Cóp nhặt chuyện in sách, làm báo trước năm 1975

ĐÌNH QUÂN 21/06/2022 06:40

Trước năm 1975 các nhà xuất bản và tòa soạn báo chí phần lớn đều đặt tại Sài Gòn và do tư nhân thực hiện. Trụ sở nhà xuất bản và tòa soạn báo chí có khi đặt ngay tại nhà in để tiện lợi cho công việc trao đổi và giao dịch.

Tờ báo Lục Tỉnh Tân Văn. Ảnh: Tư liệu
Tờ báo Lục Tỉnh Tân Văn. Ảnh: Tư liệu

Nhà xuất bản An Tiêm và Bùi Giáng

Trước năm 1975, có một nhà văn ở miền Nam gần gũi với Bùi Giáng nói rằng, ông chủ nhà xuất bản (NXB) An Tiêm hồi đó là thầy Thanh Tuệ đã đưa ra một quyết định hết sức “táo bạo” và cũng rất điềm nhiên với tấm lòng liên tài đặc biệt mà thầy dành cho Bùi Giáng là những gì Bùi Giáng viết ra phải được ưu tiên xuất bản trước mọi tác giả khác.

Bởi vậy, với sức viết tràn bờ của Bùi Giáng, NXB An Tiêm in đêm in ngày, in mệt nghỉ. Bằng cứ, năm 1969 Bùi Giáng cho ra đời 10 tác phẩm (Sơ thảo tiểu truyện Bùi Giáng - Đặng Tiến).

Và có một chuyện tôi được nghe anh Bốn (con ông bác ruột) kể lại, rằng hồi ấy anh Bốn là thợ sắp chữ (compositeur) cho NXB An Tiêm, anh thấy có một người đặc biệt kỳ dị, vóc dáng thấp bé, gầy nhom và rất hom hem.

Ông thường nằm khoèo trên chồng giấy, những ram giấy khổ lớn chất xếp hàng (giấy dự trữ của nhà in). Mắt ông luôn dán vào những trang sách chi chít chữ Pháp, còn tay phải thì cầm bút ngoay ngoáy lia lịa.

Khoảng gần trưa, khi những người thợ in nghỉ làm, ông lom khom ngồi dậy hỏi các chú đi đâu đấy? Anh Bốn và các nhóm thợ trả lời: ăn trưa, ông muốn đi thì theo chúng tôi… Sau này anh mới biết đó là thi sĩ Bùi Giáng đang làm công việc dịch sách.

Có một điều làm anh Bốn kinh ngạc là Bùi Giáng vừa đọc vừa dịch, không sửa chữa gì nhiều, rồi đưa ngay cái “bản thảo” cho thợ sắp chữ luôn (Bùi Giáng làm thay chủ bút, kiêm luôn biên tập viên!).

Các quầy báo ở Sài Gòn xưa. Nguồn: Báo Thanh Niên và Sài Gòn Giải phóng
Các quầy báo ở Sài Gòn xưa. Nguồn: Báo Thanh Niên và Sài Gòn Giải phóng

Có thể nhận thấy người tâm huyết với sách là ông chủ Thanh Tuệ với cái nhìn sắc sảo, biết chọn lọc người tài năng để cùng hợp tác, bất cần tiền tài danh lợi. Các đầu sách in ra là của các nhà thơ, nhà văn nổi đình nổi đám như Bùi Giáng, Phạm Công Thiện, Tuệ Sỹ, Phùng Thăng, Phùng Khánh…

Cùng “gu” với NXB An Tiêm còn có NXB Lá Bối (do thầy Nhất Hạnh khởi xướng, sau giao lại cho thầy Từ Mẫn đảm trách). Đến nay NXB Lá Bối, An Tiêm để lại cho đời nhiều pho sách giá trị, nếu ai muốn tìm hiểu, nghiên cứu về nền học thuật và tư tưởng ở miền Nam ngày ấy không thể nào bỏ qua kho sách này.

Có một người nữa nên nhắc đến là ông Nguyễn Hùng Trương - ông chủ NXB Khai Trí cũng là người rất đam mê sách. Quả thực rằng, ông Nguyễn Hùng Trương rất “hào phóng” và ông không hề tiếc tiền để mua những bản quyền khi ông đánh giá, ban tu thư thẩm định với những tác phẩm có giá trị lâu dài về mặt văn hóa, học thuật.

Các quầy báo ở Sài Gòn xưa. Nguồn: Báo Thanh Niên và Sài Gòn Giải phóng
Các quầy báo ở Sài Gòn xưa. Nguồn: Báo Thanh Niên và Sài Gòn Giải phóng

Báo chí miền Nam hồi đó đều tập trung tại Sài Gòn, chủ yếu nằm ở quận 1. Cụ thể trên đường Phạm Ngũ Lão có NXB Sống Mới, đường Nguyễn Thái Học thì có Tổng phát hành sách báo Nam Cường, đường Đề Thám có NXB Tân Việt...

Có hơn 30 nhật báo và nhiều tuần san, bán nguyệt san và các tạp chí khác hoạt động khá đều đặn. Đặc điểm của báo chí Sài Gòn là thường gắn liền với một nhà in. Trụ sở nhà in cũng là tòa soạn của tờ báo.

Tòa soạn gồm có một chủ nhiệm (người bỏ tiền ra làm báo), chủ bút (người chịu trách nhiệm với pháp luật và chính trị), tổng thư ký tòa soạn (người chăm lo bài vở). Khuynh hướng của mỗi tờ báo có tính đặc thù như có báo thân với chính quyền (báo Chính Luận); có báo chuyên về xã hội; có báo đối lập, cấp tiến, bảo thủ, đổi mới; kể cả có báo thuần về lĩnh vực văn nghệ, giải trí… Nói thêm, mỗi tờ báo có khi được một ông dân biểu hay một ông nghị sĩ hoặc một chính khách nào đó đỡ đầu.

Bà Tùng Long thời trẻ. Ảnh: Tư liệu
Bà Tùng Long thời trẻ. Ảnh: Tư liệu

Các cách làm báo câu khách

Câu hỏi đặt ra là báo chí thời đó có câu khách theo hàm nghĩa như bây giờ là câu view, câu like hay không. Câu trả lời là có.

Đã ra nhật báo thì phải mở chuyên mục feuilleton (truyện dài nhiều kỳ, sau này tập hợp lại có thể in thành sách như truyện chưởng của Kim Dung do dịch giả Hàn Giang Nhạn đảm trách. Các nhà văn như Dương Hà, Nghiêm Lệ Quân, có cả nhà văn Sơn Nam đồng tham gia).

Phải nói, nhờ có chuyên mục feuilleton mở ra làm trang báo thêm phần duyên dáng. Các tờ báo còn toan tính làm thế nào báo bán nhanh, phát hành số lượng lớn nên đã dùng chiêu “câu khách” ngay trang feuilleton, là khi gần kết thúc trang thường để ngỏ một tình tiết gay cấn, hồi hộp nhất làm thấp thỏm điều ham muốn biết của độc giả. Nó hấp dẫn y như khi xem phim tập của Hàn Quốc. Đã xem thì không thể nào bỏ được!

Bổn báo cũng thường bung mạng lưới thông tín viên (correspondant) săn lùng thông tin nóng bỏng ở mọi ngóc ngách, mọi thời điểm góp phần làm phong phú nội dung tờ báo của mình.

Hấp dẫn nhất, ly kỳ nhất mà các báo đều khai thác hồi đó là chuyện cô Ba-Xi được phát hiện ở Xóm Gà (Gò Vấp). Cô chính là “con rơi” của tổng thống Bokassa! (Bokassa gia nhập binh chủng Lê dương thuộc quân đội Pháp chỉ huy, tham chiến ở chiến trường 3 nước Đông Dương).

Sau này về nước, ông Bokassa đắc cử tổng thống nước Cộng hòa Trung Phi. Năm 1972, ông Bokarass tuyên bố đã tìm được cô con gái gốc Việt bị bỏ rơi tại Sài Gòn và đưa về nước. Ngoài ra bổn báo còn mở chuyên mục ngày ấy nam thanh nữ tú ưa thích, đó là chuyên mục Gỡ rối tơ lòng do Bà Tùng Long phụ trách. Mục đích vẫn là câu khách để báo bán chạy.

Có một mục câu view, câu like khác rất điển hình và cũng làm băng hoại xã hội ngày đó là các nhật báo đua nhau in thai đề. Thai đề “phao tin” là do Thái Thượng Lão Quân, Tề Thiên Đại Thánh, Quan Thánh ứng báo, hay các bà tổ cô tổ mẫu, các thánh thần khải thị, khải huyền.

Câu thai (thơ) có khi chỉ dăm sáu câu thôi, kèm theo hình vẽ kỳ bí làm không ít “độc giả” bỏ tiền ra mua một con số theo suy đoán. Hình thức đánh bạc trá hình này phụ thuộc kết quả kỳ xổ số kiến thiết quốc gia vào chiều thứ 3 hàng tuần. Có nhiều gia đình tan nát cửa nhà tại vì chơi số đề mà báo chí gián tiếp tiếp tay.

Báo chí thời nào cũng cần cung cấp thông tin một cách chính xác, đúng đắn, nhanh nhạy nhất. Người đọc cũng rất cần những cây viết lòng trong bút sáng, thể hiện qua từng trang văn trang báo chân thực nhất.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cóp nhặt chuyện in sách, làm báo trước năm 1975
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO