Điện Bàn thiếu kinh phí kè chống sạt lở (clip)

VĨNH LỘC 04/03/2021 16:18

(QNO) - Hàng chục kilomet bờ sông trên địa bàn thị xã Điện Bàn bị sạt lở suốt nhiều năm qua, tuy nhiên địa phương vẫn chưa thể khắc phục do thiếu kinh phí.

Nhiều điểm sạt lở ở Điện Bàn uy hiếp nhà dân
Một điểm sạt lở ở Điện Bàn uy hiếp nhà dân. Ảnh: VĨNH LỘC

Dai dẳng sạt lở

Sau những cơn bão lũ năm 2020, hàng nghìn khối đất cát trên cánh đồng Lạc Thành (thôn Lạc Thành Đông, xã Điện Hồng) bị cuốn trôi theo dòng nước. Hơn 500m bờ sông Bình Phước trở thành những vách đất dựng đứng nham nhở, cùng với đó hàng loạt vết đất rạn nứt có thể đổ ụp xuống sông bất cứ lúc nào.

Người dân thôn Lạc Thành Đông cho biết, đây không phải lần đầu tiên bờ sông bị sạt lở mà đã diễn ra dai dẳng từ nhiều năm trước mỗi khi đến mùa mưa lũ. Sạt lở không chỉ cuốn trôi đất canh tác hoa màu mà còn đe dọa khu vực nghĩa địa gần kề nếu các cấp ngành liên quan không có giải pháp kè chống kịp thời.

Hàng trăm mét bờ sông Bình Phước đoạn chảy qua xã Điện Hồng bị sạt lở nhiều năm nay nhưng vẫn chưa được kè chống do thiếu kinh phí
Hàng trăm mét bờ sông Bình Phước đoạn chảy qua xã Điện Hồng bị sạt lở suốt thời gian dài. Ảnh: VĨNH LỘC

Theo ông Nguyễn Văn Hồng - Phó Chủ tịch UBND xã Điện Hồng, sạt lở ven sông Bình Phước đã diễn ra hơn 20 năm, hơn 100m đất hoa màu sụp đổ xuống sông bồi lấp sang bờ đối diện, khiến dòng sông bị uốn cong biến dạng.

“Mấy năm nay nhiều đoàn kiểm tra của tỉnh, Trung ương về khảo sát, hứa bố trí kinh phí nhưng đến nay vẫn chưa thấy động tĩnh. Bây giờ lo nhất 3.000 ngôi mộ gần đó không biết trụ vững trong thời gian tới không” - ông Hồng nói. Ngoài thôn Lạc Thành Đông, thôn Lạc Thành Tây của xã cũng sạt lở nặng, tổng chiều dài các điểm sạt lở ước khoảng 1.000m.

Clip sạt lở ven sông ở Điện Bàn:

Mặc dù năm nay chưa đến mùa mưa nhưng nguy cơ sạt lở đã hiển hiện nhiều nơi ở Điện Bàn. Tại phường Điện Ngọc, cơn bão số 13 năm 2020 đã khiến gần 1.000m bờ sông Tứ Câu sạt lở nặng nề. Nghiêm trọng nhất là khu vực gần đập ngăn mặn Tứ Câu, lòng sông đã ăn sâu vào hàng chục mét đất sát tường nhà dân, khiến ngôi nhà bà Nguyễn Thị Nhung (tổ 10, khối phố Ngân Câu) như treo trên vách đất không biết sụp đổ khi nào.

Ông Lê Xí sống kề nhà bà Nhung cho biết, nếu không kịp thời gia cố, mùa mưa năm nay sạt lở sẽ tiếp tục diễn ra, thậm chí xé nát hết cả xóm thuộc tổ 10. Trong đợt bão lũ năm ngoái, hàng tre nhà ông cũng đổ sập xuống sông, bức tường thành chống sạt lở bảo vệ khu vườn và ngôi nhà ông xem như bị phá vỡ hoàn toàn.  

Chờ Trung ương hỗ trợ kinh phí

Sạt lở đã trở thành vấn đề nan giải của Điện Bàn suốt nhiều năm qua, hầu như xã, phường nào cũng có điểm sạt lở. Theo thống kê của Phòng Kinh tế thị xã Điện Bàn, hiện có khoảng 18 điểm sạt lở nặng với tổng chiều dài gần 22km, chủ yếu ven các sông Thu Bồn, Vĩnh Điện, Bình Phước, Thanh Quýt, Tứ Câu…

Một số nơi sạt lở khá nghiêm trọng ảnh hưởng đến nhiều công trình hạ tầng, cuộc sống dân sinh như khu vực thôn Kỳ Lam (xã Điện Quang) với chiều dài 2.500m; thôn Nhị Dinh (xã Điện Phước) hơn 2.000m; các thôn Thanh Quýt 1, Thanh Quýt 4, Thanh Quýt 5 (xã Điện Thắng Trung) 2.000m… Dù vậy, vẫn chưa thể khắc phục do thiếu kinh phí.

Thiếu kinh phí khiên công tác khắc phục sạt lở trở thành vấn đề dai dẵng của thị xã Điện Bàn suốt nhiều năm nay
Thiếu kinh phí khiến công tác khắc phục sạt lở trở thành bài toán nan giải của Điện Bàn suốt nhiều năm nay. Ảnh: VĨNH LỘC

Ông Nguyễn Đức Chơi - Trưởng phòng Kinh tế thị xã Điện Bàn thừa nhận, khó thể kè chống hết các điểm sạt lở, bởi kinh phí rất cao. Theo tính toán, để kè cứng 1km sạt lở chi phí khoảng 35 - 40 tỷ đồng, ước tính nếu kè chống kiên cố toàn bộ điểm sạt lở trên địa bàn thị xã cần khoảng 1.000 tỷ đồng. Với số tiền này thì địa phương, kể cả tỉnh cũng khó có nguồn. Đến nay, Điện Bàn đã nhiều lần gửi văn bản kiến nghị tỉnh hỗ trợ kè chống những điểm cấp thiết nhưng nguồn vốn hỗ trợ cũng không như mong muốn.

“Năm 2020 kinh phí kè chống sạt lở hầu như không có. Trước đó năm 2019 tổng kinh phí kè sạt lở cũng chỉ khoảng 800 triệu đồng dùng kè 2 điểm sạt lở tại xã Điện Thọ và Điện Phong. Riêng năm nay, Điện Bàn đã đề xuất kè chống sạt lở khu vực đê ngăn mặn Tứ Câu, nhưng do kinh phí hạn chế, khoảng vài trăm triệu đồng nên chắc kè chống tạm, những điểm sạt lở khác đành chịu” - ông Chơi cho hay.

Thiếu kinh phí đã trở thành rào cản khiến công tác khắc phục sạt lở trên địa bàn thị xã khó khăn, dẫn đến số điểm sạt lở chưa được kè chống ngày càng nhiều hơn. Ông Nguyễn Minh Hiếu - Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn cho biết, sắp tới thị xã phối hợp với tỉnh khảo sát, xác định nguyên nhân sạt lở, từ đó đề ra giải pháp khắc phục. Do kinh phí đầu tư kè chống lớn, thị xã và tỉnh không thể đảm bảo nên chủ yếu vẫn phải chờ nguồn hỗ trợ từ Trung ương, nhưng cũng chỉ ưu tiên cho những điểm thật sự bức thiết.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Điện Bàn thiếu kinh phí kè chống sạt lở (clip)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO