Công tác giảm nghèo ở Tây Giang: Những nhân tố mới

ĐÌNH HIỆP 07/12/2020 10:18

Nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, vận động nhiều nguồn lực, bức tranh giảm nghèo ở Tây Giang đã có nhiều điểm sáng. Trong đó đáng chú ý là nhiều hộ gia đình trẻ siêng năng làm ăn và tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo.

Anh Rađêl Vui xây dựng thành công mô hình nông nghiệp khép kín từ trồng trọt, chăn nuôi tập trung kết hợp với làm thêm nghề đan lát truyền thống. Ảnh: Đ.Hiệp
Anh Rađêl Vui xây dựng thành công mô hình nông nghiệp khép kín từ trồng trọt, chăn nuôi tập trung kết hợp với làm thêm nghề đan lát truyền thống. Ảnh: Đ.Hiệp

Siêng lao động để thoát nghèo

Câu chuyện xin được thoát nghèo bắt đầu từ những hộ gia đình trẻ. Từ chỗ suốt ngày “làm bạn với rượu”, trông chờ vào sự cứu trợ của Nhà nước, thì nay nhiều thanh niên đã đi làm ăn với cái cuốc, cái rựa, cái bay. Họ hăng say làm việc để kiếm tiền nuôi gia đình, mong sớm thoát nghèo bền vững.

Gia đình anh Alăng Bôn (thôn Nal, xã Lăng) là một điển hình. Lập gia đình với hai bàn tay trắng, nay anh Bôn đã làm được ngôi nhà gỗ ba gian vững chãi, có ti vi, tủ lạnh, xe máy. Anh được bà con trong thôn quý mến vì tính cần cù, chịu khó, không rượu chè và biết lo làm ăn. Hiện nay tranh thủ lúc nông nhàn anh đã xuống Đà Nẵng phụ hồ, kiếm thêm thu nhập cho gia đình.

Vợ anh - chị Agiêng Thị Bing tuy có con nhỏ nhưng đảm đang mọi việc. Từ chăm sóc con đến thu hoạch mủ cao su, chăm sóc đàn bò. Chị chia sẻ: “Khi mới tách hộ, gia đình khó khăn lắm. Nhưng với sự trợ giúp của chính quyền địa phương, đến nay gia đình đã có vườn keo lai 5ha, ba kích 2,4ha và 2ha cao su đang ở tuổi thu hoạch. Gia đình cũng nuôi 7 con bò và 1 ao cá khoảng 3 nghìn con”.

Theo chị Bing, cây cao su, keo, sâm ba kích rất phù hợp với điều kiện tự nhiên ở đây nên dễ trồng và phát triển tốt. Riêng cây cao su, bình quân mỗi tháng gia đình thu nhập 1 triệu đồng từ tiền bán mủ.

Bà Bling Thị Xất - Phó Chủ tịch UBND xã Lăng cho biết, thôn Nal có 162 hộ thì hầu hết đã thoát nghèo. Để có được kết quả này, trước hết là sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương, sự hướng dẫn tận tình của cán bộ xã, thôn..., từ đó người dân hiểu và làm theo. “Tôi rất mừng khi chứng kiến nhiều thanh niên trẻ bỏ hẳn rượu chè, lo làm ăn. Họ đã đến UBND xã tự giác đăng ký thoát nghèo” - bà Xất nói.

Mạnh dạn vay vốn làm kinh tế

Ở xã Dang có nhiều gia đình trẻ trở nên khá giả nhờ biết cách làm kinh tế. Hộ anh Rađêl Vui (thôn Tưr) là trường hợp như vậy. Anh Vui đã thành công với mô hình nông nghiệp khép kín gồm trồng trọt, chăn nuôi và làm thêm nghề đan lát. Anh chia sẻ, năm 2014 khi mới tách hộ, đời sống gia đình vô cùng khó khăn. Năm 2018, anh được Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho vay 50 triệu đồng mua máy cày làm lúa nước, máy cắt cỏ để dọn cỏ cho cây keo lai. Hiện nay, gia đình anh trồng được 8ha keo và nhiều loại cây ăn quả khác.

Đặc biệt anh còn đào ao nuôi cá trắm cỏ, cá chim vừa phục vụ cho gia đình vừa bán cho bà con. Hằng năm, gia đình anh thu nhập từ mô hình kết hợp này khoảng 60 triệu đồng. Lúc nông nhàn, anh đan đát bán cho các hợp tác xã mây tre. Gia đình anh đã làm được ngôi nhà gỗ khang trang, sắm được xe máy, ti vi, tủ lạnh, con cái được lo học hành bài bản, có người tốt nghiệp đại học.

Trước đây, gia đình anh Zơrâm Nên cũng như những gia đình khác ở thôn A chiing (xã Atiêng) sản xuất theo tập quán cũ, dù làm cật lực nhưng cái đói, cái nghèo vẫn đeo bám. Sau nhiều lần suy nghĩ, anh quyết định chọn nghề mộc để học. Sau hai năm học nghề anh trở về quê và được Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho vay vốn phát triển nghề. Lúc đầu cơ sở mộc của anh thành lập chỉ sản xuất hàng mộc dân dụng quy mô nhỏ. Sau đó, anh vận động người dân trong thôn tham gia tổ mộc của mình, vừa mở rộng quy mô sản xuất vừa nhận thi công nhà ở cho bà con. Mỗi năm gia đình anh thu nhập khoảng 100 triệu đồng, năm 2019 anh viết đơn đăng ký thoát khỏi hộ nghèo.

Theo báo cáo của UBND huyện Tây Giang, công tác giảm nghèo ở địa phương có những chuyển biến tích cực. Tỷ lệ hộ nghèo từ 84,64% (năm 2003) giảm xuống còn khoảng 32,53% (năm 2020). Nhiều hộ gia đình trẻ biết cách làm giàu ngay trên quê hương mình. Từ năm 2017 - 2019, có 288 hộ đăng ký thoát nghèo. Năm 2020 có 203 hộ đăng ký thoát nghèo.

Ông Bhling Mia - Chủ tịch UBND huyện cho biết, con đường giảm nghèo ở Tây Giang còn nhiều gian nan, thách thức và khó bền vững. Ví dụ chỉ cần một trận lũ lụt như vừa rồi thì nguy cơ tái nghèo rất cao vì ruộng, nương vườn tược bị sạt lở, vùi lấp. Thời gian đến huyện sẽ ưu tiên đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng phục vụ dân sinh; đẩy mạnh công tác tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật; chuyển dịch cơ cấu cây trồng, con vật nuôi và đặc biệt là đào tạo nghề cho thanh niên.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Công tác giảm nghèo ở Tây Giang: Những nhân tố mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO