Điều tiết giảm lũ cho hạ du

TRẦN HỮU 21/10/2020 07:33

Mưa lũ kéo dài liên tục nhiều ngày đã đặt các hồ thủy điện miền Trung đối mặt với nguy cơ mất an toàn. Tuy nhiên, các hồ đập thủy điện lớn trên địa bàn tỉnh đã chủ động ứng phó, có khả năng  điều tiết giảm lũ cho hạ du.

Các hồ thủy điện cần xả nước hợp lý để góp phần giảm lũ cho hạ du, đồng thời phục vụ nước sản xuất cho mùa cạn
Các hồ thủy điện cần xả nước hợp lý để góp phần giảm lũ cho hạ du, đồng thời phục vụ nước sản xuất cho mùa cạn.

Điều tiết xả nước phù hợp

Trước mỗi mùa mưa lũ, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh cùng nhiều đơn vị liên quan hoàn tất công tác kiểm tra, đề xuất hướng xử lý, khắc phục các sự cố an toàn về hệ thống hồ đập, về duy tu, bảo dưỡng thiết bị máy móc và triển khai kế hoạch truyền thông phòng chống thiên tai cho vùng hạ du. Các hồ chứa thủy điện có dung tích lớn trên hệ thống Vu Gia – Thu Bồn bắt buộc tuân thủ nghiêm ngặt quy trình vận hành theo quy định, trong đó các chủ đầu tư là Công ty CP Thủy điện Đắc Mi, Công ty Thủy điện Sông Bung chủ động tính toán, vận hành điều tiết để đảm bảo mực nước các hồ thủy điện Đắc Mi 4, Sông Bung 2, Sông Bung 4 không vượt quá mực nước đón lũ thấp nhất.

Ngành chức năng của tỉnh sẽ giám sát chặt chẽ việc tham gia điều tiết giảm lũ về hạ du ở các nhà máy thủy điện. Thời điểm này, nhà máy thủy điện Sông Tranh 2 luôn chủ động báo cáo thường xuyên thông tin về mực nước trong hồ, mức độ an toàn công trình, điều tiết cắt, giảm lũ về hạ du. Theo Công ty Thủy điện Sông Tranh (chủ đầu tư của nhà máy thủy điện Sông Tranh 2), địa hình lưu vực sông Tranh có độ dốc lớn, thường xảy ra mưa nhiều nên lũ lên nhanh và xuống nhanh. Dung tích của hồ hơn 729 triệu mét khối. Mùa lũ tuy ngắn nhưng có lượng dòng chảy chiếm tới 60 - 70% của cả năm.

Theo dõi lưu lượng nước về hồ chứa của nhà máy thủy điện Sông Tranh 2. Ảnh: H.P
Theo dõi lưu lượng nước về hồ chứa của nhà máy thủy điện Sông Tranh 2. Ảnh: H.P

Ông Vũ Đức Toàn – Giám đốc Công ty Thủy điện Sông Tranh cho biết, mùa mưa lũ nhân viên vận hành máy móc ứng trực 24/24 giờ để theo dõi mực nước hồ, lưu lượng về hồ 15 phút/lần. Việc quyết định cắt, giảm lũ đều được tính toán chính xác, nếu không hợp lý thì sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả cắt giảm lũ cho khu vực hạ du cũng như có thể không tích trữ đủ nước cho tưới tiêu trong mùa cạn. Từ ngày 1.10 đến 17.10, tổng lượng nước về hồ trong các cơn lũ vừa qua là 623,28 triệu mét khối nhưng nhà máy chỉ xả về hạ du hơn 231 triệu mét khối gồm nước xả qua tràn và chạy máy phát điện; tích trữ lại hồ chứa hơn 391 triệu mét khối, góp phần cắt lũ đáng kể cho hạ du.  

An toàn cho hạ du

Theo Bộ Công Thương, nhiều hồ thủy điện có dung tích nhỏ, không có khả năng phòng lũ; khi nước về qua đập tràn sẽ trực tiếp tràn xuống hạ du. Còn các hồ có dung tích lớn, chẳng hạn như nhà máy thủy điện A Vương, Sông Tranh 2… đều có khả năng cắt lũ, vận hành theo quy trình liên hồ với quy định mức đón lũ, tham gia làm chậm lũ cho hạ du.

Theo ông Trương Xuân Tý – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, nguyên tắc xả nước điều tiết và xả lũ ở các thủy điện bắt buộc tuân thủ quy trình liên hồ chứa theo quy định của Thủ tướng Chính phủ và UBND tỉnh. Các nhà máy thủy điện phải thông báo về việc xả nước trên các phương tiện thông tin đại chúng (đài phát thanh, báo chí, hệ thống tin nhắn cảnh báo…) để chính quyền và người dân địa phương chủ động ứng phó.

Từ tháng 9.2020, Công ty Thủy điện Sông Tranh kết thúc kế hoạch truyền thông phòng tránh giảm nhẹ thiên tai của năm khi phối hợp với chủ đầu tư nhà máy thủy điện khác và chính quyền các huyện Nông Sơn, Bắc Trà My, Hiệp Đức, Tiên Phước tuyên truyền rộng rãi đến người dân. Trước mùa mưa lũ năm nay, Công ty Thủy điện Sông Tranh và Công ty Thủy điện Sông Tranh 3 lắp đặt, vận hành các trạm quan trắc đo mực nước và đo mưa đập tràn; đo mưa tại thị trấn Trà My; đo mưa tại xã Trà Thanh, huyện Trà Bồng (tỉnh Quảng Ngãi). Phối hợp sử dụng hệ thống trạm cảnh báo lũ từ xa do thủy điện Sông Tranh 2 xây dựng để cảnh báo đến nhân dân vùng hạ lưu sông Thu Bồn; phát thông báo qua 6 trạm cảnh báo từ xa...

Trước tình hình diễn biến mưa lũ phức tạp ở miền Trung, ngày 19.10, UBND tỉnh đã yêu cầu Công ty CP Thủy điện A Vương, Công ty CP Thủy điện Đắc Mi, Công ty Thủy điện Sông Bung tổ chức vận hành luân phiên 12 giờ nhằm hạ dần mực nước các hồ chứa thủy điện A Vương, Đắc Mi 4, Sông Bung 4 về mực nước cao nhất trước lũ trước 18 giờ ngày 23.10 nhằm chủ động ứng phó có hiệu quả với áp thấp nhiệt đới đang di chuyển vào Biển Đông. Chính quyền tỉnh cũng yêu cầu các địa phương rà soát phương án phòng chống lũ đảm bảo an toàn cho vùng hạ du, các khu vực sạt lở bờ sông để sẵn sàng ứng phó. Nghiêm cấm việc vớt củi, đánh bắt cá trên sông, khu vực nước ngập sâu, chảy xiết khi điều tiết các hồ chứa thủy điện.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Điều tiết giảm lũ cho hạ du
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO