Duy Xuyên chủ động ứng phó thiên tai

MAI NHI - PHI THÀNH 15/09/2021 05:49

Nhằm giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản do thiên tai, thời gian qua các ngành, các cấp của huyện Duy Xuyên chủ động triển khai đồng bộ nhiều giải pháp ứng phó.

Âu thuyền Hồng Triều (Duy Nghĩa, Duy Xuyên) được đầu tư nâng cấp, tạo điều kiện thuận lợi cho tàu thuyền tránh trú bão. Ảnh: N.T
Âu thuyền Hồng Triều (Duy Nghĩa, Duy Xuyên) được đầu tư nâng cấp, tạo điều kiện thuận lợi cho tàu thuyền tránh trú bão. Ảnh: N.T

Thiệt hại nặng

Là địa phương nằm ở đầu nguồn sông Thu Bồn nên những năm qua xã Duy Thu (Duy Xuyên) bị thiệt hại nặng sau mỗi đợt bão lũ. Ngoài việc nhà dân bị ngập sâu, gia súc và gia cầm bị cuốn trôi thì tình trạng sạt lở ven sông diễn ra ngày càng nghiêm trọng.

Ông Nguyễn Ngọc Hải ở thôn Phú Đa 1 (xã Duy Thu) cho hay, những trận lũ xảy ra liên tiếp hồi tháng 10.2020 đã khiến bờ sông Thu Bồn bị xói lở. “Trước đây, nhà tôi cách bờ sông Thu Bồn đến 50m nhưng bây giờ chỉ còn vài bước chân, tài sản và tính mạng luôn bị đe dọa mỗi khi mưa lũ ập đến” - ông Hải nói. 

Theo quan sát của chúng tôi, hiện nay nhiều khu vườn dọc bờ sông Thu Bồn thuộc địa phận xã Duy Thu bị sạt lở tạo thành những hàm ếch.

Ông Nguyễn Văn Kiên - Phó Chủ tịch UBND xã Duy Thu nói: “Chỉ tính riêng các đợt mưa lũ năm ngoái, ngoài 2ha đất nông nghiệp trôi theo dòng nước thì 1,5km bờ sông Thu Bồn cũng bị xói lở nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đời sống của gần 50 hộ dân với khoảng 200 nhân khẩu”.

Nhà thầu tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công để sớm xây dựng hoàn thành tuyến kè ven sông Thu Bồn thuộc xã Duy Thu (Duy Xuyên). Ảnh: N.T
Nhà thầu tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công để sớm xây dựng hoàn thành tuyến kè ven sông Thu Bồn thuộc xã Duy Thu (Duy Xuyên). Ảnh: N.T

Ngoài Duy Thu, tình trạng sạt lở ven sông cũng diễn ra ngày càng nghiêm trọng ở nhiều địa phương khác như các xã Duy Hòa, Duy Châu, Duy Trinh. Còn tại vùng đông, ngập úng cũng đang là nỗi lo đối với người dân Duy Hải và Duy Nghĩa khi các công trình hạ tầng đô thị vẫn thi công dang dở...

Ông Đoàn Công Minh - thành viên Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) Duy Xuyên cho hay, năm 2020 công tác ứng phó với bão lũ tiếp tục được các cấp, ngành của huyện thực hiện quyết liệt, kịp thời.

Lực lượng công an, quân đội và thanh niên xung kích của các địa phương tổ chức di dời 2.847 hộ dân với 4.814 nhân khẩu ở những vùng nguy hiểm đến nơi cao ráo, an toàn trong các đợt bão lũ. Dẫu vậy, thiên tai vẫn gây thiệt hại nặng nề về tính mạng và tài sản của nhân dân.

Năm 2020, toàn huyện Duy Xuyên có 13 người chết, 37 người bị thương, 4 ngôi nhà bị thiệt hại hoàn toàn, 973 ngôi nhà bị tốc mái, 314 phòng học và 27 công trình văn hóa hư hỏng nặng. Cạnh đó, 39ha đất sản xuất nông nghiệp bị xói lở; 37ha cây trồng lâu năm, 523ha cây trồng hàng năm, 194ha cây ăn quả, 2.297ha rừng bị ngã đổ. Đặc biệt, 1.230m kè chống sạt lở bị hư hỏng, hàng loạt tuyến kênh mương sạt lở nghiêm trọng, 18 cống dẫn nước bị cuốn trôi… Tổng giá trị thiệt hại do thiên tai gây ra lên đến 535,4 tỷ đồng.

Ứng phó

Để khắc phục tình trạng xói lở bờ sông Thu Bồn, những năm qua chính quyền, Mặt trận và các hội đoàn thể của xã Duy Thu đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân trồng tre, cây bói. Đặc biệt, cấp trên quan tâm đầu tư xây dựng tuyến kè bờ sông kiên cố.

Ông Phan Viết Sáu ở thôn Thạnh Xuyên, chia sẻ: “Hơn 1 tháng nay, các ngành liên quan của huyện và chính quyền địa phương triển khai xây dựng tuyến kè chống sạt lở ven sông. Mong rằng, công trình này sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng để nhân dân yên tâm sinh sống và làm ăn”.

Những ngày qua, huyện Duy Xuyên ra quân cắt tỉa cây cối để hạn chế thiệt hại do mưa bão gây ra. Ảnh: N.T
Những ngày qua, huyện Duy Xuyên ra quân cắt tỉa cây cối để hạn chế thiệt hại do mưa bão gây ra. Ảnh: N.T

Bà Lê Thị Thanh Hằng - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Duy Thu cho hay, công trình kè chống sạt lở bờ sông Thu Bồn đoạn qua địa bàn xã có chiều dài khoảng 1,4km với tổng vốn đầu tư 24,9 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách trung ương hỗ trợ 20 tỷ đồng, còn lại là ngân sách của huyện.

“Gần đây, đơn vị thi công nỗ lực hoàn thiện các hạng mục chính của công trình nhằm hạn chế tình trạng sạt lở bờ sông Thu Bồn trong mùa mưa lũ. Qua đó, bảo vệ tính mạng, tài sản, đất canh tác cũng như các công trình hạ tầng ven sông và góp phần ổn định đời sống dân cư, phát triển kinh tế - xã hội” - bà Hằng nói.

Ông Trần Huy Tường - Trưởng phòng NN&PTNT kiêm Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện Duy Xuyên cho hay, mùa mưa bão năm nay được dự báo có nhiều diễn biến khó lường. Địa phương đã sớm xây dựng các phương án sơ tán gần 3.000 hộ dân với hơn 9.000 nhân khẩu ở những vùng trọng điểm có nguy cơ cao xảy ra sạt lở núi, ven sông, ven biển, ngập lụt sâu.

Cạnh đó, đưa ra các giải pháp ứng phó với tình trạng ngập úng tại 2 xã Duy Nghĩa và Duy Hải, trong đó ưu tiên nạo vét, nâng cấp hệ thống tiêu thoát nước. Đồng thời kiểm tra, đánh giá lại mức độ an toàn các công trình xung yếu như âu thuyền Hồng Triều (xã Duy Nghĩa), đê ngăn mặn - chống sạt lở Duy Nghĩa, tuyến kè chống xói lở tuyến đường Đông Bình - Hà Mỹ (xã Duy Vinh). Cùng với đó, chuẩn bị đầy đủ các loại vật tư, phương tiện tại những công trình thủy lợi lớn như hồ chứa nước Vĩnh Trinh, Thạch Bàn, Phú Lộc... nhằm chủ động ứng phó khi tình huống xấu xảy ra.

Theo ông Tường, ngành chức năng của huyện đã sớm rà soát, nắm chắc các vị trí xung yếu, nguy hiểm nhằm kịp thời phát hiện, xử lý sự cố sạt lở để đảm bảo an toàn tính mạng người dân. Cạnh đó là kiện toàn, củng cố các đội cứu nạn, cứu hộ ở mỗi địa phương và chuẩn bị phương tiện, vật tư, trang thiết bị cần thiết ứng phó thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ” gồm lực lượng tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, hậu cần tại chỗ, vật tư tại chỗ.

Ngoài ra, đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng chống dịch Covid-19 gắn với phòng chống thiên tai để mọi người, mọi nhà chủ động phòng tránh, đảm bảo mỗi người dân đều nắm được các kỹ năng an toàn trong bối cảnh nguy cơ kép: thiên tai và dịch Covid-19.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Duy Xuyên chủ động ứng phó thiên tai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO