Cần ứng xử với trường Trung học Nguyễn Duy Hiệu như một điểm đến văn hoá

VĨNH LỘC 31/08/2018 12:15

(QNO) – Rất nhiều ý kiến tâm huyết, tình cảm và đầy trăn trở trước "vận mệnh" ngôi trường có truyền thống lịch sử và nổi tiếng  như trường THPT Nguyễn Duy Hiệu (thị xã Điện Bàn) được nêu ra tại Hội thảo khoa học "Trường Trung học Nguyễn Duy Hiệu – truyền thống và hiện đại" vừa diễn ra sáng nay 31.8 tại thị xã Điện Bàn. Hội thảo thu hút sự tham dự của đông đảo nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử; nhà quản lý giáo dục và cựu học sinh trường.

Toàn cảnh hội thảo
Toàn cảnh hội thảo

Ứng xử trường như một địa điểm văn hóa

Hội thảo tập trung vào 3 nhóm vấn đề chính gồm: đánh giá, khẳng định, làm sáng tỏ giá trị to lớn về cuộc đời và hoạt động cứu nước của danh nhân Nguyễn Duy Hiệu; nghiên cứu các giá trị kiến trúc, lịch sử, các yếu tố văn hóa cũng như những thành tựu của trường… khơi gợi lại những ký ức sâu đậm về ngôi trường đối với nhân dân Điện Bàn và các thế hệ thầy vả trò; nghiên cứu, xây dựng, phát triển ngôi trường đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông, phù hợp với định hướng phát triển của Quảng Nam, thị xã Điện Bàn và bảo tồn các giá trị của ngôi trường.

Đặc biệt, một nội dung thu hút sự quan tâm của đông đảo đại biểu tại hội thảo chính là nên hay không nên di dời ngôi trường Nguyễn Duy Hiệu khỏi vị trí hiện tại. Hầu hết ý kiến cho rằng, cần ứng xử thận trọng với ngôi trường đã có bề dày lịch sử 60 năm.

Ngôi trường gắn liền với ký ức của nhiều thế hệ học trò
Ngôi trường gắn liền với ký ức của nhiều thế hệ học trò

Theo thầy giáo Nguyễn Trí Viễn – nguyên hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Duy Hiệu (giai đoạn 1985 - 2010), sự tồn tại của ngôi trường đã gắn liền với những ký ức, những hoài niệm của bao thế hệ thầy trò 60 năm qua. Đó còn là giá trị lịch sử, văn hóa ghi dấu những thăng trầm của đất nước; là nơi thực dân Pháp bêu đầu nhà yêu nước Nguyễn Duy Hiệu. Cho nên, không phải ngẫu nhiên mà ngôi trường mang tên Nguyễn Duy Hiệu được chọn đặt ở vị trí hiện tại, vì là nơi có hương hồn người anh hùng Nguyễn Duy Hiệu, nên việc di dời ngôi trường không thể theo ý chí chủ quan duy ý chí hoặc tình cảm.

Ông Phạm Thừa – cựu học sinh niên khóa đầu tiên của trường bày tỏ, ông hết sức cảm động khi quay về trường cũ của mình. Tất cả ký ức tuổi học trò như sống lại trong ông. “Bao thế hệ học sinh trường Nguyễn Duy Hiệu đã ra đi và thành công trên đường đời từ ngôi trường này. Trong đó, có nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu nổi tiếng, tôi rất hãnh diện. Bây giờ trở về đây, ngôi trường dù qua 60 năm nhưng vẫn sừng sững y nguyên như năm đầu tôi đi học,  điều đó hết sức vui mừng và cảm động. Theo tôi, cái gì đã có từ lâu và mang tính lịch sử, có truyền thống rồi thì nên duy trì để lại phát triển đừng phá bỏ di dời gì cả”, ông Thừa tâm sự.

Trường Nguyễn Duy Hiệu
Trường Nguyễn Duy Hiệu

Sẽ xem xét cân nhắc lại việc di dời

Tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng, nên ứng xử với ngôi trường như một di tích lịch sử văn hóa. Theo Đại tá, Nhà báo Lê Anh Dũng, Thị ủy Điện Bàn nên có buổi gặp gỡ nhân sĩ, trí thức, cựu nhà giáo, học sinh trường Nguyễn Duy Hiệu để lắng nghe ý kiến. Đồng thời, nên mời các nhà khoa học về quản lý đô thị, kiến trúc để nghe phân tích mang tính khoa học chứ không thể làm theo cảm tính.

“Chúng ta có thể xây dựng một ngôi trường Nguyễn Duy Hiệu mới khang trang hiện đại, quy mô hơn nhưng ngôi trường đó sẽ không có giá trị văn hóa lịch sử, không dấu ấn, không tâm thức. Quá khứ cần được trân trọng nhưng không phải vì thế mà giữ mãi quá khứ nên người lãnh đạo phải biết lắng nghe ý kiến để có ứng xử phù hợp”, ông Dũng nói.

PGS - TS Trần Văn Nam phát biểu tại Hội thảo
GS-TS Trần Văn Nam phát biểu tại Hội thảo

GS–TS Trần Văn Nam, nguyên Giám đốc Trường Đại học Đà Nẵng khẳng định, Trường Nguyễn Duy Hiệu có vị trí rất đắc địa, vừa gần sông vừa gần lộ, đó chính là long mạch tốt để cho trường phát triển. “Tại sao chúng ta không mở rộng trường ra xung quanh hơn là dịch chuyển đến một nơi khác. Ngay cái chợ người ta còn muốn giữ lại huống hồ chi đây là ngôi trường. Tôi có điều kiện đi đây đó nhiều nơi và nghiên cứu về giáo dục của các nước trên thế giới, tôi thấy ngôi trường Nguyễn Duy Hiệu rất đáng tự hào và có một giá trị rất sâu sắc.  

Ở một số nước khi nắm vị trí lãnh đạo chủ chốt thì bao giờ họ cũng ghi trong lý lịch là anh tốt nghiệp trường phổ thông nào sau đó mới nói tốt nghiệp trường đại học nào. Điều đó thấy rằng, cái trường phổ thông và trường đại học luôn là niềm tự hào hãnh diện của học sinh của mỗi ngôi trường. Thực tế, nhiều nơi người ta vẫn giữ lại những ngôi trường của mình dù điều kiện phát triển xã hội có tốt hơn, đơn cử như trường An Thái, Phù Đổng, Phan Châu Trinh ở Đà Nẵng”, GS–TS Trần Văn Nam dẫn giải.

Cần xem xét lại việc di dời trường Nguyễn Duy Hiệu
Cần xem xét lại việc di dời trường Nguyễn Duy Hiệu

GS–TS Trần Văn Nam cho rằng, trừ phi nhường chỗ xây dựng công trình an ninh, quốc phòng có ý nghĩa sống còn, còn lại không có bất kỳ một công trình nào đủ quan trọng để có thể phá đi một ngôi trường 60 năm tuổi với những giá trị lịch sử, văn hóa và truyền thống dạy, học của nó.

“Phải xác định Trường THPT Nguyễn Duy Hiệu là một địa điểm có ý nghĩa văn hóa cần được bảo vệ và có ứng xử thận trọng. Việc đầu tư nâng cấp và phát triển nhà trường cần dựa trên các quan điểm về bảo tồn giá trị văn hóa, đổi mới giáo dục và phát triển bền vững. Kiến nghị thị xã, Sở VH,TT&DL xây dựng hồ sơ công nhận di tích lịch sử văn hóa cho trường.

Đặc biệt, ưu tiên giữ lại ngôi trường THPT Nguyễn Duy Hiệu ở vị trí hiện tại trong mọi quy hoạch phát triển của thị xã Điện Bàn hiện nay và sau này. Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với quy hoạch đô thị, vùng động lực của miền Trung theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ và UBND tỉnh Quảng Nam”, GS–TS Trần Văn Nam kiến nghị.

Các cựu học sinh trường Nguyễn Duy Hiệu chụp ảnh lưu niệm tại hội thảo
Các cựu học sinh trường Nguyễn Duy Hiệu chụp ảnh lưu niệm tại hội thảo

Phát biểu tại hội thảo, ông Võ Hồng – Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cho rằng, mọi di dời hay xây mới phải dựa trên gốc nền văn hóa, phải ứng xử với Trường Nguyễn Duy Hiệu như một điểm văn hóa. “Sau hội thảo hôm nay, tôi đề nghị trường phải có tiếng nói chính thức. Theo tôi, khó có ngôi trường nào có vị trí đẹp như thế này, chưa nói về mặt lịch sử văn hóa. Sắp tới, tôi sẽ tổ chức một đoàn làm việc tại trường, làm việc với sở TN-MT để tính lại phương án có nên di dời hay không. Đồng thời, chúng ta phải có một báo cáo chung gửi cho Sở TN-MT, gửi cho tỉnh để lãnh đạo tỉnh xem xét cân nhắc. Đây còn là vấn đề lịch sử và tương lai của trường nên tôi hứa sẽ làm. Với trách nhiệm vừa là một cựu học sinh vừa là lãnh đạo tỉnh tôi tin rằng chúng ta sẽ có cách làm hợp lý” - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Võ Hồng cam kết.

VĨNH LỘC

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cần ứng xử với trường Trung học Nguyễn Duy Hiệu như một điểm đến văn hoá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO