Chung tay xoa dịu nỗi đau

VINH ANH 12/08/2019 10:23

Cùng với sự quan tâm, hỗ trợ từ chính sách của Nhà nước; các đơn vị, nhà hảo tâm đã đồng hành với Hội Nạn nhân chất độc da cam (CĐDC) các cấp trong công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân và gia đình nạn nhân CĐDC vượt lên nỗi đau, thêm động lực vươn lên trong cuộc sống.

Lãnh đạo tỉnh tặng quà cho các nạn nhân CĐDC/dioxin. Ảnh: V.A
Lãnh đạo tỉnh tặng quà cho các nạn nhân CĐDC/dioxin. Ảnh: V.A

“Nạn nhân CĐDC được cho là “những người nghèo nhất trong những người nghèo, người đau khổ nhất trong những người đau khổ”. Chính vì vậy, khắc phục hậu quả CĐDC là lương tâm, trách nhiệm của cộng đồng và xã hội. Nạn nhân CĐDC rất cần, họ cần lắm sự chia sẻ, quan tâm của cộng đồng, của chúng ta và của mọi người”. Đó là thông điệp xuyên suốt mà những người làm công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân CĐDC luôn mong muốn truyền tải đến với tất cả mọi người với một mục đích cùng nhau chung tay xoa dịu nỗi đau da cam.

Quảng Nam có 35 nghìn người bị phơi nhiễm chất độc hóa học; đến nay hơn 7.000 nạn nhân bị nhiễm CĐDC/dioxin, trong đó thế hệ thứ nhất hơn 5.000 người, số còn lại là nạn nhân thế hệ thứ 2 và thứ 3.

Lan tỏa tinh thần nhân ái

Năm nay không phải là năm chẵn, tuy nhiên Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin tỉnh vẫn quyết định xin chủ trương của UBND tỉnh để tổ chức lễ kỷ niệm 58 năm thảm họa da cam ở Việt Nam (10.8.1961 - 10.8.2019). Chương trình được tổ chức công phu, được truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Phát thanh - truyền hình Quảng Nam, với sự tham dự của lãnh đạo Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin Việt Nam, lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh. Đặc biệt là sự có mặt có 130 nạn nhân CĐDC đại diện cho hơn 7.000 nạn nhân bị nhiễm CĐDC/dioxin ở 18 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Phải nhấn mạnh rằng, trong điều kiện khó khăn, công tác hội có nhiều biến động do thay đổi từ chủ trương sắp xếp tổ chức bộ máy, việc tổ chức một chương trình như vậy là sự nỗ lực, cố gắng rất lớn của Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin tỉnh.

Thông qua chương trình, hội mong muốn lan tỏa tinh thần nhân ái nhằm tiếp tục kêu gọi sự ủng hộ, đóng góp của cộng đồng cho nạn nhân. Đồng thời cũng là dịp để nhắc nhở mọi người về sự khốc liệt của chiến tranh; sự tàn phá, ảnh hưởng khủng khiếp của chất độc hóa học, CĐDC/dioxin. Ông Nguyễn Anh Cả - Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin tỉnh cho biết, trong buổi lễ và dịp kỷ niệm 58 năm thảm họa da cam, hội đã nhận được sự quan tâm, hỗ trợ kinh phí của hơn 100 tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh, với số tiền hơn 400 triệu đồng. Toàn bộ tiền tiếp nhận được hội cập nhật đầy đủ và công bố trên trang web của hội. Phát biểu tại buổi lễ kỷ niệm, ông Cả thay mặt nạn nhân CĐDC trong tỉnh cảm ơn những tấm lòng nhân ái đã ủng hộ, giúp đỡ tinh thần và vật chất. Được biết, từ nguồn quỹ vận động, dịp kỷ niệm 58 năm thảm họa da cam này, Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin tỉnh đã trích kinh phí tặng quà gần 200 nạn nhân và trẻ khuyết tật (500 nghìn đồng/suất).

Tấm lòng một nữ nhà văn Nhật

Nhắn tin “Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam”

Ngày 30.7.2019, tại Thủ đô Hà Nội, Trung ương Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin Việt Nam phối hợp với Cổng Thông tin điện tử nhân đạo quốc gia 1400 tổ chức Lễ phát động Chương trình nhắn tin “Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam 2019” với cú pháp “DA CAM” gửi 1409 (20.000 đồng/tin nhắn), kêu các tổ chức, cá nhân trên cả nước ủng hộ, giúp đỡ nạn nhân và gia đình nạn nhân nhiễm CĐDC . Ngoài hình thức nhắn tin qua Cổng Thông tin nhân đạo 1400, hội còn kêu gọi các cá nhân và tổ chức trên cả nước ủng hộ trực tiếp bằng hiện vật hoặc chuyển tiền qua tài khoản của Quỹ Nạn nhân CĐDC/dioxin Việt Nam. Toàn bộ số tiền ủng hộ được sử dụng để hỗ trợ nuôi dưỡng, khám chữa bệnh, cấp thuốc, đào tạo nghề, tặng sổ tiết kiệm, sửa chữa nhà cho nạn nhân CĐDC.(V.ANH)

Từ nhiều năm nay, nhân dịp kỷ niệm ngày thảm họa da cam ở Việt Nam, đoàn Hội đồng Hòa bình và hữu nghị Nhật - Việt tỉnh Saitama (JVPF Saitama) đều dành thời gian sang thăm và làm việc tại Quảng Nam. Trong đó, hoạt động chính của đoàn là hướng đến nạn nhân CĐDC của tỉnh. Những chuyến đi như vậy luôn có sự tham gia của nữ nhà văn Hiramatsu Tomoko - Phó Chủ tịch JVPF Saitama, một người có tình cảm đặc biệt với đất nước và con người Việt Nam. Bà cũng là cầu nối cho nhiều người dân Nhật Bản biết và dành nhiều tình cảm chia sẻ về vật chất lẫn tinh thần cho nạn nhân CĐDC Quảng Nam. Mối liên kết tình cảm này xuất phát từ cơ duyên giữa nhà văn với bà Nguyễn Thị Bình (nguyên Phó Chủ tịch nước - PV) khi thực hiện tập sách “Bà Nguyễn Thị Bình - người phụ nữ làm thay đổi thế giới”. Nhà văn Hiramatsu Tomoko đã dùng tiền bán sách và huy động sự ủng hộ của các thành viên trong tổ chức JVPF Saitama cùng người dân Nhật Bản để thực hiện một chương trình nhân ái dành cho nạn nhân da cam từ năm 2012 đến nay. Trong thời gian này, 30 “Nhà nhân ái” cho nạn nhân da cam trong tỉnh đã được xây dựng, sửa chữa nhờ một phần nguồn hỗ trợ hơn 1,2 tỷ đồng từ nhà văn Hiramatsu Tomoko và tổ chức  JVPF Saitama.

Đầu tháng 8 này, nhà văn Hiramatsu Tomoko và một số thành viên của tổ chức JVPF Saitama lại đến Quảng Nam để tiếp tục thực hiện hành trình nhân ái đó. Thông qua Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị tỉnh, nhà văn Hiramatsu Tomoko đã trao tặng 500 triệu đồng để liên hiệp phối hợp với chính quyền, tổ chức ở các địa phương tiếp tục triển khai kế hoạch xây dựng 10 “Nhà nhân ái” tặng nạn nhân da cam.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chung tay xoa dịu nỗi đau
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO