Đại Lộc huy động nguồn lực giảm nghèo

TRIÊU NHAN 19/08/2020 20:33

Huyện Đại Lộc đã huy động nhiều nguồn lực, chính sách tập trung cho công tác giảm nghèo. Mục tiêu trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, toàn huyện sẽ xóa hộ nghèo, đưa huyện về đích huyện nông thôn mới vào năm 2025.

Mô hình trồng chè xanh An Bằng giúp tăng thu nhập từ kinh tế vườn xã Đại Thạnh. Ảnh: TRIÊU NHAN
Mô hình trồng chè xanh An Bằng giúp tăng thu nhập từ kinh tế vườn xã Đại Thạnh. Ảnh: TRIÊU NHAN

Đa dạng nguồn lực

Giai đoạn 2015 - 2020, huyện Đại Lộc đã huy động tổng hợp, tối đa nguồn lực từ các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Trung ương như: hỗ trợ bảo hiểm y tế hộ nghèo, hộ cận nghèo; hỗ trợ nhà ở theo Quyết định số 48; hỗ trợ theo Nghị định 116, giải quyết vay vốn hộ nghèo, cận nghèo, cho vay học sinh sinh viên... và nguồn lực của tỉnh phục vụ mục tiêu giảm nghèo bền vững. 

Bà Huỳnh Thị Mỹ Hòa - Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện cho hay, nhờ việc huy động tối đa nguồn lực và đẩy mạnh công tác xã hội hóa phục vụ giảm nghèo nên tỷ lệ hộ nghèo ở địa phương giảm mạnh, từ 8,39% cuối năm 2015 xuống còn 2,75% năm 2020. Giai đoạn 2015 - 2020, có 8.300 lượt hộ nghèo được tiếp cận vốn vay ưu đãi với 217,6 tỷ đồng phục vụ phát triển sản xuất, tăng thu nhập. Huyện triển khai trợ cấp xã hội tại cộng đồng cho hơn 12.282 đối tượng bảo trợ xã hội và hộ gia đình nhận chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội, với tổng kinh phí hơn 279 tỷ đồng... Đại Lộc cũng tổ chức đào tạo nghề cho 980 học viên, giải quyết việc làm 1.500 lao động/năm, trong đó xuất khẩu lao động 748 người. 

Theo ông Lương Tấn Thành - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện, các tổ chức Mặt trận huyện đã triển khai nhiều hoạt động ý nghĩa, thông qua các hoạt động “Ngày vì người nghèo”, phát huy tinh thần tương thân tương ái lá lành đùm lá rách, phát động phong trào thi đua yêu nước, giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, các hoạt động nhân đạo - từ thiện, vận động nguồn lực xã hội hóa góp phần giảm nghèo hiệu quả.

Qua thực tiễn, nhiều tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm, đồng bào xa quê đã chia sẻ khó khăn cho người nghèo chịu ảnh hưởng thiên tai, bão lũ, nhất là đại dịch Covid-19. Qua đó, đã ủng hộ vật chất và tinh thần cho người dân và Quỹ vì người nghèo, xây dựng 320 căn nhà “Đại đoàn kết”. Các cấp Mặt trận và đoàn thể từ huyện tới cơ sở vận động chung tay giúp đỡ 275 hộ nghèo, cận nghèo thoát nghèo, duy trì và phát triển đàn bò sinh sản..., góp phần ổn định an sinh xã hội, nâng cao đời sống người dân. 

Tạo việc làm cho lao động

Nghị quyết Huyện ủy Đại Lộc giai đoạn 2020 - 2025 đặt mục tiêu giải quyết việc làm cho 1.200 - 1.500 lao động/năm, xuất khẩu lao động đạt 100 lao động/năm, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 67%, chủ yếu là nhóm ngành nghề phi nông nghiệp.

Theo bà Huỳnh Thị Mỹ Hòa, để đạt chỉ tiêu trên, cần đẩy mạnh công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động, bởi lẽ người lao động nếu không có trình độ tay nghề sẽ ít có cơ hội có việc làm, thu nhập, dẫn đến đói nghèo. Làm tốt công tác phân luồng đào tạo, thu hút tối đa lao động vào học nghề với các yêu cầu: đảm bảo phù hợp với khả năng của từng loại lao động, cơ cấu lao động, nâng cao trình độ người lao động, định hướng đúng cho số lao động mới được bổ sung. Phát huy vai trò cầu nối giữa người lao động với các doanh nghiệp, cập nhật thông tin thị trường lao động, rà soát, ghi chép, cập nhật thông tin cung - cầu, thị trường lao động. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, tư vấn chính sách của tỉnh, huyện về hỗ trợ, khuyến khích người lao động đi làm việc có thời hạn và theo thời vụ tại nước ngoài, cụ thể là tại Nhật Bản và Hàn Quốc...

Theo ông Nguyễn Hữu Vũ - Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Đại Lộc, để đạt mục tiêu Nghị quyết Huyện ủy giai đoạn 2020 - 2025 về giảm nghèo, các cấp, ngành, đoàn thể chính trị - xã hội phải vào cuộc quyết liệt. Cần đẩy mạnh tuyên truyền, từng bước xóa bỏ tư tưởng trông chờ ỷ lại, tư tưởng “xin nghèo”; phát huy tinh thần tự lực, khơi dậy ý chí chủ động, phấn đấu vươn lên thoát nghèo. Nâng cao năng lực và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân về thực hiện giảm nghèo bền vững. Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, sự điều hành của chính quyền, phát huy vai trò của các tổ chức Mặt trận và đoàn thể trong công tác giảm nghèo. Huyện phát động phong trào thi đua “Cùng nhau vượt nghèo”, “Ngày vì người nghèo” sâu rộng trong nhân dân. Cần có giải pháp về cơ chế chính sách, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực nhà nước, nguồn lực xã hội.

Đại Lộc đang đẩy mạnh thu hút, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư ở các địa phương khó khăn để giải quyết việc làm cho người lao động. Ưu tiên giải quyết việc làm cho lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo. Tăng cường xã hội hóa công tác giảm nghèo, khuyến khích, vận động các nhà tài trợ, cá nhân, doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị nhận hỗ trợ hộ nghèo. Phát huy hiệu quả các mô hình giảm nghèo bền vững của các tổ chức, đoàn thể chính trị và xã hội.

“Cần phải điều tra, khảo sát, rà soát hộ nghèo, cận nghèo, hộ gia đình khó khăn làm cơ sở thực hiện các chính sách, đảm bảo việc hỗ trợ đúng đối tượng, đúng mục tiêu. Xây dựng kế hoạch giảm nghèo cụ thể đối với từng nhóm nguyên nhân nghèo theo địa chỉ của từng hộ nghèo của từng thôn, tổ dân cư. Biểu dương, khen thưởng địa phương, đơn vị làm tốt, nhân rộng gương điển hình, mô hình giảm nghèo hiệu quả và bền vững. Với sự nỗ lực, tập trung mạnh và đồng bộ các giải pháp, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đại Lộc quyết tâm sẽ xóa hết hộ nghèo (ngoại trừ đối tượng bảo trợ xã hội), đưa huyện về đích huyện nông thôn mới vào năm 2025 như mục tiêu, kỳ vọng đặt ra” - ông Vũ chia sẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đại Lộc huy động nguồn lực giảm nghèo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO