Chàng trai xứ Quảng đam mê đèn măng sông

NGUYỄN ĐIỆN NGỌC 19/01/2022 07:20

Vào TP.Hồ Chí Minh lập nghiệp với nghề mộc, nhưng anh Nguyễn Văn Vương (quê ở phường Hòa Hương, TP.Tam Kỳ) đam mê sưu tầm đèn măng sông lên đến hàng trăm chiếc.

Anh Nguyễn Văn Vương đang sửa chữa đèn măng sông. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Anh Nguyễn Văn Vương đang sửa chữa đèn măng sông. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Anh Nguyễn Văn Vương sinh năm 1976, trong một gia đình nông dân nghèo ở khối phố Hương Trà Tây (phường Hòa Hương, TP.Tam Kỳ). Do nhà nghèo con đông nên chỉ vừa học hết lớp 9 anh phải nghỉ học, ra đời học nghề mộc để kiếm cơm nuôi bản thân và giúp các em ăn học.

Sau hơn hai năm chăm chỉ học tập đến khi tay nghề vững vàng, anh đi làm công cho một cơ sở sản xuất mộc tư nhân ở địa phương. Đầu năm 2000, tay xách nách mang dụng cụ sản xuất đồ mộc dân dụng lên đường vào Nam lập nghiệp.

Với tay nghề cao cùng sự tháo vát, chịu khó, chẳng bao lâu anh đã làm quen và hòa nhập cùng nhóm thợ mộc cùng quê chuyên sản xuất hàng mộc dân dụng, trang trí nội thất ở khu vực ngã tư Bảy Hiền (TP.Hồ Chí Minh). Là những người cùng cảnh ngộ, tất cả đều thương yêu, đùm bọc nhau giúp công việc làm ăn trôi chảy.

Năm 2006, anh Vương lập gia đình, sau đó tách ra mở cơ sở riêng. Những năm gần đây cơ sở sản xuất mộc của anh Vương chuyên trang trí nội thất cho các công trình nhà ở, căn hộ chung cư.

Với tay nghề và uy tín cao, không chỉ quanh khu vực TP.Hồ Chí Minh mà anh còn nhận các công trình ở các tỉnh Lâm Đồng, Gia Lai, Đắk Lắk... Đợt dịch lần thứ 4 bùng phát mạnh ở TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận nên hơn 6 tháng qua công việc của anh cũng chững lại.

Rảnh rỗi, lại nhớ quê nhà, nhớ đến ngày xưa thường hay bị cúp điện ước có một cây đèn măng sông vừa đủ sáng để học bài khiến anh Vương tìm kiếm tư liệu liên quan. Càng nhớ chuyện ngày xưa anh càng muốn tìm mua vài cây đèn cũ về tu sửa để làm kỷ niệm và sử dụng khi cần thiết.

Thông qua mạng xã hội được một người bạn quê ở Hà Nam gửi tặng một cây đèn măng sông cổ do Trung Quốc sản xuất. Nhận được quà, anh mua phụ kiện về thay thế, sửa chữa, mua dầu hỏa đổ vào, bật lửa đèn chiếu sáng cả một góc nhà. Đam mê cứ thế lớn dần, anh tìm mua đèn măng sông cũ, hỏng hóc với giá từ 400 - 700 nghìn đồng/cái.

Qua hơn 6 tháng sưu tầm, mua phụ kiện thay thế, sửa chữa hoàn thiện, đến nay có gần 100 đèn măng sông cổ do các hãng Aida, Petromax, Daylite, Butterfly, Optimus, Hipolito, Geniol, Coleman,Vapalux, Bialaddin, Alladin, Anchor, Redheart... của các nước Đức, Thụy Điển, Anh, Pháp, Mỹ, Trung Quốc... sản xuất vào các năm đầu của thế kỷ XIX với giá trị dao động từ 1,7 triệu đồng đến 6 triệu đồng/cái.

Anh Nguyễn Văn Vương cho biết, đèn măng sông thắp bằng xăng, dầu hỏa hoặc hơi gas, ngọn đèn có chụp măng sông rất sáng, đèn có lõi là một ống làm bằng sợi có thấm một thứ muối kim loại, úp lên ngọn lửa để làm tăng độ sáng. Măng sông là cái lưới bằng chỉ cotton có tẩm hóa chất đặc biệt, khi cháy phát ra ánh sáng trắng tự nhiên. Đèn có quai treo lên xà nhà hay để trên bàn sử dụng sinh hoạt trong gia đình rất tiện lợi.

“Trong căn nhà thuê chật chội nhưng tôi rất vui về khối tài sản vô giá này. Nếu dịch Covid-19 được kiểm soát, cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới, số đèn này tôi sẽ mang về trang trí dọc đường làng Hương Trà góp phần cùng TP.Tam Kỳ tổ chức thành công lễ hội “Mùa hoa sưa” năm 2022” - anh Nguyễn Văn Vương nói.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chàng trai xứ Quảng đam mê đèn măng sông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO