể nhớ hết các văn bản, chính sách, mà cụ thể là các điểm quy định để trả lời cho từng trường hợp. Từ khi có App, lúc nào cần thông tin, chỉ cần mở điện thoại là tìm thấy ngay, do các thông tin trên App được chọn lọc cụ thể, bố trí khoa học” - chị Kiều nói.  

Nhận thấy số lượng lao động xuất khẩu của huyện tăng dần qua các năm, cần phải quản lý khoa học để phục vụ công tác báo cáo và quản lý, anh Đức cùng chị Nguyễn Thị Cao Thiên - chuyên viên của phòng xây dựng phần mềm điều tra nhu cầu và quản lý thông tin xuất khẩu lao động trên địa bàn huyện.

Giao diện phần mềm Điều tra nhu cầu và quản lý thông tin xuất khẩu lao động. Ảnh: L.T
Giao diện phần mềm điều tra nhu cầu và quản lý thông tin xuất khẩu lao động. Ảnh: L.T

Chị Thiên cho biết, hằng năm, sau khi tổ chức điều tra về nhu cầu xuất khẩu lao động, toàn bộ thông tin dữ liệu sẽ được theo dõi, nhập vào hệ thống phần mềm, qua đó giúp hình thành cơ sở dữ liệu đầy đủ nhất về lao động đã và đang đi xuất khẩu. Nhờ vậy việc thống kê, theo dõi, trích xuất số liệu được thực hiện nhanh chóng, độ chính xác cao, phục vụ tổng hợp báo cáo và tham mưu UBND huyện trong chỉ đạo, điều hành. Đến nay phần mềm này được áp dụng hiệu quả ở Phòng LĐ-TB&XH huyện và 12 xã, thị trấn.

Hiện nay anh Đức tiếp tục viết phần mềm quản lý người cao tuổi. Khi hoàn thiện, phần mềm sẽ theo dõi được số người cao tuổi trên địa bàn, thời điểm chúc thọ... giúp quản lý người cao tuổi trên địa bàn huyện thuận tiện hơn.

“Ngành LĐ-TB&XH với khối lượng công việc rất lớn, quản lý nhiều đối tượng, mất rất nhiều thời gian nên tôi chỉ tranh thủ thời gian nghỉ trong ngày để có thể nghiên cứu các phần mềm sáng tạo phục vụ công việc. Những phần mềm, ứng dụng này xuất phát từ yêu cầu thực tế công việc, chỉ là sáng kiến cá nhân và góp một phần nhỏ giúp các đồng nghiệp xử lý công việc nhanh, chính xác, hiệu quả” - anh Đức chia sẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cán bộ đam mê viết phần mềm quản lý
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO