Gà gáy trong hẻm vắng

PHAN HOÀNG 05/12/2022 20:13

(VHQN) - Không đường ngang ngõ tắt chằng chịt, không đặc trưng mùi hẻm như phố xá ở Sài Gòn, hay chí ít là Đà Nẵng; không sâu hun hút, hẻm ở Tam Kỳ đơn giản đúng điệu tỉnh lẻ. Hẻm cũng vắng vẻ chứ không đông đúc chen chúc như các thành phố lớn. Đó là những con hẻm mới hình thành của dân ngụ cư và dân bản địa, từ khoảng 25 năm trở lại đây...

Những mảnh ghép của hẻm phố. Ảnh: P.H
Những mảnh ghép của hẻm phố. Ảnh: P.H

Hẻm mới tập trung về phía bắc thành phố, ở những khu dân cư mới lập nên trong quá trình quy hoạch, xây dựng mạng lưới giao thông nội đô. Hay những xóm ruộng cũ, sau khi phố ra dáng, lại lọt thỏm giữa những đường lớn và bỗng chốc thành hẻm khi nào chẳng hay. Đi từ bên này đường Phan Bội Châu sang bên kia Trần Đại Nghĩa hay từ bên này Bạch Đằng sang bên kia Phan Bội Châu là một ví dụ để người tới phố cảm nhận và hình dung hẻm. Cứ rẽ năm ba cú ngoặt tay lái, là đã thấy các tuyến phố chính.

Cứ đổi dời người đến kẻ đi, hẻm bao dung hết thảy cho những dừng chân tạm đó. Chỉ người già bản địa là ở lại. Họ không quen với ồn ã ngoài kia. Họ giữ lại mảnh hồn làng trong phố...

Khu dân cư nho nhỏ, người chạm mặt nhau hằng ngày ở đó lúc thưa nhặt lúc đon đả lời chào mỗi sáng mỗi chiều, là có thể đoán biết ngày đó vui hay buồn với cuộc mưu sinh.

Khi xóm thành hẻm, hết đất làm nông, cư dân bản địa ở đó xoay ra những nghề mưu sinh cùng phố. Xóm nhậu bình dân giờ thành hẻm cá ngạnh, cá diếc, hẻm phế liệu. Xe xôi đậu, cá viên chiên, bánh mì, bánh bao, mỳ Quảng, bún mắm, bánh bèo bánh nậm bột báng...

Nguyên những khu vực này xưa là ruộng lúa hay đất nà ven sông. Cả trăm năm trước, khi phía nam đã phát triển cùng với chợ Vạn đông đúc, nhưng phía bắc trong câu “Tam Kỳ phủ, Hà Đông huyện, Chiên Đàn Trung tổng, Tứ chánh Bàn Thạch thôn”, đất ruộng vẫn còn khá nhiều và kéo dài đến tận khi Tam Kỳ là thị xã tỉnh lỵ vào những năm 1997.

Có lẽ vậy nên hình thái làng quê của phủ Tam Kỳ, dấu vết đến hôm nay vẫn còn khá rõ ở những hẻm xóm này. Là khu vực từ siêu thị Co.opMart trở ra đến Khổng Miếu và xóm bún Phương Hòa xưa. Cho dù không gian thành phố giờ đây mở rộng nhiều lần so với thị xã Tam Kỳ cũ, đã chẳng còn chuyện không có ngã tư như trước nhưng đặc trưng “làng trong phố” vẫn đậm đặc.

Xóm hẻm dân bản địa nhiều nơi vẫn nuôi gà nuôi vịt nuôi heo y như thời chưa là phố. Khi chiều buông, trâu bò ăn đồng xa ngoại ô được lùa về, phân rơi dọc lối đi, có ai đó lại tếu táo lại ngân nga “đàn bò vào thành phố”… Nhà nào còn được chút đất vườn và có người già, thì y rằng, đó sẽ là vườn rau sạch cho cả xóm. Ra chợ, nói rau bà Năm xóm mình á, sẽ như sự bảo chứng và đảm bảo chất lượng, còn hơn cả tiêu chuẩn VietGAP.

 

Khi xóm thành hẻm, dân ngụ cư các nơi tụ về phố theo công việc làm ăn. Có người chỉ đủ tiền trọ trong các dãy nhà ở hẻm. Có người chạy vạy an cư được căn nhà nhỏ. Nhiều hẻm không có đèn đường, không nước máy, không có mương thoát nước. Dần dà theo nhu cầu đời sống, người trong hẻm góp nhau có điện có nước máy cho ra… thị dân, nhưng mương thoát nước thì vẫn khó. Cho nên, ngập trở thành “đặc sản” ở các con hẻm kiểu này.

Bạn tôi ở trong con hẻm nhỏ đường Trương Chí Cương, hễ mưa là ngập. Than trời nhưng cũng đành chịu vì cả đời làm lụng chưa biết đến khi nào đủ đầy tiền bạc rời hẻm ra mặt phố. Rất nhiều người như bạn tôi, cũng muốn rời hẻm để các điều kiện cuộc sống được thoải mái hơn. Và luôn nuôi khát vọng. Cứ đổi dời người đến kẻ đi, hẻm bao dung hết thảy cho những dừng chân tạm đó. Chỉ người già bản địa là ở lại. Họ không quen với ồn ã ngoài kia. Họ giữ lại mảnh hồn làng trong phố.

Quá trình đô thị hóa ở tỉnh lẻ chậm nên khó nhận ra sự phá vỡ không gian làng. Hẻm được xem là “tiểu không gian văn hóa” ở đô thị. Với Tam Kỳ, hẻm phố vẫn giữ được sự thân thiện, bình yên và người ở hẻm rõ nhau như lối sống của làng xưa. Xóm cũng đó mà hẻm cũng đó. Lối sống thị dân ở đó được quy định từ đặc trưng ấy, chao chát và ấm nóng vừa đủ. Vừa đủ để cảm thấy yên lòng khi cần bàn tay chìa ra giúp nhau lúc hoạn nạn khốn khó. Vừa đủ để không thấy bất tiện khi chuyện trong nhà chưa rõ ngoài ngõ đã hay. Vừa đủ để người bắt đầu qua tuổi trung niên, nghe tiếng gà mà đếm canh 2 canh 3 chờ trời sáng.

Hẻm ở Tam Kỳ, hiếm hoi đến gần như vắng bặt những tiếng rao đêm, kiểu “vịt lộn đây” “chưng chả đây”. Nên khuya nghe tiếng gà lẻ loi góc phố, là vợi bớt nỗi nhớ làng gói ghém trong hành trang đến ngụ cư, mà ở lại cùng chốn này, với hai chữ thị dân.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Gà gáy trong hẻm vắng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO