Đã uống rượu bia, không lái xe

SÁU CÒI 11/02/2020 10:39

Những ngày qua, nhiều luồng thông tin cho rằng cảnh sát giao thông đã dừng kiểm tra nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện, vì sợ người thực hiện kiểm tra, nhất là đối tượng bị kiểm tra dễ nhiễm dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút corona (nCoV) gây ra.

Mặc dù trước đó, Cục Cảnh sát giao thông Bộ Công an đã nêu chính kiến và chỉ đạo cảnh sát giao thông các địa phương phải thực hiện nghiêm túc sẽ không bị ảnh hưởng nếu tuân thủ đúng các quy định của Bộ Y tế, bao gồm vệ sinh tiệt trùng cho thiết bị đo, mỗi ống thổi chỉ dùng một lần.

Sau đó, Cục Cảnh sát giao thông tiếp tục thông báo tạm thời không sử dụng phễu thổi để đo định tính nồng độ cồn. Nhưng việc kiểm tra xử lý vi phạm về nồng độ cồn vẫn được thực hiện nghiêm bằng máy đo có ống thổi riêng cho từng trường hợp, tất nhiên phải tuân thủ theo khuyến cáo của Bộ Y tế.

Cần nhắc lại, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia quy định người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông không được uống rượu, bia. Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định các chế tài xử phạt rất nặng đối với tài xế sử dụng rượu, bia khi lái xe.

Thống kê của Ban An toàn giao thông tỉnh cho biết, tính hết tháng 1.2020, toàn tỉnh đang quản lý 45.523 ô tô và 987.198 xe máy. Trong đó, phần lớn người dân trên địa bàn tỉnh đang sử dụng xe máy làm phương tiện đi lại phải hết sức cẩn trọng, nếu không sẽ bị xử phạt rất nặng theo khung mà Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định, thậm chí mức phạt còn cao hơn cả giá trị xe đang sở hữu.

Chẳng hạn, người có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50mg/100ml máu hoặc dưới 0.25mg/1 lít khí thở trước đây không phạt, bây giờ sẽ bị phạt tiền 2 - 3 triệu đồng, còn bị tước giấy phép lái xe (GPLX) từ 10 - 12 tháng.

Nồng độ cồn vượt quá 50mg đến 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0.25 đến 0.4mg/1 lít khí thở bị phạt tiền 4 - 5 triệu đồng, tước GPLX 16 - 18 tháng; vượt 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0.4mg/1 lít khí thở bị phạt tiền 6 - 8 triệu đồng, tước GPLX từ 22 - 24 tháng.

Với những lỗi là nguyên nhân chủ yếu gây tai nạn giao thông, người điều khiển xe máy cũng bị phạt tăng nặng so với trước đây. Đơn cử, hành vi chạy quá tốc độ quy định từ 5 đến dưới 10km/h bị phạt tiền 200 - 300 nghìn đồng (trước đây phạt 100 - 200 nghìn đồng); chạy quá tốc độ quy định trên 20km/h bị phạt tiền 4 - 5 triệu đồng, đồng thời tước GPLX 2 - 4 tháng (trước đây phạt 3 - 4 triệu đồng, không tước GPLX).

Những lỗi mà người dân xem là nhỏ và thường không để ý khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông, như bật xi nhan khi chuyển làn, chuyển hướng; xi nhan, bấm còi khi vượt trước; dùng điện thoại, thiết bị âm thanh (trừ thiết bị trợ thính) cũng bị phạt theo hướng tăng nặng so với mức phạt tại Nghị định số 46/2016/NĐ-CP.

Đó là, không xi nhan khi chuyển làn bị phạt 100 - 200 nghìn đồng (trước đây 80 - 100 nghìn đồng); không xi nhan khi chuyển hướng bị phạt 400 - 600 nghìn đồng (trước đây 300 - 400 nghìn đồng); không xi nhan, còi khi vượt trước cũng bị phạt 100 - 200 nghìn đồng (trước đây 60 - 80 nghìn đồng). Đáng chú ý, trường hợp chở theo 3 người ngoài bị phạt tiền 400 - 600 nghìn đồng còn bị tước GPLX 1 - 3 tháng.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đã uống rượu bia, không lái xe
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO