Đối thoại để tìm cách thoát nghèo

VĨNH LỘC 19/08/2022 08:01

Ủy ban MTTQ Việt Nam thị xã Điện Bàn vừa tổ chức đối thoại với 34 hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn nhằm nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân.

Nhiều hộ nghèo, cận nghèo Điện Bàn mong muốn được hỗ trợ sinh kế để thoát nghèo. Ảnh: V.LỘC
Nhiều hộ nghèo, cận nghèo Điện Bàn mong muốn được hỗ trợ sinh kế để thoát nghèo. Ảnh: V.LỘC

Thiếu sinh kế

Gia đình bà Lê Thị Hỷ (thôn Nhị Dinh, xã Điện Phước) thuộc hộ nghèo. Mặc dù con trai bà Hỷ đã có gia đình nhưng cả 2 vợ chồng đều khuyết tật, con trai đi bán vé số, cháu đang đi học, những người còn lại hưởng trợ cấp xã hội. Bà đăng ký thoát nghèo nếu được hỗ trợ 15 triệu đồng để mua bò và làm chuồng bò.

“Cháu tôi ngày càng lớn nên tôi không muốn nó mặc cảm vì gia đình nghèo, nếu được Nhà nước hỗ trợ tiền, gia đình xin cam kết thoát nghèo” - bà Hỷ quả quyết.

Gia đình bà Hỷ là một trong số 34 hộ nghèo và cận nghèo được Ủy ban MTTQ Việt Nam thị xã Điện Bàn mời tham dự buổi đối thoại vừa diễn ra chiều 17.8. Hầu hết đều bày tỏ nguyện vọng được hỗ trợ vốn liếng, phương tiện làm ăn để có cơ hội thoát nghèo bền vững.

Ông Lê Lực (thôn Kỳ Bì, xã Điện Thọ) chia sẻ, gia đình ông thuộc diện hộ nghèo. Vợ bị tai biến liệt nửa người, con gái đang xin việc, bản thân làm phụ hồ thu nhập bấp bênh. Ông có nguyện vọng được hỗ trợ 15 triệu đồng để mua một xe máy đi làm.

“Tôi sẽ cố gắng làm việc để thay đổi cuộc sống, chứ có ai muốn mình nghèo khổ mãi đâu” - ông Lực nói.

Tương tự, ông Phạm Toàn (khối phố 2A, Điện Nam Bắc) cho biết, dù có con đang học đại học, 2 vợ chồng đau ốm thường xuyên nhưng vẫn quyết tâm xin thoát cận nghèo. “Tôi không có nguyện vọng hỗ trợ nhưng sẽ quyết tâm xin thoát hộ cận nghèo” - ông Toàn quả quyết.

Theo thống kê, đến cuối năm 2021, Điện Bàn còn 551 hộ nghèo, tỷ lệ 0,9%; hộ cận nghèo còn 652 hộ, tỷ lệ 1,06%. Bên cạnh những hộ thuộc diện bảo trợ xã hội (già cả, bệnh tật…) không có khả năng thoát nghèo hoặc vướng con cái học tập thì đa phần đều khao khát thay đổi cuộc sống, thoát nghèo bền vững. Tuy nhiên, do điều kiện gia đình khó khăn, thiếu phương tiện sinh kế nên khả năng thoát nghèo hạn chế.

Lắng nghe để chia sẻ

Tại buổi đối thoại, nhiều gia đình chỉ mong hỗ trợ 5 - 7 triệu đồng để làm chuồng, nuôi gà, thậm chí chỉ cần hỗ trợ một chiếc xe đạp để có phương tiện đi bán vé số hoặc hỗ trợ 10 - 20 triệu đồng để sửa chữa nhà, yên tâm đi làm kiếm tiền.

Hay như hộ ông Nguyễn Văn Xinh (thôn Đông Đức, xã Điện Thọ) chỉ mong được Nhà nước hỗ trợ 10 triệu đồng để mua dụng cụ làm dịch vụ nấu ăn, sau đó cam kết đăng ký thoát nghèo. Gia đình ông Xinh thuộc diện cận nghèo có mẹ già, làm nông, vợ làm dịch vụ nấu ăn, 2 con đang đi học.

Ông Phan Ngọc Hải - Trưởng ban Dân vận Thị ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thị xã Điện Bàn khẳng định, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội luôn được địa phương xác định là nhiệm vụ trọng tâm.

Hàng năm, từ thị xã đến cơ sở đều xây dựng kế hoạch vận động Quỹ vì người nghèo cũng như tổ chức đối thoại trực tiếp với người nghèo, cận nghèo nhằm chia sẻ, lắng nghe tâm tự, nguyện vọng để có giải pháp hỗ trợ sinh kế cho người dân thoát nghèo bền vững.

Những năm qua, thông qua nhiều chương trình đồng hành, hỗ trợ, rất nhiều gia đình trên địa bàn thị xã đã thoát nghèo bền vững. Riêng năm 2020, có 125 hộ thoát nghèo, 179 hộ thoát cận nghèo. Trước đó, năm 2019 có 179 hộ thoát nghèo, 306 hộ thoát cận nghèo…

“Không ai muốn mình nghèo khổ cả nhưng do điều kiện hoàn cảnh khác nhau mà chịu cảnh nghèo, cận nghèo nên chúng tôi phải đối thoại, lắng nghe tâm tư nguyện vọng bà con để có những hỗ trợ, chia sẻ kịp thời. Những nguyện vọng nào chính đáng, cấp thiết chúng tôi sẽ xem xét hỗ trợ ngay để bà con có sinh kế làm ăn, thoát nghèo bền vững” - ông Hải cho biết.

Điện Bàn đang phấn đấu đến năm 2030 sẽ không còn hộ nghèo, cận nghèo (trừ các đối tượng bảo trợ xã hội), vì vậy giảm nghèo hàng năm được xác định là một trong những mục tiêu quan trọng.

Theo bà Nguyễn Thị Thúy Hằng – Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn, sau buổi đối thoại, các ngành liên quan của thị xã sẽ tổng hợp phân loại, rà soát lại, hộ nào có nhu cầu hỗ trợ sửa chữa nhà cửa hay vốn kinh doanh, phương tiện sinh kế… để thoát nghèo sẽ được xem xét và giao trách nhiệm cụ thể cho từng cấp, ngành, đoàn thể liên quan vận động tìm nguồn, số còn lại UBND thị xã sẽ tính toán hỗ trợ…

“Quan điểm của thị xã, những hộ nào không có khả năng thoát nghèo thì sẽ không bắt buộc, những hộ nào có nguyện vọng thoát nghèo cần hỗ trợ sinh kế làm ăn thì Điện Bàn sẽ xem xét hỗ trợ” - bà Hằng nói.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đối thoại để tìm cách thoát nghèo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO