Đẩy mạnh hòa giải trên lĩnh vực đất đai

V.LY - G.BIÊN -T.THỰC 22/03/2021 06:20

Đẩy mạnh công tác hòa giải, tăng cường đối thoại góp phần hiệu quả trong việc giảm tranh chấp về đất đai... Thực tế tại TP.Tam Kỳ và Thăng Bình, thời gian qua nhờ thực hiện có hiệu quả công tác đối thoại, hòa giải đã giảm được áp lực cho địa phương về quản lý hiện trạng đất đai, giải phóng mặt bằng. 

Một vụ hòa giải được tổ chức tại thôn Thăng Tân, xã Tam Thăng (TP.Tam Kỳ). Ảnh: V.LY
Một vụ hòa giải được tổ chức tại thôn Thăng Tân, xã Tam Thăng (TP.Tam Kỳ). Ảnh: V.LY

Phát huy tổ hòa giải

Gần đây, giá đất trên địa bàn TP.Tam Kỳ biến động mạnh dẫn đến việc phát sinh những tranh chấp về đất đai trong nhân dân tăng đáng kể. Trước thực trạng này, TP.Tam Kỳ đã đẩy mạnh công tác hòa giải cơ sở, đặc biệt trên lĩnh vực đất đai. Tại xã Tam Thăng, kể từ khi Khu công nghiệp Tam Thăng được thành lập đã làm đổi thay diện mạo của một vùng quê, theo đó nhiều vụ việc tranh chấp, khiếu kiện liên quan đến đất đai cũng gia tăng nên các tổ hòa giải ở các thôn phải vào cuộc thường xuyên.

Ông Lê Đình Nho - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Thăng cho biết, riêng trong năm 2020, hơn 90% đơn thư tập trung trên lĩnh vực đất đai. Để tiến hành hòa giải một vụ việc tranh chấp đất đai cần rất nhiều bước, trong đó việc xác minh nguồn gốc đất là một trong những khâu quan trọng.

“Công tác hòa giải trên địa bàn xã được triển khai với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; kết quả hòa giải thành công chiếm tỷ lệ 70% trên tổng số đơn thư tiếp nhận. Thời gian tới, địa phương tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng của 8 tổ hòa giải trên địa bàn cũng như phối hợp với ngành chức năng thành phố giải quyết dứt điểm những đơn thư còn lại”.

Hằng năm, TP.Tam Kỳ đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch về công tác hòa giải ở cơ sở. Trong đó tập trung trên các lĩnh vực đất đai, bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư. Đồng thời củng cố, kiện toàn tổ hòa giải và đội ngũ hòa giải viên; nâng cao chất lượng hoạt động của tổ hòa giải theo quy định của Luật Hòa giải cơ sở. Hiện nay, toàn thành phố có 87 tổ hòa giải với 506 hòa giải viên.

Trong năm 2020, các tổ hòa giải đã tiếp nhận 277 vụ việc, hòa giải thành công 160 vụ việc, trong đó hơn 80% vụ việc đều liên quan đến lĩnh vực đất đai. Để nâng cao chất lượng hòa giải, Phòng Tư pháp thành phố tổ chức nhiều lớp tập huấn, bồi dưỡng về Luật Đất đai cũng như những văn bản luật, quy định có liên quan, đồng thời phối hợp với Phòng Tài nguyên và môi trường thành phố tổ chức các buổi tư vấn thủ tục hành chính tại thôn, khối phố. Qua đó hỗ trợ người dân giải đáp các thắc mắc về thủ tục pháp lý liên quan cũng như nâng cao kiến thức pháp luật của người dân trên lĩnh vực này.

Ông Nguyễn Quốc Sử - nguyên Trưởng phòng Tư pháp TP.Tam Kỳ cho biết: “Việc trang bị kiến thức pháp luật trên lĩnh vực về đất đai cho cán bộ hòa giải ở cơ sở đã góp phần nâng cao chất lượng công tác hòa giải, các vụ hòa giải thành chiếm tỷ lệ cao. Từ đó, hạn chế những vụ việc vi phạm pháp luật, tranh chấp trong nhân dân, cũng như hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án trọng điểm, góp phần giữ gìn trật tự an toàn xã hội, hạn chế đơn thư vượt cấp”.

Tăng cường đối thoại

Đối thoại lần cuối với các hộ bị ảnh hưởng bởi các dự án trọng điểm là một trong những bước quan trọng để người dân và lãnh đạo địa phương gặp gỡ, tìm tiếng nói chung. Giữa tháng 3 vừa qua, lãnh đạo huyện Thăng Bình, các ban ngành liên quan đã có cuộc gặp gỡ, đối thoại với hộ ông Trần Mai. Đây là hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi dự án đường nối từ đường cứu hộ, cứu nạn đến quốc lộ 1.

Theo báo cáo của Trung tâm Phát triển quỹ đất và công nghiệp - dịch vụ huyện Thăng Bình, hộ ông Trần Mai bị ảnh hưởng và thu hồi hơn 200m2 đất ở, gia đình có 5 nhân khẩu, 1 cặp vợ chồng. Sau khi có quyết định thu hồi đất, địa phương đã thống nhất bố trí 1 lô đất tái định cư có hỗ trợ phần giá trị chênh lệch sử dụng đất giữa giá đất tái định cư và giá đất bồi thường tương ứng với diện tích đất ở bị thu hồi. Đối với đề xuất của ông Trần Mai hỗ trợ thêm 1 lô tái định cư, các ngành chức năng của huyện cho rằng, không có cơ sở theo quy định của pháp luật. Tại buổi đối thoại, ông Trần Mai cho biết đã nhận thấy được sự hợp lý đối với phương án bồi thường mà huyện Thăng Bình đưa ra nên ông đã đồng ý bàn giao mặt bằng thi công dự án.

Không chỉ riêng gia đình ông Trần Mai, lãnh đạo huyện Thăng Bình cũng tổ chức đối thoại với 4 hộ dân khác bị ảnh hưởng bởi dự án cầu Bình Đào, dự án đường nối từ đường cứu hộ cứu nạn đến quốc lộ 1. Tại các buổi đối thoại, đa số hộ gia đình đã hiểu rõ từng vấn đề cụ thể. Các ngành chức năng của huyện cũng đã giải thích cặn kẽ từng thắc mắc, đề xuất kiến nghị của người dân.

Ông Võ Văn Hùng - Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình cho biết, đường nối từ đường cứu hộ cứu nạn đến quốc lộ 1, dự án cầu Bình Đào là những dự án trọng điểm của huyện, có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đối với việc giải phóng mặt bằng, bồi thường thiệt hại trên toàn tuyến nói chung, các hộ còn vướng mắc hiện nay nói riêng, UBND huyện Thăng Bình đã làm hết trách nhiệm, đúng pháp luật và luôn coi trọng quyền lợi chính đáng của người dân. Đồng thời mong muốn các hộ đồng thuận bàn giao mặt bằng để các dự án trọng điểm trên của huyện được thông tuyến. Thời gian qua, huyện Thăng Bình cũng đã linh hoạt thực hiện quyền lợi chính đáng của các hộ dân bị ảnh hưởng bởi các dự án trên cơ sở các quy định của pháp luật. Trường hợp các hộ không đồng thuận chủ trương, không bàn giao mặt bằng, huyện Thăng Bình sẽ tiến hành cưỡng chế thu hồi đất trước ngày 15.4 theo chỉ đạo của UBND tỉnh.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đẩy mạnh hòa giải trên lĩnh vực đất đai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO